Báo cáo tình hình quản lý, sử dụng TSNN năm 2013

Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, Chính phủ trình Quốc hội Báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản nhà nước năm 2013 như sau:

CHÍNH PHỦ

___________

Số: 142 /BC-CP

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

_______________

Hà Nội, ngày 16 tháng 5 năm 2014

BÁO CÁO

Tình hình quản lý, sử dụng tài sản nhà nước năm 2013

____________________________

Kính gửi: Quốc hội khoá XIII.

Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước,

Chính phủ trình Quốc hội Báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản nhà nước năm 2013 như sau:

Phần I

TỔNG HỢP SỐ LIỆU TÀI SẢN NHÀ NƯỚC

TẠI CÁC CƠ QUAN, TỔ CHỨC, ĐƠN VỊ ĐẾN NGÀY 31/12/2013

I. TỔNG QUAN VỀ TÀI SẢN NHÀ NƯỚC ĐẾN NGÀY 31/12/2013

Thực hiện Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, Bộ Tài chính đã tổng hợp tình hình quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (TSNN) của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc các Bộ, cơ quan trung ương và tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (chưa bao gồm TSNN tại các đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân và cơ quan Việt Nam ở nước ngoài) trên phạm vi cả nước và hình thành Cơ sở dữ liệu quốc gia về TSNN đối với 04 loại tài sản gồm: (i) đất thuộc trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp; (ii) nhà thuộc trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp; (iii) xe ô tô các loại; (iv) tài sản khác có nguyên giá từ 500 triệu đồng trở lên/1 đơn vị tài sản.

Đến nay, Cơ sở dữ liệu quốc gia về TSNN đã cập nhật thông tin về TSNN của 101.330 đơn vị; trong đó có 85.199 đơn vị có tài sản thuộc 4 loại nêu trên và đã thực hiện việc kê khai đăng ký vào Cơ sở dữ liệu, số đơn vị còn lại không có tài sản thuộc đối tượng phải kê khai đăng ký. Đồng thời, trong năm 2013 và những tháng đầu năm 2014, các Bộ, ngành và địa phương tiếp tục cập nhật, rà soát chuẩn hóa và bổ sung số liệu của những loại tài sản này. Số liệu tổng hợp về TSNN thể hiện trong Cơ sở dữ liệu quốc gia đến ngày 31/12/2013 như sau:

1. Tổng hợp TSNN tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị

Tổng giá trị TSNN đến ngày 31/12/2013 là 930.244,79 tỷ đồng; trong đó: tài sản là quyền sử dụng đất: 670.715,73 tỷ đồng, tài sản là nhà: 207.504,83 tỷ đồng, tài sản là ô tô: 19.448,17 tỷ đồng, tài sản khác có nguyên giá từ 500 triệu đồng trở lên: 32.576,06 tỷ đồng.

Phân theo cấp quản lý: TSNN thuộc các Bộ, cơ quan trung ương quản lý là: 240.732,36 tỷ đồng, TSNN thuộc địa phương quản lý là 689.512,43 tỷ đồng.

Trong toàn bộ TSNN thì TSNN do địa phương quản lý chiếm 74,12% về giá trị và 87,62% về số lượng; TSNN do Trung ương quản lý chiếm 25,88% về giá trị và 12,38% về số lượng (Tổng hợp TSNN được thể hiện tại Phụ lục I).

2. Cơ cấu TSNN tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị

Xét về tổng thể (cả hiện vật và giá trị), cơ cấu TSNN của các cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý như sau: Khối các đơn vị sự nghiệp sử dụng nhiều TSNN nhất, chiếm 64,41% tổng số hiện vật và 68,62% tổng giá trị; khối các cơ quan nhà nước đứng vị trí thứ hai với 32,76% tổng số hiện vật và 27,63% tổng giá trị; khối các tổ chức đứng thứ ba với 2,83% tổng số hiện vật và 3,75% tổng giá trị.

Phân tích chi tiết theo loại tài sản, TSNN được phân bổ cụ thể như sau:

Về đất: (i) Khối cơ quan nhà nước quản lý, sử dụng 232,88 triệu m2, chiếm 8,99%; (ii) Khối đơn vị sự nghiệp quản lý, sử dụng 2.343,63 triệu m2, chiếm 90,49%; (iii) Khối các tổ chức quản lý, sử dụng 13,48 triệu m2, chiếm 0,52%.

Về nhà: (i) Khối cơ quan nhà nước quản lý, sử dụng 30,24 triệu m2, chiếm 18,26%; (ii) Khối đơn vị sự nghiệp quản lý, sử dụng 132,05 triệu m2, chiếm 79,72%; (iii) Khối các tổ chức quản lý, sử dụng 3,35 triệu m2, chiếm 2,02%.

Về ô tô: (i) Khối cơ quan nhà nước quản lý, sử dụng 16.447 chiếc, chiếm 45,47%; (ii) Khối đơn vị sự nghiệp quản lý, sử dụng 15.226 chiếc, chiếm 42,09%; (iii) Khối các tổ chức quản lý, sử dụng 4.498 chiếc, chiếm 12,44%.

Về tài sản khác có nguyên giá từ 500 triệu đồng trở lên: (i) Khối cơ quan nhà nước quản lý, sử dụng 3.435 tài sản, chiếm 18,65%; (ii) Khối đơn vị sự nghiệp quản lý, sử dụng 14.875 tài sản, chiếm 80,75%; (iii) Khối các tổ chức quản lý, sử dụng 112 tài sản, chiếm 0,61%.

Cơ cấu TSNN tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị được thể hiện tại Phụ lục II

II. BIẾN ĐỘNG VỀ TÀI SẢN NHÀ NƯỚC NĂM 2013

Năm 2013, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều giải pháp nhằm tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013 như: Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 26 tháng 11 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 07 tháng 01 năm 2013 của Chính phủ; Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07 tháng 01 năm 2013 của Chính phủ; Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 24 tháng 5 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ. Do vậy, biến động tăng TSNN năm 2013 chủ yếu là tăng đối với những TSNN thực sự cấp thiết phải mua sắm như xe ô tô chuyên dùng, tài sản thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục,…

Tổng giá trị TSNN (theo nguyên giá) tăng trong năm 2013 là 25.329,27 tỷ đồng, giảm 4.604,10 tỷ đồng; trong đó: tài sản là quyền sử dụng đất tăng 7.987,92 tỷ đồng, giảm 2.971,50 tỷ đồng; tài sản là nhà tăng 11.745,26 tỷ đồng, giảm 689,54 tỷ đồng; tài sản là ô tô tăng 2.274,61 tỷ đồng, giảm 844,61 tỷ đồng; tài sản khác có nguyên giá từ 500 triệu đồng trở lên tăng 3.321,48 tỷ đồng, giảm 98,45 tỷ đồng. Phân theo cấp quản lý: TSNN thuộc các Bộ, cơ quan trung ương quản lý tăng 3.982,44 tỷ đồng, giảm 1.098,85 tỷ đồng; TSNN thuộc địa phương quản lý tăng 21.346,84 tỷ đồng, giảm 3.505,24 tỷ đồng.

1. Tài sản là đất

Năm 2013, diện tích đất tăng (do được giao mới, tiếp nhận, chuyển nhượng) là 6,18 triệu m2 với tổng giá trị 7.987,92 tỷ đồng và giảm 1,83 triệu m2 với tổng giá trị 2.971,50 tỷ đồng (do bị thu hồi, điều chuyển, chuyển nhượng), trong đó: khối Trung ương tăng 0,45 triệu m2 với tổng giá trị 524,20 tỷ đồng, giảm 0,12 triệu m2 với tổng giá trị 555,19 tỷ đồng; khối địa phương tăng 5,72 triệu m2 với tổng giá trị 7.463,73 tỷ đồng, giảm 1,71 triệu m2 với tổng giá trị 2.416,31 tỷ đồng.

Tổng quỹ đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng đến 31/12/2013 là 2.590 triệu m2 với tổng giá trị(1) 670.715,73 tỷ đồng, chiếm 72,10% tổng giá trị toàn bộ TSNN.

2. Tài sản là nhà

Năm 2013, diện tích nhà tăng (do xây dựng mới, tiếp nhận) là 5,65 triệu m2 với tổng giá trị 11.745,26 tỷ đồng và giảm 0,62 triệu m2 với tổng giá trị 689,54 tỷ đồng (do bị thu hồi, điều chuyển, bán, thanh lý), trong đó: khối Trung ương tăng 2,87 triệu m2 với tổng giá trị 1.164,50 tỷ đồng, giảm 0,68 triệu m2 với tổng giá trị 121,33 tỷ đồng; khối Địa phương tăng 2,78 triệu m2 với tổng giá trị 10.580,76 tỷ đồng, giảm 0,55 triệu m2 với tổng giá trị 568,21 tỷ đồng.

Tổng Quỹ nhà do các cơ quan, tổ chức, đơn vị hiện đang quản lý, sử dụng đến 31/12/2013 là 165,64 triệu m2 với tổng nguyên giá theo sổ kế toán là 207.504,83 tỷ đồng chiếm 22,31% tổng giá trị toàn bộ TSNN, tổng giá trị còn lại theo sổ kế toán là 123.293,70 tỷ đồng (bằng 59,41% tổng nguyên giá).

3. Tài sản là xe ô tô

Năm 2013, số xe ô tô công tăng (mua mới, tiếp nhận) là 2.725 chiếc với tổng giá trị 2.274,61 tỷ đồng và giảm 1.631 chiếc với tổng giá trị 844,61 tỷ đồng (do bị thu hồi, điều chuyển, bán, thanh lý, tiêu hủy), trong đó: khối Trung ương tăng 965 chiếc với tổng giá trị 912,07 tỷ đồng, giảm 504 chiếc với tổng giá trị 369,06 tỷ đồng; khối Địa phương tăng 1.760 chiếc với tổng giá trị 1.362,54 tỷ đồng, giảm 1.127 chiếc với tổng giá trị 475,55 tỷ đồng.

Trong tổng số 2.725 xe ô tô công tăng năm 2013 thì có 1.248 xe là tăng do việc tiếp nhận, điều chuyển giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị với tổng giá trị là 945,65 tỷ đồng (trong đó: trung ương tăng 517 xe, tổng giá trị: 482,17 tỷ đồng, địa phương tăng 731 xe, tổng giá trị: 463,48 tỷ đồng); mua mới là 1.477 xe với tổng giá trị là 1.328,96 tỷ đồng (trong đó : trung ương mua mới : 448 xe, tổng giá trị : 427,97 tỷ đồng, địa phương mua mới: 1.029 xe, tổng giá trị: 900,99 tỷ đồng).

Tổng số xe ô tô công hiện có 36.171 chiếc với tổng nguyên giá 19.448,17 tỷ đồng chiếm 2,09% tổng giá trị TSNN, chi tiết như sau:

a) Phân theo đối tượng phục vụ

Xe ô tô công được phân bổ theo 3 nhóm đối tượng phục vụ, gồm: Xe phục vụ chức danh có tiêu chuẩn, xe phục vụ công tác chung và xe chuyên dùng. Cụ thể như sau:

- Xe phục vụ chức danh 937 chiếc, chiếm 2,59% tổng số xe với nguyên giá 833,53 tỷ đồng, chiếm 4,29% tổng nguyên giá và giá trị còn lại 385,92 tỷ đồng, chiếm 6,5% tổng giá trị còn lại.

- Xe phục vụ công tác chung 24.305 chiếc, chiếm 67,19% tổng số xe với nguyên giá 12.777,16 tỷ đồng, chiếm 65,7% tổng nguyên giá và giá trị còn lại 3.267,03 tỷ đồng, chiếm 55,01% tổng giá trị còn lại. Trong đó, loại xe 4 - 5 chỗ có số lượng nhiều nhất với 12.019 chiếc, chiếm 33,23% tổng số xe; loại xe 6 - 8 chỗ 8.338 chiếc, chiếm 23,05% tổng số xe.

- Xe chuyên dùng 10.929 chiếc, chiếm 30,22% tổng số xe với nguyên giá 5.837,48 tỷ đồng, chiếm 30,01% tổng nguyên giá và giá trị còn lại 2.285,64 tỷ đồng, chiếm 38,49% tổng giá trị còn lại. Trong đó, xe cứu thương là 2.376 chiếc, xe tập lái là 2.055 chiếc, xe tải là 1.325 chiếc, xe chuyên dùng khác là 5.173 chiếc.

b) Về chất lượng xe

Quỹ xe ô tô công hiện nay có tổng giá trị còn lại theo sổ kế toán 5.938,59 tỷ đồng, bằng 30,53% tổng nguyên giá. Điều này cho thấy phần lớn xe ô tô công đã sử dụng quá nửa thời gian theo chế độ quy định(2). Cụ thể đến thời điểm báo cáo, số xe ô tô công đã sử dụng vượt quá thời gian theo chế độ (sử dụng trên 10 năm) lên tới 14.098 chiếc, chiếm 38,98% tổng quỹ xe công; trong đó: 167 chiếc xe phục vụ chức danh, chiếm 17,82 % tổng số xe chức danh; 10.824 xe phục vụ công tác chung, chiếm 44,53% tổng số xe phục vụ công tác chung; 3.107 xe chuyên dùng, chiếm 28,43% tổng số xe chuyên dùng.

4. Tài sản khác có nguyên giá từ 500 triệu đồng trở lên

Trong năm 2013, số tài sản này tăng (mua mới, tiếp nhận) là 1.435 tài sản với tổng giá trị 3.321,48 tỷ đồng và giảm 70 tài sản với tổng giá trị 98,45 tỷ đồng (do bị thu hồi, điều chuyển, bán, thanh lý, tiêu hủy), trong đó: khối Trung ương tăng 471 tài sản với tổng giá trị 1.381,67 tỷ đồng, giảm 36 tài sản với tổng giá trị 53,27 tỷ đồng; khối địa phương tăng 964 tài sản với tổng giá trị 1.939,81 tỷ đồng, giảm 34 tài sản với tổng giá trị 45,17 tỷ đồng.

Chi tiết số liệu tại Phụ lục từ III - XI.

Phần II

TÌNH HÌNH QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TÀI SẢN NHÀ NƯỚC NĂM 2013

I. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH CỦA CHÍNH PHỦ, THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản và quyết liệt chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương trong cả nước hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường công tác quản lý, sử dụng tài sản theo quy định của Luật. Nhờ đó, công tác quản lý, sử dụng TSNN tại các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương đã có những chuyển biến tích cực, quy trình xử lý tài sản được quy định chặt chẽ, đảm bảo công khai, minh bạch, thẩm quyền quyết định xử lý tài sản rõ ràng, tiến độ sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước được đẩy nhanh. Kết quả cụ thể như sau:

1. Chính phủ tiếp tục chỉ đạo việc rà soát, nghiên cứu để hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng TSNN.

Năm 2013 và những tháng đầu năm 2014, Chính phủ đã ban hành 02 Nghị định, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 03 Quyết định và Bộ Tài chính đã ban hành 07 Thông tư liên quan đến việc quản lý, sử dụng TSNN. Như vậy, kể từ khi Luật Quản lý, sử dụng TSNN được Quốc hội thông qua đến nay, Chính phủ đã ban hành 06 Nghị định, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 08 Quyết định và Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đã ban hành 34 Thông tư để quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật (Chi tiết tại Phụ lục XII).

Đồng thời, trong phạm vi trách nhiệm và thẩm quyền của mình, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan Trung ương, Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh đã ban hành các văn bản cụ thể hoá nội dung quản lý, sử dụng TSNN thuộc phạm vi quản lý và thẩm quyền quy định tại Luật Quản lý, sử dụng TSNN và các Nghị định của Chính phủ về phân cấp quản lý TSNN; định mức sử dụng tài sản chuyên dùng; Quy định về công khai quản lý, sử dụng TSNN; Quy chế phối hợp trong việc cung cấp thông tin và sử dụng thông tin trong CSDL quốc gia về TSNN.

Về cơ bản, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng TSNN đã đầy đủ, đồng bộ, tạo cơ sở pháp lý để các cơ quan nhà nước cũng như các tổ chức, đơn vị, cá nhân chủ động thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quản lý, sử dụng TSNN; góp phần nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước về TSNN; dần đưa việc quản lý, sử dụng TSNN đi vào nề nếp, kỷ cương, công khai và có hiệu quả.

2. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao các Bộ, cơ quan trung ương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý thực hiện triệt để tiết kiệm trong mua sắm TSNN (nhất là khoản mua sắm xe ô tô công) theo tinh thần Nghị quyết số 32/2012/QH13 ngày 10 tháng 11 năm 2012 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2013; Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 26 tháng 11 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 07 tháng 01 năm 2013 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013; Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07 tháng 01 năm 2013 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu. Việc mua sắm TSNN phải đảm bảo chặt chẽ, đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ quy định và dự toán ngân sách được giao. Không bổ sung nguồn kinh phí ngoài dự toán, kể cả nguồn tăng thu ngân sách để mua xe ô tô, phương tiện vận tải. Trường hợp kinh phí mua xe ô tô đã bố trí trong dự toán chi NSNN năm 2013, Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ở Trung ương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định cắt giảm hoặc lùi thời gian mua sắm đối với những trường hợp chưa thực sự cấp thiết. Đối với những trường hợp thực sự cấp thiết phải mua sắm thì chỉ sử dụng dự toán chi NSNN năm 2013 còn lại, sau khi đã tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên của 7 tháng cuối năm 2013, theo đúng Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 24 tháng 5 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ.

3. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng TSNN và Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg ngày 19 tháng 01 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước; Quyết định số 140/2008/QĐ-TTg ngày 21 tháng 10 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg ngày 19 tháng 01 năm 2007; trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách và đẩy mạnh công tác tổ chức thực hiện nhằm sắp xếp, sử dụng hợp lý, đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức quỹ nhà đất thuộc sở hữu nhà nước; đồng thời tạo nguồn tài chính để đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp trụ sở làm việc; góp phần chỉnh trang, quy hoạch lại đô thị theo hướng hiện đại, giành quỹ đất có lợi thế thương mại cho hoạt động kinh doanh, thương mại, dịch vụ, du lịch...; chỉ đạo Bộ Tài chính quản lý tập trung tài khoản tạm giữ về sắp xếp, xử lý nhà đất của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Trung ương quản lý.

4. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án Khai thác nguồn lực tài chính về đất đai và TSNN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2013 - 2020 (Quyết định số 2174/QĐ-TTg ngày 12 tháng 11 năm 2013). Trong đó, xác định rõ quan điểm, mục tiêu và giải pháp chủ yếu nhằm khai thác có hiệu quả nguồn lực tài chính từ đất đai; TSNN cho đầu tư phát triển; đồng thời giao trách nhiệm cụ thể cho các Bộ, ngành, địa phương.

II. KẾT QUẢ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TSNN TRÊN CÁC LĨNH VỰC

1. Tình hình thực hiện phân cấp thẩm quyền, trách nhiệm quản lý, sử dụng TSNN.

a) Tình hình ban hành văn bản phân cấp:

Trên cơ sở Luật Quản lý, sử dụng TSNN, Nghị định số 52/2009/NĐ-CP các Bộ, cơ quan trung ương và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đã ban hành quy định phân cấp thẩm quyền, trách nhiệm trong việc quyết định đầu tư xây dựng, mua sắm, thuê, sửa chữa, bảo dưỡng, điều chuyển, thu hồi, thanh lý, bán, liên doanh, liên kết, cho thuê, tiêu huỷ tài sản nhà nước tại cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của địa phương thuộc phạm vi quản lý.

Đến nay đã có 62/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành Nghị quyết của Hội đồng nhân dân và Quyết định của UBND cấp tỉnh về phân cấp quản lý TSNN theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng TSNN (còn 01 địa phương chưa ban hành theo Luật Quản lý, sử dụng TSNN là tỉnh Nam Định). Theo đó, hầu hết các địa phương đã phân cấp mạnh cho cơ quan tài chính các cấp và đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản, tạo sự chủ động cho các đơn vị có điều kiện khai thác nguồn lực tài sản được giao và sử dụng có hiệu quả, tiết kiệm. Khối các cơ quan trung ương có 17 Bộ, cơ quan trung ương có số lượng tài sản lớn đã ban hành Quyết định về phân cấp quản lý TSNN theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng TSNN (Phụ lục XIII).

b) Đánh giá kết quả phân cấp:

Phân cấp về quản lý, sử dụng TSNN đã xác định tương đối cụ thể thẩm quyền, trách nhiệm trong quản lý nhà nước đối với tài sản nhà nước; quyền và nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.

Trên cơ sở quy định của Luật và Nghị định của Chính phủ, các Bộ, cơ quan trung ương, Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã ban hành và tổ chức thực hiện quy định về phân cấp thẩm quyền, trách nhiệm trong việc đầu tư xây dựng, mua sắm, sử dụng, bảo dưỡng, sửa chữa, báo cáo, điều chuyển, thu hồi, thanh lý, tiêu hủy, bán, chuyển nhượng, đi thuê, cho thuê tài sản nhà nước. Theo đó:

- Cơ quan tài chính các cấp là cơ quan được giao thống nhất quản lý nhà nước về tài sản nhà nước, gắn chặt với việc quản lý thu, chi ngân sách nhà nước theo quy định của Luật ngân sách nhà nước, cụ thể:

+ Bộ Tài chính là cơ quan được Chính phủ giao thống nhất quản lý nhà nước trong phạm vi cả nước; được phân cấp ban hành chính sách hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách về tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản, cơ chế quản lý, sử dụng tài sản, quyết định xử lý tài sản gồm: bán nhà, chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các cơ quan Trung ương; điều chuyển TSNN giữa các Bộ, cơ quan trung ương, giữa trung ương và địa phương.

+ Cơ quan tài chính của các Bộ, cơ quan trung ương: giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương thống nhất quản lý TSNN thuộc phạm vi quản lý và tham mưu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan Trung ương quyết định xử lý tài sản theo phân cấp, như: đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản là ô tô, tài sản có giá trị lớn...

+ Cơ quan tài chính các cấp thuộc địa phương (Sở Tài chính, Phòng tài chính cấp huyện): thống nhất quản lý TSNN trong phạm vi tỉnh, huyện.

- Các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản nhà nước được giao quyền chủ động trong việc sử dụng dự toán ngân sách và tài sản nhà nước. Mỗi Bộ, cơ quan trung ương và địa phương có sự phân cấp khác nhau cho các đơn vị trực tiếp sử dụng TSNN; tuy nhiên, về cơ bản các Bộ, cơ quan trung ương và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đã có sự phân cấp mạnh mẽ cho các đơn vị trực tiếp sử dụng để đảm bảo tài sản phục vụ nhiệm vụ chính trị được giao... Hầu hết các đơn vị sử dụng tài sản đã ban hành và tổ chức thực hiện Quy chế quản lý, sử dụng TSNN thuộc phạm vi quản lý, góp phần phân định rõ quyền và nghĩa vụ của từng bộ phận, cá nhân trong quản lý, sử dụng TSNN tại cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Quy định về phân cấp quản lý TSNN có sự phân định rõ chế độ quản lý, sử dụng TSNN giữa cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập. Theo đó các đơn vị sự nghiệp công lập được giao nhiều quyền hơn trong việc quản lý, khai thác sử dụng tài sản nhà nước, như sử dụng tài sản vào mục đích cho thuê, sản xuất kinh doanh dịch vụ....Từ đó góp phần đảm bảo việc quản lý, sử dụng TSNN đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức, tiết kiệm; đồng thời khai thác có hiệu quả nguồn lực từ TSNN để tăng cường cơ sở vật chất và khả năng cung ứng dịch vụ công của các cơ quan, đơn vị.

2. Về tình hình mua sắm TSNN

a) Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương trong cả nước thực hiện mua sắm tài sản công từ nguồn NSNN năm 2013 theo nguyên tắc triệt để tiết kiệm, đúng tiêu chuẩn, định mức và chế độ hiện hành. Trong năm 2013, các Bộ, ngành, địa phương trong cả nước thực hiện mua mới xe ô tô và tài sản khác có nguyên giá từ 500 triệu đồng trở lên/đơn vị tài sản như sau:

- Xe ô tô: Năm 2013, số xe ô tô mua mới của cả nước là 1.477 xe ô tô với nguyên giá 1.328,96 tỷ đồng; trong đó:

+ Xe ô tô phục vụ chức danh: 85 xe với tổng nguyên giá 93,70 tỷ đồng;

+ Xe ô tô phục vụ chung: 934 xe với tổng nguyên giá 817,58 tỷ đồng;

+ Xe ô tô chuyên dùng: 458 xe với tổng nguyên giá 417,67 tỷ đồng.

Trong tổng số 1.477 xe ô tô được mua sắm năm 2013 thì khối trung ương mua sắm 448 xe; khối địa phương mua sắm 1.029 xe. Số lượng xe ô tô mua mới chủ yếu là mua thay thế số xe ô tô đã hết thời hạn sử dụng hoặc điều chuyển cho đơn vị khác.

- Tài sản khác có nguyên giá từ 500 triệu đồng trở lên: Năm 2013, cả nước mua mới 1.206 tài sản với nguyên giá 2.343,53 tỷ đồng.

Trong tổng số 1.206 tài sản có nguyên giá từ 500 triệu đồng trở lên được mua mới thì khối trung ương mua sắm 384 tài sản với nguyên giá 663,01 tỷ đồng; khối địa phương mua sắm 822 tài sản với nguyên giá 1.680,52 tỷ đồng.

b) Việc thí điểm thực hiện mua sắm TSNN theo phương thức tập trung theo Quyết định số 179/2007/QĐ-TTg ngày 26 tháng 11 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ tiếp tục được thực hiện có hiệu quả, góp phần tiết kiệm kinh phí và thời gian mua sắm (3). Tài sản mua sắm theo phương thức tập trung chủ yếu là các trang thiết bị văn phòng, thiết bị giáo dục, trang thiết bị y tế, tin học, như xe ô tô, phương tiện vận tải chuyên dùng, máy soi container, thiết bị an toàn kho quỹ, phương tiện của lực lượng bảo vệ, đồ dùng cho công tác đối ngoại, lễ tân của nhà nước,.v..v... Bộ Tài chính đã tiến hành tổng kết việc thí điểm mua sắm tài sản theo phương thức tập trung và xây dựng Đề án hình thành Trung tâm mua sắm tập trung, để thực hiện dịch vụ đấu thầu mua sắm công, đấu giá khi bán thanh lý, giao, cho thuê tài sản công.

3. Về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước

Đến ngày 31/12/2013, các bộ, ngành, địa phương trong cả nước đã thực hiện báo cáo kê khai và đề xuất phương án xử lý đối với 146.034 cơ sở nhà đất, với tổng diện tích khoảng 2.930 triệu m2 đất và 131 triệu m2 nhà. Các cấp có thẩm quyền đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 1.892,9 triệu m2 đất; 100 triệu m2 nhà; trong đó: Giữ lại tiếp tục sử dụng khoảng 1.785,6 triệu m2 đất, 93,8 triệu m2 nhà; bán, chuyển nhượng gần 6,2 triệu m2 đất; thu hồi trên 8,8 triệu m2 đất; chuyển mục đích sử dụng đất trên 3 triệu m2 đất. Một số bộ, ngành và địa phương đã cơ bản hoàn thành việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước (như: Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao; các tỉnh: Bến Tre, Bình Dương, Cao Bằng, Đồng Nai ....).

Thông qua việc sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước đã giúp cho cơ quan quản lý nắm được một cách có hệ thống về số lượng, giá trị và hiện trạng sử dụng để có phương án sắp xếp, xử lý phù hợp, góp phần quản lý chặt chẽ và nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước. Việc thực hiện chính sách này đã huy động được nguồn vốn lớn từ nhà, đất cho đầu tư phát triển, để thực hiện các dự án đầu tư theo quy hoạch, góp phần chỉnh trang đô thị và tạo nguồn thu lâu dài cho ngân sách nhà nước. Tổng số tiền thu được qua sắp xếp lại, xử lý nhà, đất cho đến nay đạt trên 30 ngàn tỷ đồng.

4. Về điều chuyển, bán, thanh lý TSNN

Trong năm 2013, tổng giá trị TSNN giảm là 4.604,10 tỷ đồng; trong đó giảm do điều chuyển là 1.663,78 tỷ đồng; do thanh lý là 550,88 tỷ đồng và do bán, chuyển nhượng là 169,45 tỷ đồng, giảm khác là 2.219,99 tỷ đồng. Cụ thể:

a) Tài sản là đất: Năm 2013, diện tích đất giảm do điều chuyển là 479 nghìn m2 với tổng giá trị 805,21 tỷ đồng và giảm do bán, chuyển nhượng là 30,44 nghìn m2 với tổng giá trị 146,35 tỷ đồng.

b) Tài sản là nhà: Năm 2013, diện tích nhà giảm do điều chuyển là 141,41 nghìn m2 với tổng nguyên giá 240,24 tỷ đồng; diện tích nhà giảm do thanh lý là 250,35 nghìn m2 với tổng nguyên giá 268,87 tỷ đồng và giảm do bán, chuyển nhượng là 12,26 nghìn m2 với tổng nguyên giá 21,12 tỷ đồng.

c) Tài sản là xe ô tô : Năm 2013, số xe giảm do điều chuyển là 866 chiếc với tổng nguyên giá 560,76 tỷ đồng; số xe giảm do thanh lý là 703 chiếc với tổng nguyên giá 250,92 tỷ đồng và giảm do bán, chuyển nhượng là 4 chiếc với tổng nguyên giá 1,98 tỷ đồng.

d) Tài sản khác có nguyên giá từ 500 triệu đồng trở lên: Năm 2013, số tài sản giảm do điều chuyển là 34 cái với tổng nguyên giá 57,57 tỷ đồng; giảm do thanh lý là 33 cái với tổng nguyên giá 31,09 tỷ đồng.

5. Xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về TSNN

Thực hiện quy định của Luật Quản lý, sử dụng TSNN, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính xây dựng, vận hành Phần mềm Quản lý đăng ký TSNN và triển khai thống nhất trên cả nước thông qua 126 điểm đầu mối. Lần đầu tiên Chính phủ, Bộ Tài chính cũng như các Bộ ngành và địa phương có một CSDL về TSNN chứa đựng đầy đủ thông tin về các tài sản lớn thuộc phạm vi quản lý. Đây là một kênh thông tin đắc lực giúp các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đưa ra các biện pháp quản lý, xử lý TSNN phù hợp hơn; góp phần nâng cao hiệu quản lý, sử dụng TSNN, điều hành ngân sách nhà nước trong việc mua sắm, trang bị, xử lý tài sản phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Bên cạnh đó, thực hiện ứng dụng Phần mềm vào công tác quản lý TSNN đã tạo ra bước đột phá về phương thức quản lý theo hướng hiện đại, nhanh nhạy, kịp thời và có hiệu quả cao; dần thay thế cho phương pháp quản lý truyền thống (kiểm kê, báo cáo giấy, …) tốn kém, thông tin thiếu kịp thời. Sử dụng CSDL để quản lý TSNN đã góp phần thiết thực vào công tác hiện đại hoá công tác quản lý của ngành Tài chính; góp phần thực hiện chủ trương cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ. Thông qua việc vận hành Phần mềm, thực hiện các tác nghiệp nghiệp vụ của CSDL dần hình thành được đội ngũ cán bộ quản lý công sản tại các Bộ, ngành và địa phương có trình độ ngày càng chuyên nghiệp hơn. Ý thức trách nhiệm của các đối tượng trực tiếp quản lý, sử dụng TSNN và các cơ quan quản lý đã có chuyển biến tích cực nhờ các thông tin được cung cấp đầy đủ, công khai, kịp thời từ CSDL. Thông tin trong CSDL đã từng bước phát huy tác dụng trong thực tiễn công tác quản lý, điều hành, báo cáo về TSNN.

Trong năm 2013, Bộ Tài chính đã đôn đốc quyết liệt việc ban hành Quy chế phối hợp trong quản lý thông tin và sử dụng thông tin trong CSDL quốc gia về TSNN. Đến nay, đã có 05 Bộ, cơ quan trung ương, 35 địa phương ban hành Quy chế (Phụ lục XIV).

6. Tình hình chấp hành chế độ báo cáo

Thi hành Luật Quản lý, sử dụng TSNN, đến nay đã có 46 địa phương và 28 Bộ, cơ quan trung ương thực hiện báo cáo tình hình quản lý, sử dụng TSNN thuộc phạm vi quản lý năm 2013. Về cơ bản, các Bộ, ngành và địa phương thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo theo quy định, đáp ứng được yêu cầu tổng hợp của cơ quan quản lý nhà nước.

III. NHỮNG TỒN TẠI, HẠN CHẾ

1. Phạm vi điều chỉnh của Luật Quản lý, sử dụng TSNN còn hẹp, chưa bao quát hết các loại TSNN.

Tại Điều 53 Hiến pháp sửa đổi năm 2013 quy định ”Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”.

Tại Nghị định số 14/1998/NĐ-CP ngày 06 tháng 3 năm 1998 của Chính phủ về quản lý TSNN đã phân loại TSNN thành 06 nhóm: (i) TSNN khu vực hành chính sự nghiệp; (ii) tài sản thuộc kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích công cộng, lợi ích quốc gia; (iii) TSNN tại doanh nghiệp; (iv) tài sản được xác lập sở hữu của Nhà nước theo quy định của pháp luật; (v) tài sản dự trữ nhà nước; (vi) đất đai, tài nguyên thiên nhiên khác. Tuy nhiên, Luật Quản lý, sử dụng TSNN mới chỉ điều chỉnh chế độ quản lý, sử dụng của 01 nhóm tài sản là TSNN khu vực hành chính sự nghiệp. Việc Luật hiện hành chưa bao quát hết phạm vi, đối tượng tài sản cần quản lý dẫn tới:

- Một số loại TSNN chưa thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Quản lý, sử dụng TSNN hiện tại đang được quản lý theo Luật chuyên ngành như Luật Đất đai, Luật Giao thông đường bộ, Luật Doanh nghiệp,… Những Luật chuyên ngành chủ yếu quy định chế độ quản lý về mặt kỹ thuật chuyên ngành, chưa đáp ứng nhu cầu quản lý với tư cách là nguồn lực tài chính (như: vấn đề hạch toán, tài chính trong quá trình khai thác, sử dụng, xử lý tài sản,…); chưa phân định rõ vai trò quản lý nhà nước giữa cơ quan chuyên ngành (về mặt kỹ thuật) và cơ quan tài chính (đại diện chủ sở hữu, thống nhất quản lý nhà nước về TSNN). Vì vậy, việc quản lý, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng, tài sản các doanh nghiệp, Tập đoàn, Tổng công ty,… chưa thực sự hiệu quả.

- Một số loại TSNN chưa có Luật điều chỉnh (như: tài sản phục vụ hoạt động của các dự án sử dụng vốn nhà nước, tài sản được xác lập quyền sở hữu nhà nước,…): Khi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính quy định chế độ quản lý, sử dụng gặp khó khăn do yêu cầu phải có văn bản pháp lý cao hơn làm căn cứ, trong khi thực tiễn đòi hỏi luôn phải giải quyết thường xuyên; công tác quản lý, đầu mối quản lý bị phân tán, chưa đảm bảo tính thống nhất

2. Cơ chế quản lý và phân cấp quản lý hiện nay còn phân tán dẫn đến thiếu chuyên nghiệp và hiệu quả chưa cao trong công tác quản lý, sử dụng TSNN.

Theo quy định hiện hành thì tất cả các đơn vị trực tiếp quản lý sử dụng TSNN từ trung ương đến địa phương đều thực hiện những nhiệm vụ quản lý, xử lý tài sản từ đầu tư xây dựng, mua sắm, thuê tài sản; bố trí sử dụng, bảo hành, bảo dưỡng, sửa chữa, cho thuê, kinh doanh dịch vụ, liên doanh, liên kết; xử lý điều chuyển, bán, thanh lý... tài sản. Điều này dẫn đến tình trạng: Công tác quản lý, xử lý tài sản thiếu chuyên nghiệp do nghiệp vụ phát sinh ở từng cơ quan, đơn vị không thường xuyên; hiệu quả công tác quản lý không cao do mua sắm, bán, thanh lý và xử lý nhỏ, lẻ trong phạm vi tài sản của từng đơn vị; khả năng điều hòa tài sản và vai trò của cơ quan quản lý tài sản công trong việc điều hòa tài sản rất hạn chế, nên để xảy ra nơi thừa sử dụng sai công năng, sai mục đích và nơi thiếu thì nhà nước phải chi ngân sách để mua sắm, đi thuê; việc trang bị, bố trí sử dụng TSNN thiếu tính đồng bộ, không cân đối, cá biệt có trường hợp vượt tiêu chuẩn, định mức; các đơn vị được Nhà nước bố trí đất và kinh phí đầu tư trụ sở mới nhưng không trả lại trụ sở cũ để bố trí cho đơn vị khác hoặc xử lý tạo nguồn thu từ TSNN cho NSNN.

3. Về việc mua sắm TSNN theo phương thức tập trung

Phương thức mua sắm tập trung đang trong giai đoạn thí điểm, việc áp dụng dựa trên tinh thần tự nguyện tham gia của các Bộ, ngành, địa phương; danh mục hàng hóa, tài sản mua sắm chủ yếu do các Bộ, ngành, địa phương quyết định; chưa có quy định bắt buộc áp dụng, vì vậy, phạm vi triển khai còn hẹp, chưa đồng nhất. Trong khi đó, nhận thức của các cấp, các ngành về phương thức mua sắm tập trung với vị trí là công cụ hữu hiệu để phòng, chống tham nhũng, lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn tài chính, tài sản công chưa đầy đủ; còn có tâm lý e ngại, chưa chủ động và tích cực khi áp dụng phương thức này. Nhiều Bộ, ngành, địa phương có số lượng tài sản mua sắm lớn chưa tham gia vào quá trình thí điểm.

Về cách thức và quy trình mua sắm tập trung: Hiện nay, chỉ áp dụng một cách thức mua sắm tập trung duy nhất là đơn vị được giao nhiệm vụ mua sắm tập trung ký hợp đồng trực tiếp với nhà cung cấp. Theo đó, đơn vị được giao nhiệm vụ mua sắm tập trung trực tiếp tổ chức việc mua tài sản, ký hợp đồng với nhà cung cấp và giao hiện vật cho cơ quan, đơn vị sử dụng. Với cách thức này, quy trình, thủ tục mua sắm sẽ bị kéo dài, chưa phù hợp với quy trình chung về giao dự toán ngân sách, hạn chế quyền chủ động của các cơ quan, đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản trong việc thực hiện ký hợp đồng, tiếp nhận và nghiệm thu chất lượng tài sản, dịch vụ, thực hiện quyền được bảo hành, bảo trì sản phẩm;… Nếu áp dụng với quy mô lớn sẽ dẫn đến bộ máy thực hiện mua sắm cồng kềnh, không hiệu quả.

Về mô hình tổ chức của đơn vị mua sắm tập trung: Hiện nay, chỉ có tỉnh Bình Thuận có tổ chức chuyên trách về mua sắm tài sản, hàng hoá theo phương thức tập trung là Trung tâm Mua tài sản công thuộc Sở Tài chính; ở các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương còn lại, việc thực hiện mua sắm tập trung được giao cho Vụ Kế hoạch - Tài chính, Cục quản lý chuyên ngành, Sở Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế,… thực hiện; cán bộ làm nhiệm vụ mua sắm tập trung hoạt động kiêm nhiệm. Các đơn vị kiêm nhiệm gặp nhiều khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện, hiệu quả mua sắm tài sản không cao.

4. Vấn đề quản lý xe công còn nhiều bất cập, chủ trương đổi mới cơ chế quản lý xe công chưa được thực hiện quyết liệt và chưa được thể hiện tại Luật; nên việc sử dụng xe ô tô còn lãng phí, mặc dù đã có quy định về cơ chế khoán nhưng thực tế các đơn vị không thực hiện do quy định mang tính tự nguyện, không bắt buộc. Xu hướng không trang bị xe công hoặc cắt giảm xe công đang được Chính phủ nhiều quốc gia áp dụng, nhưng chưa thực sự có sự đổi mới mạnh mẽ ở Việt Nam.

5. Việc quản lý, sử dụng tài sản tại đơn vị sự nghiệp công lập chưa đáp ứng được yêu cầu của Luật và thực tiễn. Luật Quản lý, sử dụng TSNN thể hiện sự đổi mới mạnh mẽ trong cơ chế quản lý, sử dụng TSNN tại đơn vị sự nghiệp công lập; theo đó, Luật tách bạch đơn vị sự nghiệp công lập thành 2 loại (i) Đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính và (ii) đơn vị sự nghiệp chưa tự chủ tài chính, với cơ chế quản lý, sử dụng TSNN khác nhau.

Tuy nhiên, trên thực tế, số đơn vị sự nghiệp công lập được công nhận là đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính theo Luật quản lý, sử dụng TSNN rất ít, trong khi một số đơn vị chưa được công nhận là đơn vị tự chủ nhưng vẫn sử dụng tài sản để cho thuê, liên doanh, liên kết. Điều này, một mặt thể hiện sự chấp hành pháp luật không nghiêm của một bộ phận đơn vị sự nghiệp song cũng cho thấy các quy định của Luật chưa thực sự phù hợp với thực tế và quá trình đổi mới cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; dẫn đến có những sai phạm trong việc sử dụng TSNN để góp vốn liên doanh, liên kết.

Theo báo cáo chưa đầy đủ của các Bộ, ngành, địa phương, đến nay mới có 16 đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính được giao vốn theo cơ chế doanh nghiệp với tổng số tiền khoảng 3.678.330 triệu đồng; 55 đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính đang trình cấp có thẩm quyền để thực hiện giao vốn theo cơ chế doanh nghiệp với tổng số tiền khoảng 4.825.137 triệu đồng.

6. Tiến độ tổng thể về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất chậm so với yêu cầu. Một số Bộ, ngành, địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác sắp xếp lại, xử lý nhà đất, chưa đưa nội dung công việc kê khai, lập phương án sắp xếp, xử lý nhà đất vào chương trình công tác thường xuyên của cơ quan, đơn vị để chỉ đạo thực hiện; đến nay còn một số Bộ, ngành và địa phương chưa tập trung và triển khai triệt để. Nhiều cơ sở nhà đất đã phê duyệt phương án được 2 - 3 năm nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện xong phương án được phê duyệt. Công tác di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị còn chậm, hầu hết các địa phương chưa ban hành được danh mục các cơ sở phải di dời, quy hoạch chi tiết để làm căn cứ xử lý quỹ đất sau khi di dời.

Công tác báo cáo, kiểm tra sau khi có quyết định xử lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa được quan tâm đúng mức và chưa có cơ chế cụ thể; vì vậy, việc nắm bắt tình hình thực hiện cũng như những vướng mắc cần tháo gỡ để phối hợp xử lý chưa được kịp thời. Một số cơ quan, đơn vị sau khi được phê duyệt phương án xử lý đã tiếp tục cho thuê, liên doanh, liên kết không đúng quy định, không chấp hành thời hạn thực hiện phương án xử lý.... Một số bộ, cơ quan, đơn vị được nhà nước cho phép đầu tư xây dựng trụ sở mới nhưng không trả lại trụ sở cũ, trong khi các cơ quan, đơn vị khác phải đi thuê trụ sở làm việc với kinh phí lớn (chỉ tính riêng 6 cơ quan: Văn phòng Trung ương Đảng, Bộ Tư pháp, Kiểm toán nhà nước, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Ngoại giao, số tiền thuê trụ sở trong năm 2013 là: 117.459 triệu đồng; dự toán 2014 là: 133.970 triệu đồng).

7. Cơ sở dữ liệu quốc gia về TSNN chưa bao quát hết các loại tài sản. Một số cơ quan, đơn vị chưa thực hiện nghiêm túc việc kê khai đăng ký biến động về TSNN vào CSDL, dẫn đến dữ liệu trong CSDL có lúc chưa đảm bảo tính kịp thời và thời gian theo quy định của pháp luật; tiến độ rà soát, chuẩn hóa dữ liệu chưa đạt yêu cầu.

8. Công tác báo cáo tình hình quản lý, sử dụng TSNN hàng năm chưa được thực hiện nghiêm túc. Theo thời hạn quy định tại Điều 34 Nghị định số 52/2009/NĐ-CP ngày 03 tháng 6 năm 2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý, sử dụng TSNN thì Bộ, cơ quan trung ương, UBND cấp tỉnh lập báo cáo tình hình quản lý, sử dụng TSNN thuộc phạm vi quản lý gửi Bộ Tài chính trước ngày 15/3 hàng năm. Tuy nhiên, đến nay mới có 74/126 Bộ, cơ quan trung ương và địa phương gửi báo cáo về Bộ Tài chính. Việc báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp về tình hình quản lý, sử dụng TSNN hằng năm chưa được thực hiện ở hầu hết các địa phương.

Phần III

ĐỊNH HƯỚNG, GIẢI PHÁP NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ

QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TÀI SẢN NHÀ NƯỚC

Tình hình kinh tế - xã hội trong năm 2014 dự báo vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Năm 2014 là năm có vị trí quan trọng trong thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 5 năm. Chính phủ xác định mục tiêu tổng quát của năm 2014 là: “Đẩy nhanh phát triển nền kinh tế đi đôi với việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô. Triển khai thực hiện mạnh mẽ tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng. Bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và nâng cao đời sống nhân dân. Mở rộng và nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế. Củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí”.

Để thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp đã được đề ra trong các Nghị quyết của Trung ương Đảng, của Quốc hội và mục tiêu tổng quát của năm 2014, Chính phủ tiếp tục tăng cường việc quản lý trong lĩnh vực quản lý, sử dụng TSNN, trong đó tập trung vào một số các nhiệm vụ, giải pháp sau:

1. Tổ chức tổng kết, đánh giá 5 năm triển khai, thi hành Luật Quản lý, sử dụng TSNN, làm căn cứ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng TSNN nhằm cụ thể hóa quy định tại Điều 53 Hiến pháp sửa đổi năm 2013.

2. Tiếp tục rà soát, nghiên cứu để hoàn thiện các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng TSNN và hệ thống tiêu chuẩn, định mức, chế độ trong mua sắm, đầu tư xây dựng TSNN.

Qua hơn 5 năm thực hiện Luật Quản lý, sử dụng TSNN đã tạo được khung pháp lý có giá trị cao và đồng bộ. Nhận thức, ý thức về quản lý, sử dụng TSNN của các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã và đang có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, một số quy định của Luật Quản lý, sử dụng TSNN hiện hành đã bộc lộ bất cập, hạn chế và có một số điểm chưa được cập nhật, đồng bộ với các quy định pháp luật chuyên ngành khác mới được ban hành. Hệ thống tiêu chuẩn, định mức, chế độ trong, các lĩnh vực khác đã được cập nhật, sửa đổi, bổ sung khá thường xuyên nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, còn một số trường hợp chưa sát với thực tế, dẫn đến ý thức chấp hành còn hạn chế, thực hiện chưa nghiêm, gây lãng phí TSNN.

Rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng TSNN nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra, tập trung hoàn thiện các cơ chế, chính sách chủ yếu như tiêu chuẩn, định mức sử dụng phương tiện đi lại, tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc; chế độ quản lý, sử dụng TSNN tại đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân; sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước, đặc biệt là nhà, đất của các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, hỗ trợ cho công tác tái cơ cấu, sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước. Trong đó, cơ chế mua sắm TSNN theo phương thức tập trung được áp dụng thống nhất trên cả nước, đảm bảo hiệu quả trong mua sắm TSNN, tính minh bạch và sử dụng tiết kiệm ngân sách nhà nước.

3. Thực hiện nhất quán chính sách tài khóa chặt chẽ, triệt để tiết kiệm trong đầu tư xây dựng, mua sắm TSNN.

Năm 2014, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 02 tháng 01 năm 2014 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014. Theo đó, Chính phủ chỉ đạo rà soát, quản lý chặt chẽ các khoản chi, đảm bảo đúng dự toán được duyệt. Không mua xe ô tô công (trừ xe chuyên dùng theo quy định của pháp luật). Rà soát các nội dung đầu tư, cắt giảm các chi phí, hạng mục chưa cần thiết, đảm bảo triệt để tiết kiệm, đúng chế độ quy định. Đẩy mạnh thực hiện khoán xe công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị; nghiên cứu, xây dựng mô hình tập trung xe công theo phạm vi cấp Bộ, ngành, tỉnh, huyện có trụ sở, địa bàn hoạt động tập trung nhằm sử dụng tối đa hiệu năng và tiết kiệm.

Việc mua xe ô tô chuyên dùng phải đảm bảo nguyên tắc phù hợp với số lượng, chủng loại xe ô tô chuyên dùng do Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan trung ương và Chủ tịch UBND cấp tỉnh ban hành sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Tài chính (đối với cơ quan, đơn vị thuộc trung ương quản lý) hoặc của Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh (đối với cơ quan, đơn vị thuộc địa phương quản lý). Đối với xe ô tô phục vụ hoạt động của các Chương trình, Dự án sử dụng vốn nước ngoài (nguồn vốn ODA, nguồn viện trợ), thực hiện theo Hiệp định ký kết giữa Chính phủ Việt Nam với nhà tài trợ nếu trong hiệp định đó có quy định cụ thể việc mua xe ô tô; trường hợp không có quy định cụ thể thì không thực hiện mua sắm xe ô tô.

4. Thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính, ngân sách nhà nước; tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra việc sử dụng ngân sách nhà nước, việc quản lý, sử dụng TSNN. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm chế độ quản lý, sử dụng TSNN theo quy định tại Nghị định số 192/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng TSNN và Thông tư số 07/2014/TT-BTC ngày 14 tháng 01 năm 2014 của Bộ Tài chính quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng TSNN.

5. Tăng cường hiệu quả, hiệu lực quản lý để bảo vệ, khai thác hợp lý, hiệu quả đất đai, TSNN.

Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai và TSNN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2013 - 2020 tại Quyết định số 2174/QĐ-TTg ngày 12 tháng 11 năm 2013. Thực hiện Đề án này, năm 2014 sẽ tập trung thực hiện các giải pháp chủ yếu để thực hiện Đề án nhằm: (i) Khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai thông qua: thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; thuế, phí, lệ phí có liên quan đến đất đai; giá đất và xác định giá đất; góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất...tại các trung tâm đô thị và các nông, lâm trường; (ii) Khai thác nguồn lực tài chính từ sắp xếp lại trụ sở nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, các công ty nhà nước, các doanh nghiệp cổ phần hóa; (iii) Khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản kết cấu hạ tầng.

6. Đẩy mạnh công tác sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước trên phạm vi cả nước nhằm sử dụng, khai thác có hiệu quả hơn quỹ nhà, đất, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện quy hoạch sử dụng đất, chỉnh trang đô thị. Tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà, đất theo phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, xử lý kịp thời trụ sở cũ của các cơ quan khi di dời sang địa điểm mới. Đôn đốc các địa phương ban hành danh mục các cơ sở phải di dời do ô nhiễm môi trường hoặc phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị làm căn cứ xử lý các cơ sở này.

7. Rà soát, chuẩn hóa dữ liệu trong cơ sở dữ liệu quốc gia về TSNN để bảo đảm đầy đủ, chính xác, kịp thời phục vụ công tác báo cáo, chỉ đạo, điều hành và quản lý, xử lý TSNN. Mở rộng phạm vi quản lý tài sản trong CSDL quốc gia về TSNN như quản lý tài sản là công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung; tài sản phục vụ công tác quản lý dự án của các Ban quản lý dự án; tài sản đủ tiêu chuẩn là TSCĐ theo quy định của pháp luật, tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ,...

8. Kiện toàn bộ máy quản lý TSNN từ Trung ương đến địa phương. Trước mắt thực hiện đào tạo, nâng cao chất lượng cho cán bộ làm công tác quản lý công sản tại các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương theo hướng chuyên nghiệp và áp dụng công nghệ quản lý hiện đại.

Trên đây là báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản nhà nước năm 2013. Chính phủ xin kính trình Quốc hội./.

Nơi nhận:

- Như trên;

- Thủ tướng, các PTT Chính phủ;

- Văn phòng Quốc hội;

- Bộ Tài chính;

- VPCP: BTCN, các PCN,

các Vụ: TH, V.III, TKBT, PL;

- Lưu: VT, KTTH (3). B

TM. CHÍNH PHỦ

TUQ. THỦ TƯỚNG

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

Đã ký

Đinh Tiến Dũng

(1) Giá trị quyền sử dụng đất được tính theo Bảng giá đất do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành áp dụng tại thời điểm xác định giá trị, thường chỉ bằng 40% ÷ 60% giá đất thực tế thị trường.

(2) Theo quy định thì thời gian sử dụng của xe ô tô là 10 năm, tỷ lệ hao mòn là 10%/năm.

(3) Từ năm 2008 đến nay, thông qua mua sắm tài sản theo phương thức tập trung, Bộ Tài chính giảm chi được 397 tỷ đồng; Bộ Tư pháp giảm chi 729 triệu đồng; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giảm chi 13,9 tỷ đồng, tỉnh Bình Thuận giảm chi 3 tỷ đồng, tỉnh Thái Bình giảm chi 44,4 tỷ đồng,...

Tin khác

Báo cáo tình hình quản lý, sử dụng TSNN năm 2012

Fast traslate Icon translate Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, được sự uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính xin trình Quốc hội báo cáo của Chính phủ về “Tình hình quản lý, sử dụng tài sản nhà nước năm 2012”.
Báo cáo tình hình quản lý, sử dụng TSNN năm 2011

Báo cáo tình hình quản lý, sử dụng TSNN năm 2011

Thực hiện Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, Chính phủ đã ban hành chế độ báo cáo và công khai về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước(TSNN). Trên cơ sở báo cáo của các Bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương, Chính phủ đã giao Bộ Tài Chính tổng hợp tình hình quản lý, sử dụng TSNN trên phạm vi cả nước và hình thành Cơ sở dữ liệu quốc gia về TSNN, gồm 4 loại sau:
Phiên bản di động