Tốc độ tăng tín dụng của kinh doanh bất động sản lên tới 9,78%
Đây là thông tin được Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết tại cuộc họp báo thường kỳ của Văn phòng Chính phủ chiều 5/5.
Các ngân hàng có lãi suất cho vay cao đã được nhắc nhở
Tại cuộc họp báo, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho hay, từ đầu năm đến nay NHNN đã tập trung triển khai 8 chính sách, trong đó có chính sách về giảm lãi suất.
Cụ thể là chính sách điều hành tiền tệ để bảo đảm ổn định giá trị đồng tiền cũng như bảo đảm ổn định tỷ giá. Đấy là một trong những điều kiện tiên quyết, quan trọng nhất đã được triển khai tích cực.
Thứ hai là tạo dư địa tăng trưởng tín dụng, dự kiến là 14,5%, để hỗ trợ khôi phục nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng.
Thứ ba là luôn bảo đảm tính thanh khoản cho nền kinh tế cũng như tính thanh khoản của các tổ chức tín dụng.
Thứ tư là các giải pháp tạo điều kiện cho thị trường bất động sản và thị trường trái phiếu. Tính đến nay, tốc độ tăng của kinh doanh bất động sản rất cao (9,78%) trong khi tín dụng chung của nền kinh tế tăng 3,24%.
Chính sách thứ năm được các ngân hàng triển khai là gói cho vay bất động sản 120 nghìn tỷ đồng cho 3 đối tượng ưu tiên cùng với nhiều gói tín dụng khác.
Chính sách thứ sáu là, giãn hoãn nợ, kéo dài thời hạn trả nợ cho các doanh nghiệp có khó khăn đến kỳ hạn chưa trả nợ được, kể cả lãi và gốc 1 năm.
Thứ bảy là chỉ đạo các ngân hàng thương mại cắt giảm chi phí chính, thủ tục giảm chi phí… hỗ trợ cho doanh nghiệp
Và chính sách cuối cùng, theo Phó Thống đốc NHNN là giảm lãi suất, một trong những chính sách rất quan trọng, có ý nghĩa thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú |
Để giảm lãi suất, NHNN đã quyết định giảm lãi suất điều hành, tạo định hướng cho các ngân hàng thương mại trong việc giảm lãi suất huy động, giảm lãi suất cho vay. Theo đó, lãi suất huy động chung của tất cả các tổ chức tín dụng giảm 1 - 1,2%, lãi suất cho vay chung của các ngân hàng trong cả hệ thống giảm khoảng 0,5 - 0,65%. Riêng các ngân hàng thương mại nhà nước, mức giảm tích cực hơn. Đây cũng là những ngân hàng chủ lực, có vai trò định hướng thị trường, phần lãi suất huy động trung bình giảm từ 1 - 1,5%, lãi suất cho vay giảm từ 1,5 -2%.
Đặc biệt, vừa qua tại hội nghị ngày 25/4 triển khai Thông tư 02/2023/TT-NHNN về giãn, hoãn, cơ cấu lại các khoản nợ, NHNN đã nhắc nhở các ngân hàng còn cho vay cao, xem xét để sao có mặt bằng thống nhất chung, tương quan với mức độ tài chính của các tổ chức tín dụng. Sắp tới, NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo, định hướng, vận động các ngân hàng thương mại cắt giảm chi phí, tạo điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho doanh nghiệp, để vừa chia sẻ với doanh nghiệp, vừa tạo điều kiện đẩy mạnh tín dụng từ nay đến cuối năm.
Vực dậy tăng trưởng ở các đầu tàu kinh tế
Liên quan đến thúc đẩy tăng trưởng, sản xuất kinh doanh, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cũng trả lời về các giải pháp vực dậy tăng trưởng của một số địa phương, các điểm sản xuất trên cả nước có quy mô sản xuất lớn và có sự tăng trưởng chậm trong quý I như TP. Hồ Chí Minh (HCM), Bắc Ninh, Thái Nguyên.
Theo Thứ trưởng Đỗ Thành Trung, quý I/2023 là một trong những quý I có tốc độ tăng trưởng thấp, động lực tăng trưởng suy giảm chủ yếu do lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo - nguyên nhân chính dẫn đến các trung tâm sản xuất lớn, công nghiệp xây dựng bị ảnh hưởng.
Điều này dẫn đến khoảng 7 địa phương có tốc độ tăng trưởng tương đối thấp, trong đó có TP.HCM, Thái Nguyên, Bắc Ninh. Bên cạnh nguyên nhân động lực là công nghiệp chế biến chế tạo suy giảm, còn một số ảnh hưởng khác như tổng cầu giảm, xuất nhập khẩu, FDI, và những lĩnh vực riêng đặc thù của các địa phương cũng suy giảm.
Trong đó có những nguyên nhân đặc thù như TP.HCM, trước đây thông thường 1 năm TP.HCM có khoảng 70 - 80 dự án để phê duyệt chủ trương và đầu tư xã hội. Trong 2 năm trở lại đây, dự án mới để phê duyệt rất thấp, liên quan đến năng lực quản lý, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay.
Từ những nguyên nhân chung cũng như đặc thù của từng địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu Chính phủ nhiều giải pháp để vực lại động lực tăng trưởng, đặc biệt là chỉ đạo điều hành để tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong các lĩnh vực lớn như tín dụng, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp… Ngoài ra, có đặt vấn đề hỗ trợ cho các địa phương này.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung cũng nhấn mạnh một số giải pháp cho các địa phương như nâng cao năng lực, chất lượng chỉ đạo điều hành, xử lý công việc của chính quyền địa phương các cấp, tạo điều kiện để những người trong hệ thống quản lý dám nghĩ, dám làm.
Đồng thời, các địa phương cần đẩy mạnh đầu tư công với vai trò là động lực tăng trưởng. Các trung tâm lớn có dư địa tốt về thúc đẩy du lịch, các ngành dịch vụ trở thành động lực tăng trưởng thứ hai bên cạnh công nghiệp, đầu tư công; tập trung triển khai tốt các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp mà gần đây Chính phủ đã ban hành…/.