5 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách nội địa tăng 16,5% so với cùng kỳ
Tăng thu ngân sách nhờ dịch Covid-19 đã được kiểm soát tốt
Tình hình dịch bệnh trên cả nước tiếp tục được kiểm soát tốt. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đã và đang phát huy tác dụng tốt và rõ nét đến hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước, qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan thuế trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước (NSNN) trong 5 tháng đầu năm.
Cán bộ Thuế đang hướng dẫn người nộp thuế thực hiện quyết toán thuế. Ảnh TL |
Báo cáo từ Tổng cục Thuế cho biết, tổng thu ngân sách do ngành Thuế quản lý tháng 5 đạt 99.100 tỷ đồng, bằng 8,4% dự toán, tăng12,5% so với cùng kỳ.
Tính chung lũy kế 5 tháng đầu năm, tổng thu ngành Thuế quản lý đạt 672.878 tỷ đồng, bằng 57,3% dự toán, tăng 16,5% so với cùng kỳ. Trong đó riêng số thu nội địa đạt 643.439 tỷ đồng, bằng 56,1% dự toán, tăng 14,5% so với cùng kỳ. Số thu ngân sách trung ương lũy kế 5 tháng đạt 57,9% dự toán, tăng 18,9% so với cùng kỳ. Thu ngân sách địa phương đạt 56,8% dự toán, tăng 14,7% so với cùng kỳ.
Về việc triển khai hóa đơn điện tử, Tổng cục Thuế đã tập trung chỉ đạo, đôn đốc các cục thuế triển khai quyết liệt việc áp dụng hóa đơn điện tử theo tiến độ kế hoạch đề ra.
Tính đến hết ngày 31/5/2022, số lượng doanh nghiệp, tổ chức đang sử dụng hóa đơn đã đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử, đạt tỷ lệ 97,9%; nhiều địa phương triển khai đạt tỷ lệ hoàn thành trên 90%, đạt và vượt mục tiêu đề ra.
Trong đó, tất cả các địa phương triển khai giai đoạn 2 đều đạt tỷ lệ hoàn thành trên 90% (đạt và vượt mục tiêu, lộ trình đề ra khi triển khai là đến hết ngày 31/5/2022 phải hoàn thành 90%), Đặc biệt, có nhiều tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ hoàn thành ở mức 99%.
Đẩy nhanh công tác thanh tra, kiểm tra
Trước tình hình dịch bệnh vẫn còn những biểu hiện bất thường, xung đột Nga - Ukraina vẫn diễn biến căng thẳng. Đồng thời, giá dầu thế giới vẫn duy trì ở mức cao sẽ có những tác động đến nguồn thu từ dầu thô 5 tháng đầu năm và đẩy chi phí của doanh nghiệp lên cao, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân.
Điều này có thể nhận thấy rõ ở một số ngành như sản xuất ôtô đang bị đứt gãy chuỗi cung ứng, ngành du lịch đang dần phục hồi nhưng nguồn nhân lực đang bị thiếu hụt và số thu ngân sách chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế.
Để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách tháng 6 cũng như cả năm 2022, Tổng cục Thuế đã yêu cầu, các vụ, cục, đơn vị chức năng khẩn trương phối hợp với các địa phương để rà soát, nắm bắt nguồn thu. Phân tích, đánh giá kỹ tác động của các gói chính sách hỗ trợ của Quốc hội, Chính phủ đến công tác thu ngân sách để xây dựng kịch bản thu chi tiết theo từng tháng đến từng khu vực, khoản thu, sắc thuế và tham mưu kịp thời cho Tổng cục Thuế phương án điều hành thu NSNN phù hợp.
Đồng thời, Tổng cục Thuế yêu cầu các cục thuế cần đẩy nhanh thực hiện công tác thanh, kiểm tra nhất là đối với các doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch kiểm tra chuyên đề đối với các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số để từ đó tổng kết, đánh giá và đề xuất các giải pháp tăng cường hiệu quả công tác quản lý thuế đối với hoạt động này.
Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, tham mưu cấp thẩm quyền hoàn thiện các quy định pháp luật, đảm bảo tính pháp lý chặt chẽ, dễ quản lý cho cơ quan thuế và dễ thực hiện cho người nộp thuế. Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến tới người nộp thuế để người nộp thuế biết, hiểu và thực hiện đúng các quy định về thuế.