TP. Hồ Chí Minh không để thất thoát, lãng phí tài sản công
Tài sản sở hữu nhà nước phải được sắp xếp, xử lý phù hợp
Thời gian qua, trên địa bàn nhiều địa phương trong cả nước, trong đó có TP. Hồ Chí Minh, một số nơi chính quyền các cấp và các ngành liên quan buông lỏng quản lý, hoặc thiếu trách nhiệm trong quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công đã gây thất thoát, lãng phí lớn sản nhà nước. Biểu hiện rõ nhất qua hoạt động cho thuê, chuyển nhượng, đấu giá bất động sản, sắp xếp, xử lý tài sản công sau khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và một số lĩnh vực khác…
Mới đây, đề cập đến hoạt động hợp đồng thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) đối với các loại nhà đất đang sử dụng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, một số doanh nghiệp nhà nước cho rằng, khi nộp đơn lên Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP. Hồ Chí Minh, yêu cầu bắt buộc phải có văn bản của UBND thành phố phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý tài sản công, theo Nghị định số 67/CP ngày 15/7/2021 (sửa đổi Nghị định 167/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công) là gây khó. Các doanh nghiệp cho rằng, quy định này là một trong những nguyên nhân làm chậm việc giải quyết ký hợp đồng thuê đất, gây khó khăn trong sử dụng nhà, đất cho doanh nghiệp.
Toàn cảnh khu đất “vàng” Thủ Thiêm. Ảnh: Sơn Nam |
Sở TN&MT TP. Hồ Chí Minh cho biết, đối với doanh nghiệp nhà nước thuộc trường hợp phải sắp xếp lại, xử lý tài sản công thuộc sở hữu Nhà nước, thực hiện theo quy định tại Nghị định số 67. Yêu cầu bắt buộc trong việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công phải bảo đảm sử dụng hiệu quả, tiết kiệm; đúng tiêu chuẩn, định mức do cơ quan, người có thẩm quyền ban hành; đúng mục đích sử dụng được Nhà nước giao, đầu tư xây dựng, mua sắm, cho thuê; phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời, việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công thực hiện theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và pháp luật có liên quan…
Nhấn mạnh nội dung này, Giám đốc Sở TN&MT TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Toàn Thắng cho biết, việc sử dụng đất của doanh nghiệp nhà nước, ngoài thực hiện theo quy định của pháp luật đất đai, doanh nghiệp còn phải thực hiện theo các quy định về quản lý tài sản công, nên việc đăng ký, cấp GCNQSDĐ đối với các khu đất đơn vị đang quản lý sử dụng phải căn cứ trên kết quả sắp xếp lại, xử lý tài sản công. Cơ quan nhà nước không thể giải quyết đăng ký, cấp GCNQSDĐ mà không căn cứ vào kết quả sắp xếp lại, xử lý tài sản công hoặc khi đơn vị chưa được sắp xếp lại, xử lý tài sản công vì có thể trong phương án phê duyệt sắp xếp lại, xử lý tài sản công thì mặt bằng nhà đất đó của đơn vị bị thu hồi hoặc điều chuyển cho đơn vị khác quản lý sử dụng,...
Tăng cường kiểm tra, giám sát
Chỉ thị số 10/CT-UBND của UBND TP. Hồ Chí Minh vừa mới ban hành về việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong công tác quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công nêu rõ: yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành thành phố; Chủ tịch UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện; người đứng đầu các tổ chức và doanh nghiệp tổ chức quản lý, sử dụng, xử lý tài sản công được giao theo đúng quy định của pháp luật, công khai, minh bạch; thực hiện nghiêm túc việc đăng tải thông tin đấu thầu, đấu giá, niêm yết giá khi thực hiện mua sắm, thuê, sử dụng tài sản công để cho thuê, liên doanh liên kết, bán, chuyển nhượng tài sản công, cho thuê quyền khai thác, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng theo quy định của pháp luật.
Nhằm ngăn chặn triệt để các hành vi vi phạm trong quản lý, khai thác, sử dụng tài sản công tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn, UBND TP. Hồ Chí Minh yêu cầu ngành chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt để kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm, có biện pháp chấn chỉnh, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, các đơn vị thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các quy định về quản lý, sử dụng tài sản của các dự án sử dụng vốn nhà nước, tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước, tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân; thực hiện nghiêm túc quy định về quản lý, sử dụng hóa đơn bán tài sản công khi xử lý tài sản công; nghiêm cấm việc mua, bán, cho, lập khống hóa đơn hoặc sử dụng hóa đơn sai mục đích.
Về việc sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết, UBND TP. Hồ Chí Minh cũng yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện; các tổ chức nghiêm túc thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật. UBND TP. Hồ Chí Minh đặc biệt lưu ý việc thực hiện các quy định về lập, thẩm định, phê duyệt đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh liên kết; xác định giá trị tài sản để đưa vào liên doanh liên kết; xác định giá cho thuê tài sản công; kiểm soát chặt chẽ việc xác định giá trị tài sản, vốn góp của đối tác tham gia liên doanh, liên kết, tránh tình trạng “thổi giá” làm ảnh hưởng tới quyền lợi của Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập./.