Bắc Giang: Công tác quản lý cụm công nghiệp còn tồn tại hạn chế cần khắc phục
Theo báo cáo của Sở Công Thương, tính đến hết tháng 4/2022, toàn tỉnh có 45 CCN được thành lập với tổng diện tích 1.728 ha. Trong đó, có 29 CCN do doanh nghiệp (DN) là chủ đầu tư, 16 CCN do UBND các huyện làm chủ đầu tư. Các CCN đã thu hút 232 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 32 nghìn tỷ đồng, thu hút hơn 45 nghìn lao động.
Trong số các CCN trên có 40 CCN đã lập xong quy hoạch chi tiết; 36 CCN lập xong dự án đầu tư hạ tầng; 14 CCN mới thành lập, chưa thu hút được nhà đầu tư thứ cấp, đang hoàn thiện thủ tục pháp lý, bồi thường giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật…
Bà Lâm Thị Hương Thành, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh kết luận buổi giám sát. |
Đến thời điểm này, toàn tỉnh có 31 CCN đi vào hoạt động với tổng diện tích gần 970 ha, diện tích đất công nghiệp đã cho thuê 482 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 81,6%. Tổng số vốn đã thực hiện ước hơn 9 nghìn tỷ đồng… Các dự án sản xuất trong các CCN chủ yếu là của DN trong nước, tập trung ở lĩnh vực: May mặc, chế biến nông, lâm sản, cơ khí…
Trao đổi tại buổi giám sát, các thành viên đoàn giám sát cho rằng, cơ bản các dự án được thực hiện tại các CCN đều đúng mục tiêu đầu tư theo giấy chứng nhận; chấp hành đầy đủ các nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước.
Tuy nhiên, các ý kiến chỉ rõ công tác quản lý CCN còn hạn chế. Đến nay, toàn tỉnh mới có 16/45 CCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Công tác giải phóng mặt bằng của một số CCN còn gặp nhiều khó khăn. Trong số 9 dự án đang triển khai có 5 dự án chậm tiến độ. Điển hình như dự án Nhà máy Nhiệt điện An Khánh của Công ty cổ phần Nhiệt điện An Khánh - Bắc Giang, CCN Vũ Xá; dự án Nhà máy bao bì của Công ty TNHH Khải Hồng Việt Nam, CCN Lan Sơn (Lục Nam); dự án Nhà máy sản xuất thực phẩm của Công ty cổ phần OISHI VIJ Việt Nam, CCN Đoan Bái (Hiệp Hòa)…
16 CCN do cấp huyện làm chủ đầu tư đã thành lập từ nhiều năm trước có diện tích nhỏ, trung bình 10,3 ha/cụm. UBND cấp huyện chưa thực sự quan tâm, chủ động trong việc đầu tư xây dựng, hoàn thiện hạ tầng các CCN, hiệu quả thu hút các nhà đầu tư thứ cấp còn thấp. Đến nay, mới có 7/16 CCN được đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung, một số CCN nằm ở các khu đông dân cư dễ gây ô nhiễm môi trường.
Một số DN hiện không còn trực tiếp sản xuất mà chủ yếu làm dịch vụ hoặc thay đổi về ngành nghề kinh doanh so với đăng ký ban đầu nhưng chưa được kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý kịp thời. Trong quá trình đầu tư thực hiện dự án thứ cấp còn tình trạng DN vi phạm pháp luật về xây dựng, môi trường…
Kết luận buổi giám sát, đồng chí Lâm Thị Hương Thành đề nghị Sở Công Thương rà soát, đánh giá khó khăn, vướng mắc đối với từng CCN trong quá trình triển khai thực hiện để kịp thời đưa ra giải pháp tháo gỡ. Đồng thời đôn đốc các chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng CCN đẩy nhanh tiến độ các dự án; nâng cao chất lượng thẩm định báo cáo đầu tư, thành lập CCN và lựa chọn nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án đầu tư hạ tầng CCN mới.
Sở Công Thương nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách tập trung thu hút nhà đầu tư, tập trung xử lý cơ bản tồn tại liên quan đến việc chuyển đổi mô hình chủ đầu tư hạ tầng CCN từ nhà nước quản lý sang DN để tăng hiệu quả.
Tăng cường công tác phối hợp giữa các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, TP, các chủ đầu tư trong công tác quản lý và phát triển CCN; định kỳ kiểm tra, đánh giá việc chấp hành các quy định, chính sách quản lý, phát triển CCN tại các địa phương. Sở cần tăng cường công tác thanh, kiểm tra, xử lý kịp thời các vi phạm trong quá trình đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN.../.