Trung Quốc - đối tác đầu tiên có quy mô thương mại với Việt Nam vượt mốc 200 tỷ USD/năm
Kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc năm 2024 đánh dấu mức kỷ lục về thương mại 2 chiều. Ảnh tư liệu |
Cần giải pháp cân bằng cán cân xuất, nhập khẩu
Nhìn nhận về kết quả thương mại Việt Nam - Trung Quốc trong năm 2024, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho hay, có đặc điểm đáng chú ý trong quan hệ thương mại song phương giữa hai quốc gia, đó là nhập siêu hàng hoá từ Trung Quốc tăng. Do đó năm 2025, Việt Nam cần có giải pháp cân bằng cán cân xuất nhập khẩu, thông qua việc đẩy mạnh xuất khẩu hàng Việt sang thị trường Trung Quốc, trong đó có nhiều mặt hàng nông sản là thế mạnh của nước ta và phía Trung Quốc cũng có nhu cầu cao.
Trên thực tế, số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc năm 2024 đạt 205,2 tỷ USD, đánh dấu mức kỷ lục về thương mại 2 chiều, tăng thêm 33,3 tỷ USD so với năm 2023. Tháng 12/2024, thương mại Việt Nam - Trung Quốc đạt 19,66 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu của nước ta đạt 6,17 tỷ USD và nhập khẩu đạt 13,49 tỷ USD.
Tính chung cả năm 2024, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 61,2 tỷ USD, giảm khoảng 100 triệu USD so với năm 2023. Trong khi đó, nhập khẩu từ Trung Quốc lên đến 144 tỷ USD, tăng tới hơn 30%. Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của nước ta khi chiếm đến 26% kim ngạch xuất nhập khẩu. Hàng hóa xuất nhập khẩu giữa hai nước đa dạng, phong phú từ nông sản đến nguyên phụ liệu, hàng điện tử, hàng tiêu dùng…
Kim ngạch xuất khẩu giảm trong khi nhập khẩu tăng cao khiến con số nhập siêu từ Trung Quốc cũng nới rộng so với trước. Nếu như năm 2023, cán cân thương mại nhập siêu từ Trung Quốc mới là 49,35 tỷ USD, nhưng năm 2024 đã lên đến 82,8 tỷ USD.
Đánh giá của Bộ Công thương cũng chỉ rõ, những năm gần đây tăng trưởng xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc vẫn tăng mạnh. Năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc đạt 171,9 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 61,2 tỷ USD, tăng 5,6% và chiếm 17,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam; nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 110,6 tỷ USD, giảm 6,6% và chiếm 33,9% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam.
Theo Bộ Công thương, năm 2025, thương mại Việt Nam - Trung Quốc còn nhiều dư địa dựa trên nhiều thỏa thuận hợp tác song phương, cũng như các hiệp định thương mại đa phương đã được ký kết.
Thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc
Để gia tăng xuất khẩu sản phẩm hàng hoá Việt sang thị trường Trung Quốc, cân bằng cán cân thương mại, theo ông Vũ Vinh Phú, doanh nghiệp Việt Nam cần tăng cường thúc đẩy hơn nữa hoạt động xuất khẩu theo hình thức chính ngạch thay vì xuất khẩu tiểu ngạch với nhiều rủi ro, trị giá kim ngạch xuất nhập khẩu không cao do chất lượng hàng hóa hạn chế khó đáp ứng được yêu cầu của phía Trung Quốc. Muốn cân bằng cán cân thương mại, Việt Nam cần nâng cao giá trị hàng hóa xuất khẩu bằng con đường chính ngạch.
Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia có đường biên giới tiếp giáp nhau nên bên cạnh xuất khẩu chính ngạch, hàng hóa giao thương theo con đường trao đổi cư dân qua biên giới (tiểu ngạch) vẫn được duy trì. Đáng nói là, hình thức giao thương bằng đường tiểu ngạch tồn tại khá nhiều rủi ro và bất cập như số lượng, chất lượng, giá cả đều thiếu ổn định dẫn đến hiệu quả không cao, không bền vững; hạ tầng thương mại biên giới còn rất thiếu và yếu, đặc biệt là tình trạng hàng hóa thường xuyên bị ùn ứ tại các cửa khẩu phía Bắc, gây thiệt hại cho người dân và doanh nghiệp. Chính vì vậy, đầu tư nâng cấp hạ tầng thương mại, nâng cao chất lượng hàng hóa, tiến đến xuất khẩu chính ngạch được coi là giải pháp tăng trưởng bền vững cần thực hiện.
Hiện nay, Chính phủ Trung Quốc ngày càng siết chặt những quy định quản lý nhập khẩu hàng hóa và chủ trương tiến hành thương mại chất lượng cao; đồng thời không ngừng hoàn thiện các cơ chế, chính sách quản lý về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch, an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, đăng ký doanh nghiệp xuất nhập khẩu, đăng ký và kiểm tra vùng trồng, cơ sở đóng gói... Do vậy, để xuất khẩu được hàng hóa vào thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu phải tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng được Chính phủ Trung Quốc quy định.
Việt Nam và Trung Quốc có rất nhiều hiệp định song phương được ký kết trong nhiều lĩnh vực khác nhau, nhất là về thương mại như: Hiệp Định Thương mại biên giới Việt - Trung, Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam và Trung Quốc; Hiệp Định Việt Nam - Trung Hoa về đảm bảo chất lượng hàng hóa xuất nhập khẩu và công nhận lẫn nhau… Ngoài ra, hai nước còn có mối quan hệ thương mại đa phương tại Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA). Bên cạnh các yêu cầu và cam kết về chất lượng, xuất xứ… của sản phẩm, các Hiệp định thương mại còn là cơ sở tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia xuất khẩu chính ngạch thúc đẩy phát triển sản phẩm, thị trường, gia tăng giá trị hàng hóa.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau Quả Việt Nam cho biết, dư địa để xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc là rất lớn, nhưng yêu cầu chất lượng cũng rất cao, Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính, do đó muốn thâm nhập thị trường giàu tiềm năng này phải đi đường chính ngạch. /.