TP. Hồ Chí Minh: Nhiều giải pháp kiểm soát tăng giá trên địa bàn
Sở Tài chính TP. Hồ Chí Minh cho biết sẽ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá theo quy định. Ảnh minh họa. |
Lương cơ sở đã chính thức tăng lên 2,34 triệu đồng kể từ ngày 1/7/2024. Đợt tăng lương này mang lại nhiều lợi ích cho cán bộ, công viên chức và người được thụ hưởng chính sách. Tuy nhiên, tăng lương cũng thường dẫn tới hiện tượng giá cả hàng hóa tăng theo, tạo áp lực cho công tác điều hành, bình ổn giá, vì vậy cần có giải pháp phù hợp kiểm soát.
Thông tin về các giải pháp quản lý, bình ổn giá trên địa bàn, Sở Tài chính TP. Hồ Chí Minh cho biết, đối với các hàng hóa, dịch vụ công, các mặt hàng do Nhà nước quản lý theo nguyên tắc thị trường đã được Phó Thủ tướng Lê Minh Khái - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá chỉ đạo, phân công cụ thể cho các bộ, ngành trung ương và địa phương tại Thông báo số 274/TB-VPCP ngày 24/6/2024”.
Theo đó, định hướng công tác điều hành giá những tháng còn lại năm 2024 phải kể đến việc tiếp tục thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ công theo lộ trình thị trường và các mặt hàng do Nhà nước quản lý theo nguyên tắc thị trường; chủ động đánh giá kỹ tác động đến lạm phát, tính toán, chuẩn bị sẵn sàng các phương án giá, lộ trình điều chỉnh giá để xem xét, quyết định khi cần thiết với mức độ, thời điểm phù hợp, tránh gây xáo trộn lớn về mặt bằng giá cả; không tăng giá đột ngột hoặc tăng giá dồn vào cùng một thời điểm, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát.
Đồng thời, các Bộ: Công thương, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương rà soát, báo cáo, đề xuất cụ thể lộ trình gắn với mức độ và dự kiến thời điểm thực hiện điều chỉnh giá các mặt hàng, dịch vụ thuộc lĩnh vực quản lý…
Về các giải pháp bình ổn thị trường trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, Sở Tài chính nhấn mạnh, đơn vị luôn chủ động trong việc theo dõi diễn biến tình hình thị trường và điều hành giá trên địa bàn thông qua các biện pháp như tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá (niêm yết giá, bán theo niêm yết, giá kê khai…), xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá theo quy định.
Bên cạnh đó, Sở cũng đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, đảm bảo kịp thời, minh bạch thông tin về giá và công tác điều hành giá, nhất là diễn biến giá các mặt hàng thiết yếu liên quan đến đời sống người dân.
Đặc biệt, nhiều năm qua, TP. Hồ Chí Minh đã xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình bình ổn thị trường (các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu, các mặt hàng phục vụ mùa khai trường, sữa và dược phẩm thiết yếu).
Chương trình này là một công cụ điều tiết thị trường hiệu quả, cụ thể giá hàng hóa tham gia chương trình khi đến tay người tiêu dùng luôn bình ổn; sản lượng hàng hóa dồi dào, đảm bảo cung ứng đầy đủ nhu cầu mua sắm của người dùng; hàng hóa tham gia Chương trình ngày càng nhiều và phong phú, đa dạng đủ sức chi phối, định hướng dẫn dắt thị trường, góp phần ổn định thị trường và thực hiện an sinh xã hội./.