Bất động sản đứng vị trí thứ 2 trong các ngành, lĩnh vực thu hút nhiều vốn FDI nhất
Nhu cầu bất động sản công nghiệp bật tăng. Ảnh: TL |
Quản lý cấp cao bộ phận bất động sản công nghiệp của Savills Hà Nội Thomas Rooney đánh giá, xu hướng dịch chuyển đầu tư đã đem lại những thay đổi tích cực đối với thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam. Lượng vốn FDI chảy mạnh vào Việt Nam khiến nhu cầu bất động sản công nghiệp bật tăng; bên cạnh đó, làn sóng đầu tư vào bất động sản công nghiệp ngày càng mở rộng.
Giám đốc quốc gia JLL Việt Nam (thuộc Tập đoàn Tư vấn bất động sản toàn cầu Jones Lang Lasalle) Paul Fisher cũng chia sẻ: "Chúng tôi nhận thấy sự quan tâm ngày càng tăng của cộng đồng quốc tế, trong đó một số nhà đầu tư đã bắt đầu “chốt” các giao dịch tại thị trường Việt Nam. Chúng tôi kỳ vọng, nguồn vốn FDI vào Việt Nam sẽ tiếp tục xu hướng tăng trong thời gian tới. Hiện tại, giới đầu tư đang xem xét các khoản đầu tư đa dạng trên khắp Đông Nam Á. Một số nhà đầu tư đang định vị địa điểm để đặt văn phòng làm việc và như vậy, nhiều khoản đầu tư vào Việt Nam có thể được “chốt” cuối năm nay".
Để “đón” làn sóng dịch chuyển nguồn vốn FDI, các chủ đầu tư cũng đang đẩy nhanh thủ tục pháp lý và tiến độ xây dựng nhiều khu công nghiệp.
Đầu tháng 7/2023, Công ty cổ phần Đô thị Amata Long Thành đã khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành (tỉnh Đồng Nai), với diện tích 410ha, tổng vốn đầu tư khoảng 282 triệu USD. Công ty cổ phần Hanaka (tỉnh Bắc Ninh) cũng vừa khởi công xây dựng Khu công nghiệp Gia Bình 2, với quy mô 250ha, tổng vốn đầu tư dự kiến 3.957 tỷ đồng. Tập đoàn Sơn Hà tháng 4/2023 cũng đã khởi công Khu công nghiệp SHI IP Tam Dương (tỉnh Vĩnh Phúc) với diện tích hơn 162ha, tổng vốn đầu tư 1.576 tỷ đồng, dự kiến bàn giao mặt bằng lần 1 vào quý IV/2023 và bắt đầu đi vào hoạt động từ quý III/2024...
Cùng với hạ tầng khu công nghiệp, Giám đốc Tài chính, Công ty BW Industrial Paul Wee bày tỏ, Việt Nam cần cải thiện hệ thống giao thông, có thêm các tuyến đường cao tốc, kết nối đồng bộ; bảo đảm việc cung cấp năng lượng, cung cấp dịch vụ ổn định cho các nhà đầu tư. Đồng thời, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh giáo dục và đào tạo để tăng chất lượng nguồn nhân lực.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho hay, chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030 đã đặt ra một số mục tiêu cụ thể, như: Tăng 50% số lượng tập đoàn đa quốc gia thuộc nhóm 500 tập đoàn lớn nhất thế giới; nâng tỷ lệ vốn đầu tư đăng ký của các quốc gia lớn, như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Pháp, Đức, Anh, Hoa Kỳ… trong tổng vốn đầu tư nước ngoài cả nước lên hơn 70% trong giai đoạn 2021-2025 và 75% trong giai đoạn 2026-2030... Do đó, việc phát triển của các khu công nghiệp là hết sức cần thiết. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với các địa phương, triển khai các giải pháp về phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế, trong đó có việc nghiên cứu đề xuất xây dựng Luật Khu công nghiệp, khu kinh tế.../.