Quảng Bình đã cấp trên 550.000 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ năm 2017 đến nay
Quảng Bình đã cấp trên 550.000 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ năm 2017 đến nay. Ảnh: TL |
Tiếp nhận, giải quyết 274.088 hồ sơ đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Văn phòng Đăng ký đất đai Quảng Bình chính thức hoạt động vào ngày 1/11/2017. Thời gian vừa qua, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) và quyền sở hữu nhà ở gắn liền với đất cho người dân đã được UBND tỉnh Quảng Bình và Sở TN&MT đặc biệt quan tâm. Nhiều văn bản đã được cơ quan có thẩm quyền ban hành để hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc cấp giấy chứng nhận.
Theo đó, từ năm 2017 đến năm 2021, Văn phòng đã tiếp nhận, giải quyết 274.088 hồ sơ đăng ký cấp GCNQSDĐ, đăng ký biến động đất đai, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, trong đó đã giải quyết 267.940 hồ sơ.
Tính đến nay, kết quả cấp giấy chứng nhận QSDĐ chung toàn tỉnh đã thực hiện được 551.554 giấy với diện tích 595.711,68 ha/625.400,26 ha, đạt 96,13%. Đồng thời, tiếp nhận, làm thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất được 184.518 hồ sơ cho các tổ chức và hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. 100% hồ sơ đăng ký giao dịch bảo đảm được giải quyết trước hạn và đúng hạn.
Từ trước khi thành lập Văn phòng Đăng ký đất đai bình quân tiến độ giải quyết 1 hồ sơ trước giai đoạn sát nhập trên 30 ngày thì nay rút xuống còn 15 ngày; Tỷ lệ giải quyết hồ sơ quá hạn tại thời điểm thành lập Văn phòng Đăng ký đất đai một cấp trên 30%, nay giảm xuống còn 6%.
Đặc biệt, trong bối cạnh dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp năm 2021, Sở TN&MT đã cấp lần đầu 1.609 sổ đỏ cho hộ gia đình, cá nhân với diện tích 67,88ha; cấp đổi, cấp lại sổ đỏ (kể cả cấp do chia tách, hợp thửa hoặc thực hiện các quyền) được 25.564 sổ, với diện tích 1.278,51 ha. Tính đến nay, đã cấp được 540.632 sổ đỏ cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, với diện tích 186.033,14 ha.
“Trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở TN&MT, Văn phòng Đăng ký đất đai bám sát những văn bản chỉ đạo của Chính phủ và UBND tỉnh, triển khai nhiều phương án, nỗ lực khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, trong các thời điểm thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16, Chỉ thị số 15 của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về việc tăng cường sử dụng các hình thức làm việc trên môi trường mạng để chỉ đạo, điều hành, giải quyết công việc từ xa nhằm hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp, chủ động xây dựng kế hoạch triển khai làm việc trực tuyến để bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ” - ông Trần Văn Khương - Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai Quảng Bình nhấn mạnh.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính
Theo ông Trần Văn Khương, để đạt kết quả trên, Văn phòng Đăng ký đất đai Quảng Bình đã tích cực tham mưu ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo công tác chuyên môn. Công tác đo đạc bổ sung tài sản phục vụ công tác đăng ký cấp sổ đỏ cho các tổ chức; đo đạc, chỉnh lý địa chính thửa đất, khu đất, tài sản khác gắn liền với đất phục vụ công tác cấp sổ đỏ cho các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh được quan tâm thực hiện. Đặc biệt, công tác cải cách thủ tục hành chính được đẩy mạnh, góp phần rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính về đất đai, đáp ứng được nhu cầu của các tổ chức, cá nhân.
Tuy nhiên, thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Bình sẽ từng bước khắc phục các tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện thủ tục hành chính về đất đai. Chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng viên chức nhằm nâng cao năng lực chuyên môn và tính chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ được giao; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo chuyển biến về lề lối làm việc của viên chức; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính.
Cùng với đó, tiếp tục đổi mới phương thức làm việc, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; đẩy mạnh công tác điều chuyển địa bàn công tác, vị trí việc làm các trường hợp không đáp ứng tiêu chuẩn về năng lực, phẩm chất đạo đức, thực hiện không hết chức trách nhiệm vụ được giao, kể cả cán bộ quản lý các phòng, ban, chi nhánh.
Xây dựng kế hoạch cụ thể và tổ chức kiểm tra giám sát thường xuyên việc thực hiện nhiệm vụ của từng bộ phận, từng viên chức và người lao động; kiên quyết xử lý nghiêm khắc đối với những viên chức có hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho các tổ chức, cá nhân khi đến giao dịch với cơ quan.