Quốc hội xem xét bổ sung, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá, bia rượu
Quang cảnh kỳ họp Quốc hội. Ảnh: MH |
Trong phiên họp ngày 22/11/2024, theo chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) (sửa đổi), trong đó có đề nghị bổ sung lộ trình tăng thuế suất thuế TTĐB đối với thuốc lá, bia rượu.
Phù hợp xu hướng cải cách thuế tiêu thụ đặc biệt
Trình bày tờ trình về dự án Luật, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long cho hay, việc sửa đổi, bổ sung để điều tiết tiêu dùng là phù hợp với xu hướng tiêu dùng trong xã hội và định hướng của Đảng và Nhà nước về bảo vệ sức khỏe của nhân dân, bảo vệ môi trường.
Đồng thời đáp ứng những yêu cầu từ thực tiễn phát sinh, tạo môi trường pháp luật thống nhất và đồng bộ áp dụng trong nền kinh tế, khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật thuế TTĐB hiện hành cũng như phù hợp với xu hướng cải cách thuế TTĐB của các nước.
Theo đó, dự thảo Luật đã hoàn thiện quy định về chính sách thuế TTĐB để mở rộng cơ sở thu như bổ sung đối tượng chịu thuế đối với nước giải khát có đường, áp dụng thuế hỗn hợp đối với thuốc lá, tăng thuế suất thuế TTĐB đối với rượu, bia...
Cụ thể, sửa quy định “thuốc lá điếu, xì gà và chế phẩm khác từ cây thuốc lá dùng để hút, hít, nhai, ngửi, ngậm” thành “thuốc lá theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá bao gồm thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi, thuốc lào hoặc các dạng khác dùng để hút, hít, nhai, ngửi, ngậm”.
Theo đó, mức thuế suất được thực hiện theo 2 phương án. Chẳng hạn, đối với thuốc lá điếu, lộ trình theo phương án 1 là 2.000 đồng/bao (từ năm 2026), 4.000 đồng/bao (từ năm 2027), 6.000 đồng/bao (từ năm 2028), 8.000 đồng/bao (từ năm 2029), 10.000 đồng/bao (từ năm 2030).
Theo phương án 2 là 5.000 đồng/bao (từ năm 2026), 6.000 đồng/bao (từ năm 2027), 7.000 đồng/bao (từ năm 2028), 8.000 đồng/bao (từ năm 2029), 10.000 đồng/bao (từ năm 2030).
Theo tờ trình, Chính phủ nghiêng về phương án 2 bởi tỷ lệ hút thuốc ở nam giới giảm từ 42,1% (2025) xuống còn 39,7% vào năm 2026 và đến năm 2030 giảm xuống còn 38,5%. Tỷ trọng thuế trên giá bán lẻ tăng từ 36% (2025) lên 52,4% vào năm 2026 và đến năm 2030 tăng lên 59,4%.
Như vậy, Phương án 2 có khả năng giảm tiêu thụ nhanh hơn, sớm hơn và ở mức độ lớn hơn để gần tiếp cận đến mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm nam từ 15 tuổi trở lên đề ra tại Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá (xuống dưới 36% trong giai đoạn 2026 – 2030) và hướng tới đạt tỷ trọng thuế trên giá bán lẻ thuốc lá theo khuyến nghị của WHO (75%).
Tương tự, đối với mặt hàng rượu bia, Chính phủ cũng nghiêng về phương án 2 với mức thuế suất cao hơn.
Bởi theo phương án này, giá bán năm 2026 sẽ tăng khoảng 10% so với năm 2025, và các năm tiếp theo mỗi năm giá bán sẽ tăng 2-3% so với năm trước để đảm bảo giá sản phẩm tăng tương ứng theo mức độ lạm phát và gia tăng thu nhập của các năm tiếp theo.
Qua đó sẽ có tác dụng giảm khả năng chi trả đối với các sản phẩm rượu, bia mạnh hơn, tác động tốt hơn trong việc giảm tỷ lệ sử dụng rượu, bia và giảm các tác hại liên quan do việc lạm dụng rượu, bia gây ra.
Cân nhắc nâng mức thuế của nước giải khát có đường
Ngoài ra, dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung quy định đối tượng chịu thuế TTĐB là xe có động cơ dưới 24 chỗ, bao gồm: xe ô tô chở người; xe chở người 4 bánh có gắn động cơ; xe ô tô pick-up chở người; xe ô tô pick-up chở hàng cabin kép; xe ô tô tải VAN loại có từ hai hàng ghế trở lên, có thiết kế vách ngăn cố định giữa khoang chở người và khoang chở hàng.
Sửa đổi quy định mặt hàng “hàng mã” không bao gồm hàng mã là đồ chơi trẻ em, đồ dùng dạy học để đảm bảo phù hợp với thực tế.
Sửa đổi quy định kinh doanh đặt cược bao gồm đặt cược thể thao, giải trí và các hình thức đặt cược khác theo quy định của pháp luật để đảm bảo tính bao quát.
Dự thảo cũng bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế TTĐB để thực hiện các chủ trương chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về bảo vệ sức khỏe nhân dân, khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Bộ Y tế.
Báo cáo thẩm tra về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, đa số ý kiến nhất trí với việc bổ sung sản phẩm nước giải khát có đường vào diện chịu thuế TTĐB.
Đồng thời đề nghị Chính phủ làm rõ nội dung “theo Tiêu chuẩn Việt Nam” vì quy định này có thể dẫn đến vướng mắc trong thực hiện đối với các sản phẩm nhập khẩu không được sản xuất theo Tiêu chuẩn Việt Nam song vẫn có hàm lượng đường trên 5g/100ml.
Hơn nữa, đa số ý kiến nhất trí với đề xuất của Chính phủ về việc áp dụng mức thuế suất 10% đối với mặt hàng này.
Tuy nhiên, mức thuế suất 10% là khá thấp, có thể không đủ để tác động, thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân, dẫn đến không đạt được mục tiêu đặt ra trong ban hành chính sách. Do đó, cần cân nhắc để đề xuất mức thuế cao hơn để đạt được mục tiêu điều tiết tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe người dân.
Ngoài ra, đa số ý kiến nhất trí với đề xuất quy định thuế suất thấp hơn đối với các loại xe sử dụng năng lượng thân thiện với môi trường để giảm phát thải khí nhà kính, phù hợp với xu thế của quốc tế.