Thanh Hóa vươn lên đứng đầu top các địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao nhất cả nước
Giải quyết các "nút thắt" giải phóng mặt bằng giúp cho tỷ lệ giải ngân cao trong 6 tháng đầu năm. Ảnh tư liệu |
Kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ các khó khăn
Để giải ngân nhanh vốn đầu tư công (ĐTC) năm 2024, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-UBND về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn ĐTC và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng vốn ĐTC năm 2024. Tại chỉ thị, tỉnh Thanh Hóa đưa ra các mốc thời gian cụ thể cho việc giải ngân của tỉnh để các chủ đầu tư phấn đấu hoàn thành. Bên cạnh đó, tỉnh đã thành lập 5 tổ công tác cấp tỉnh và đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về tiến độ thực hiện và giải ngân vốn các dự án.
Đặc biệt, tỉnh Thanh Hóa đã tập trung giải quyết các “nút thắt” trong việc giải phóng mặt bằng (GPMB) bằng việc tăng cường đối thoại với người dân, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, vận dụng linh hoạt các quy định của pháp luật để giải quyết phản ánh, kiến nghị, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân. Do đó, công tác GPMB đã nhận được sự đồng thuận của người dân trong việc di dời, tái định cư, trả lại quỹ đất sạch cho các dự án, công trình sớm được hoàn thành đưa vào sử dụng, mang lại lợi ích to lớn cho địa phương.
Đối với các dự án mới lựa chọn được nhà đầu tư, tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành, huyện, thị thường xuyên hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi nhất theo quy định để nhà đầu tư hoàn thiện các thủ tục về phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất, thuê đất, quy hoạch xây dựng, cấp phép xây dựng… Với các giải pháp đã thực hiện từ đầu năm đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã đạt thành tích cao trong công tác giải ngân vốn ĐTC. Theo báo cáo tổng hợp của Bộ Tài chính, dự kiến đến hết tháng 6 vừa qua, tỉnh Thanh Hóa đã giải ngân được gần 6.356 tỷ đồng, đạt gần 54% tổng kế hoạch vốn (trên 11.785 tỷ đồng), đạt gần 57% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (trên 11.185 tỷ đồng). Với tỷ lệ giải ngân đạt cao đã đưa Thanh Hóa đứng ở vị trí đầu tiên trong top đầu các địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn ĐTC cao nhất cho đến thời điểm này.
Đưa nhanh nguồn vốn vào phát triển kinh tế địa phương
Mặc dù đang có tỷ lệ giải ngân vốn ĐTC đạt cao, nhưng hiện tại tỉnh Thanh Hóa vẫn còn một số đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp như Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh mới giải ngân được 4,7% kế hoạch vốn được giao; tiếp đến là thị xã Nghi Sơn đạt 14,6%; huyện Ngọc Lặc đạt 15,7%; Ban quản lý dự án (BQLDA) đầu tư xây dựng các công trình giao thông đạt 15,8%, BQLDA đầu tư xây dựng khu vực Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp đạt 17,4%…
Để phát huy hiệu quả giải ngân vốn ĐTC 6 tháng đầu năm, phấn đấu giải ngân đạt 100% kế hoạch khi kết thúc năm, tỉnh Thanh Hóa đang tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả hơn nữa các giải pháp đã được tỉnh đặt ra từ đầu năm. Đồng thời tăng cường đôn đốc nhà thầu tập trung nhân lực, nguyên vật liệu, thiết bị, bổ sung các mũi thi công đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
Ngoài ra, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của 5 tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm tăng tốc, bảo đảm khối lượng, đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao nhất. Đồng thời, tỉnh cũng lưu ý các chủ đầu tư kiên quyết xử lý nghiêm nhà thầu xây lắp, đơn vị tư vấn không thực hiện theo đúng cam kết trong hồ sơ dự thầu.