Thành lập 6 tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công
Để đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, nội dung trọng tâm của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội trong 2 năm 2022 – 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa quyết định thành lập 6 tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
Giải ngân 4 tháng đầu năm 2022 thấp hơn cùng kỳ năm trước
Tập trung đốc thúc giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thường xuyên nhắc nhở, đốc thúc các bộ trưởng, trưởng ngành, thủ trưởng cơ quan ngang bộ khi trong các phiên họp Chính phủ thường kỳ gần đây cũng như hội nghị chuyên đề về phục hồi kinh tế xã hội và đẩy mạnh giải ngân đầu tư công đầu tháng 4 vừa qua.
Nhìn vào kết quả giải ngân vốn đầu tư công, vốn ODA quý I chưa được cải thiện đáng kể, Thủ tướng đã yêu cầu tiếp tục rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách đầu tư công. "Đầu tư công phải dứt khoát không manh mún, chia cắt, dàn trải, kéo dài, làm mất thời gian, tăng thủ tục hành chính, giảm hiệu quả đầu tư" - người đứng đầu Chính phủ nhắc nhở.
Ảnh: T.L |
Mới đây, tại Quyết định số 548/QĐ-TTg ngày 2/5/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao 6 thành viên Chính phủ sẽ đứng đầu 6 tổ công tác kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đến ngày 30/4/2022 chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 được giao; có tỷ lệ giải ngân đến ngày 30/4/2022 dưới mức trung bình của cả nước (18,48%).
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022 ước thanh toán đến ngày 30/4/2022 là 95.724,49 tỷ đồng, đạt 18,48% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, xấp xỉ cùng kỳ năm 2021 (đạt 18,65%). Trong đó, vốn trong nước là 94.592,89 tỷ đồng, đạt 19,57% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; vốn nước ngoài là 1.131,61 tỷ đồng đạt 3,25% kế hoạch.
Hiện có 7 bộ và 8 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 25%, một số bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao như: Ngân hàng Chính sách xã hội (91,12%), Ngân hàng phát triển (59,64%), Bình Thuận (33,9%), Phú Thọ (33,4%)… Còn 43/51 bộ và 28/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 17%, trong đó có 17 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân kế hoạch vốn.
Nguyên nhân giải ngân chậm, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chủ yếu là do công tác tổ chức triển khai thực hiện tại các bộ, ngành và địa phương còn nhiều bất cập; các cấp, các ngành chưa thực sự vào cuộc; vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, chưa rõ nét; công tác tuyên truyền đến người dân về chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng còn chưa đầy đủ, thiếu minh bạch;…
Những chỉ đạo kịp thời, cần thiết
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng, nguyên nhân rất đa dạng, mỗi một bộ, ngành, địa phương, dự án giải ngân chậm đều ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân chung của cả nước. Yêu cầu đặt ra là các cấp, các ngành phải có trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công. Việc phân bổ, giao kế hoạch, giải ngân vốn đầu tư công ảnh hưởng rất lớn đến kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nên phải nhanh, hiệu quả và phải đảm bảo đúng pháp luật.
Để khẩn trương đốc thúc công tác giải ngân, Bộ Tài chính đã đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp, đề xuất phương án điều chuyển kế hoạch vốn năm 2022 của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương đến ngày 31/3/2022 chưa phân bổ hết cho các bộ, cơ quan trung ương, địa phương khác đã có dự án và có nhu cầu bổ sung vốn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tại Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 8/4/2022 của phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2022.
Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành, địa phương tổng hợp bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn vốn nước ngoài giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2022 đối với các dự án ODA đã có đủ điều kiện, báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công điện số 307/CĐ-TTg ngày 8/4/2022 về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài.
Theo PGS.TS Vũ Sỹ Cường - Phó Trưởng Bộ môn Phân tích chính sách tài chính, Học viện Tài chính, Thủ tướng Chính phủ đã rất quyết liệt trong việc đốc thúc giải ngân, chỉ đạo cụ thể về giải ngân cho các dự án đường cao tốc, từ giải phóng mặt bằng, đến việc cung cấp nguyên vật liệu… Những chỉ đạo như vậy là rất kịp thời và cần thiết.
Để nâng cao tốc độ cũng như hiệu quả giải ngân, PGS.TS. Vũ Sỹ Cường đề xuất cần phải có những khung khổ pháp lý mạnh mẽ hơn, đồng thời nên xây dựng một bộ chỉ số đánh giá về khả năng thực thi giải ngân đầu tư công, tương tự chỉ số KPI trong doanh nghiệp, để đánh giá để đo lường khả năng thực thi các dự án.
Cùng quan điểm này, TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho rằng, một trong những động lực để thay đổi là tạo áp lực từ bên trên; đồng thời công khai đánh giá những kết quả hiện hành và từ đó truyền thông, báo chí và dư luận tạo áp lực từ bên ngoài. Khi đã có áp lực thì sẽ có thay đổi./.