Bất chấp dịch bệnh, vốn ngoại rót vào bất động sản vẫn tăng
Lĩnh vực kinh doanh bất động sản thu hút tổng vốn đăng ký đạt 1,15 tỷ USD. Ảnh: Tuấn Nguyễn |
Trong 6 tháng đầu năm nay, các nhà đầu tư nước ngoài đã rót vốn vào 18 ngành lĩnh vực tại Việt Nam. Dẫn đầu vẫn là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút được tổng vốn đầu tư 6,98 tỷ USD. Đứng thứ hai là lĩnh vực sản xuất, phân phối điện với tổng vốn đầu tư 5,34 tỷ USD, thứ ba là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với tổng vốn đăng ký đạt 1,15 tỷ USD. Như vậy ngành kinh doanh bất động sản 6 tháng đầu năm nay lại được khối ngoại rót vốn tăng hơn 35% so với cùng kỳ năm trước, tương đương mức tăng 300 triệu USD.
Từ đầu năm đến nay, Singapore tiếp tục dẫn đầu rót vốn vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư 5,64 tỷ USD, chiếm gần 36,9% tổng vốn đầu tư và tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2020. Nhật Bản đứng thứ hai với 2,44 tỷ USD, chiếm gần 16% tổng vốn đầu tư và tăng 66,8% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư của Singapore và Nhật Bản chủ yếu theo hình thức đầu tư mới, chiếm lần lượt 84% và 67,8% tổng vốn đăng ký của 2 quốc gia này. Hàn Quốc đứng thứ ba với tổng vốn FDI đăng ký 2,05 tỷ USD, tăng 43,6% so với cùng kỳ năm 2020. Tiếp theo là Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan…
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đặc biệt ghi nhận, trong 6 tháng đầu năm nay, Long An vươn lên dẫn đầu thu hút vốn FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 3,57 tỷ USD. Chủ yếu do có dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II (Singapore) với tổng vốn đăng ký trên 3,1 tỷ USD với mục tiêu truyền tải và phân phối điện, sản xuất điện. Tiếp theo là TP. Hồ Chí Minh với tổng vốn đăng ký 1,43 tỷ USD và Cần Thơ đứng thứ ba với 1,32 tỷ USD cũng do có dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II (Nhật Bản), tổng vốn đăng ký trên 1,31 tỷ USD với mục tiêu xây dựng một nhà máy nhiệt điện nhằm đáp ứng nhu cầu cung cấp điện cho lưới điện khu vực và hệ thống điện quốc gia.../.