Bắc Giang: Đấu giá quyền khai thác khoáng sản tăng thu ngân sách
Đấu giá tạo sân chơi bình đẳng cho doanh nghiệp
Thực hiện Chỉ thị số 09/CT-UBND ngày 21/4/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang về tăng cường các biện pháp quản lý hoạt động khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, năm 2020, lần đầu tiên Bắc Giang tổ chức hai cuộc đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Cụ thể, trong tháng 9 và tháng 10/2020, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Bắc Giang phối hợp với Sở Tư pháp, UBND các huyện tham mưu UBND tỉnh tổ chức thành công hai cuộc đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại các khu vực đã được quy hoạch. Khoáng sản được đưa ra đấu giá gồm: Đất san lấp mặt bằng (SLMB), đất sét, cát sỏi.
Phiên đấu giá quyền khai thác khoáng sản. |
Theo đó, các doanh nghiệp (DN) tham gia đấu giá phải bỏ phiếu trực tiếp theo phương thức trả giá lên với bước giá ban đầu hệ số “n” bằng 1. DN nào có bước trả giá cao nhất đối với mỏ khoáng sản đưa ra đấu giá sẽ trúng. Kết quả, sau hai cuộc đấu giá, trong số hàng trăm khách hàng tham gia có 23 DN trúng đấu giá 31 mỏ khoáng sản. Cụ thể, có 24 mỏ đất SLMB, 3 mỏ đất sét, còn lại là mỏ cát sỏi. Tổng diện tích các mỏ hơn 140 ha, tập trung ở các huyện: Lục Nam, Lạng Giang, Yên Dũng, Tân Yên, Lục Ngạn, Việt Yên. Mỏ có diện tích nhỏ nhất 2,4 ha, lớn nhất 9 ha.
Nhiều DN trúng đấu giá với bước giá cao như: Công ty TNHH Thống Nhất, xã Hương Lạc (Lạng Giang) trúng đấu giá đất làm gạch ở thôn Mai Sơn, xã Cẩm Lý (Lục Nam), quy mô 7,6 ha với bước giá gấp 7 lần so với giá khởi điểm; Công ty TNHH Xây dựng 899, xã Xương Lâm (Lạng Giang) trúng đấu giá mỏ đất SLMB diện tích 3 ha tại khu vực Hố Vầu, xã Tân Hưng (Lạng Giang).
Đại diện Công ty TNHH Xây dựng 899 cho biết: Do ký được hợp đồng cung cấp đất SLMB với một số nhà thầu nên trong cuộc đấu giá, Công ty tôi trả bước giá cao gấp 8 lần so với giá khởi điểm. Tương tự, Công ty TNHH Sản xuất gạch ngói Ngọc Lý (Tân Yên), Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hoàng Anh Đạt (Tân Yên) trúng mỏ khai thác đất SLMB với bước giá tăng gấp 8 lần so với giá khởi điểm…
Đại diện Sở TN&MT tỉnh Bắc Giang cho biết, trong số 31 mỏ trúng đấu giá có nhiều mỏ được trả giá khá cao, đặc biệt có 5 mỏ khoáng sản có giá chênh lệch lớn, từ 70 - 80 bước giá (tương đương 7 - 8 lần) so với khởi điểm. Sau khi trúng đấu giá, chủ mỏ tổ chức thăm dò trữ lượng, hoàn thiện thủ tục hồ sơ xin cấp phép. Căn cứ vào bước giá đấu trúng, ngành chức năng của tỉnh tính ra tổng số tiền chủ mỏ cần nộp vào ngân sách nhà nước.
Tăng thu ngân sách
Được biết, việc tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản để cấp phép mang lại nhiều lợi ích. Trước hết, thông qua hoạt động này, tỉnh quản lý hoạt động khai thác theo hướng sử dụng hợp lý, có hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản, tăng hiệu quả kinh tế và nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Theo tính toán sơ bộ của Sở TN&MT tỉnh Bắc Giang, trong số 31 khu vực trúng đấu giá khoáng sản đã tăng thu ngân sách 2,5 lần so với việc thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản thông qua hình thức không đấu giá. Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Ánh Hiền (Lạng Giang) với 2 mỏ đất SLMB trúng đấu giá tại xã Hương Sơn (Lạng Giang) và Minh Đức (Việt Yên), tổng diện tích 9 ha.
Doanh nghiệp này có kết quả trúng đấu giá tăng khoảng 1 tỷ đồng so với giá khởi điểm. Hay Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại MD Việt Nam (Lục Nam) trúng mỏ đất SLMB tại thôn Kim Xa, xã Cẩm Lý, quy mô gần 6 ha với giá 1,9 tỷ đồng, tăng gần 200 triệu đồng so với giá khởi điểm. Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Hải Đăng (Hà Nam) trúng 2 mỏ cát sỏi tại huyện Lục Ngạn diện tích hơn 12,4 ha cũng tăng thu cho ngân sách khoảng 1 tỷ đồng.
Không chỉ góp phần tăng thu cho ngân sách, hoạt động đấu giá quyền khai thác khoáng sản còn tạo “sân chơi” bình đẳng giữa các DN, bảo đảm tính cạnh tranh công khai, minh bạch. Những DN trúng đấu giá là những đơn vị thực sự có nhu cầu về khoáng sản để thi công công trình, tránh tình trạng “xin, cho” như trước.
Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay trên địa bàn tỉnh đang thực hiện nhiều công trình đường giao thông, dự án khu, cụm công nghiệp, khu dân cư do đó việc tổ chức đấu giá mỏ khoáng sản còn đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng thông thường phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Điểm mới nữa là theo quy định của pháp luật, DN trúng đấu giá được quyền vận chuyển, cung cấp khoáng sản cho bất cứ dự án nào, không bó hẹp ở một dự án, công trình cụ thể như trước đây.
Với những ưu thế trên, theo kế hoạch tháng 12 năm nay, UBND tỉnh tổ chức đấu giá 4 khu vực mỏ khai thác khoáng sản. Trong đó có 3 mỏ đất SLMB diện tích 16 ha tại xã khu vực đồi Hố Biêu, thôn Vườn, xã Cương Sơn; khu vực Hồ Lầy, Đồi Tròn, thôn An Sơn, xã Huyền Sơn (Lục Nam); khu vực thôn Biềng và một mỏ đất sét làm gạch quy mô 5 ha tại thôn Cảnh, xã Nam Dương (Lục Ngạn). Tổng tài nguyên dự báo các khu vực này hơn 2,7 triệu m3 đất.
Đại diện Sở TN&MT tỉnh Bắc Giang cho hay, để cuộc đấu giá thành công, sở đang phối hợp với UBND các huyện có khoáng sản xem xét các vấn đề liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bảo đảm cho tổ chức, cá nhân trúng đấu giá đủ điều kiện hoạt động khoáng sản.
Đồng thời xác định giá khởi điểm, bước giá của từng khu vực, trình UBND tỉnh phê duyệt. Sau khi có giá khởi điểm được phê duyệt, Sở niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan, trên trang thông tin điện tử của đơn vị và thông báo bằng văn bản cho tổ chức đấu giá tài sản./.