Bất động sản hàng hiệu là phân khúc vẫn giữ được đà tăng trưởng
Các thành phố ven biển đang là điểm đến lý tưởng của nhiều thương hiệu quốc tế uy tín. Ảnh: T.L |
Tăng trưởng 230% trong vòng một thập kỷ qua
Thị trường bất động sản hàng hiệu (branded residences) đang trên đà tăng trưởng tích cực. Nghiên cứu của Savills năm 2021 chỉ ra, phân khúc này đã tăng trưởng 230% trong vòng một thập kỷ qua. Đồng thời, thị trường này dự báo sẽ chào đón hơn 900 dự án mới trên phạm vi toàn cầu trước năm 2026, con số gần gấp đôi số lượng nguồn cung hiện tại.
Đưa ra những phân tích về bất động sản hàng hiệu, ông Matthew Powell- Giám đốc, Savills Hà Nội cho biết: “Đây là một phân khúc ngách trong toàn bộ thị trường bất động sản, do nguồn cung khan hiếm và mức giá cao cấp. Gặt hái được nhiều thành công trên trường quốc tế, các thương hiệu nổi tiếng đang đưa ra kế hoạch mở rộng quy mô kinh doanh sang các khu vực khác, trong đó có Châu Á – Thái Bình Dương. Tuy nhiên, tại Việt Nam, bất động sản hàng hiệu vẫn là khái niệm khá mới. Do vậy, phân khúc này tại Việt Nam vẫn hội tụ nhiều tiềm năng để phát triển mạnh trong tương lai.”
Theo các chuyên gia, với các chủ đầu tư, mô hình bất động sản hàng hiệu đòi hỏi dòng vốn mạnh. Chủ đầu tư có thể thực hiện huy động vốn thông qua việc bán hàng trước khi xây dựng (pre-sale) nhằm giảm nhu cầu vốn chủ sở hữu và vốn vay. |
Xét riêng Việt Nam, các thành phố ven biển đang là điểm đến lý tưởng của nhiều thương hiệu quốc tế uy tín. Điển hình như Đà Nẵng với dự án hàng hiệu Le Mériden hay Fusion Resort & Villas. Tập đoàn khách sạn toàn cầu Marriott International đang sở hữu 2 dự án căn hộ cao cấp Ritz-Carlton ở Hà Nội và Grand Marina trong Thành phố Hồ Chí Minh. Thương hiệu này dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động với gần 9.000 phòng khách sạn và căn hộ hàng hiệu đưa vào thị trường trong vòng 4 năm tới.
Không chỉ tập trung vào các thành phố lớn và địa điểm nghỉ dưỡng, nhiều thương hiệu cũng phát triển dự án ở các khu vực vệ tinh. Ví dụ như khu nghỉ dưỡng 5 sao tại Ba Vì do tập đoàn khách sạn Melia quản lý. Lựa chọn này xuất phát từ vị trí địa lý và tâm lý của người dân. Những dự án này sẽ đáp ứng được nhu cầu trải nghiệm du lịch ngắn ngày vào cuối tuần thay vì đặt vé máy bay tới các địa phương khác xa thành phố.
Việt Nam có thể thu hút nhà đầu tư ngoại thông qua ưu đãi từ chính sách hành chính
Về mặt lý thuyết, phân khúc hàng hiệu là sản phẩm mang tính thanh khoản cao với mức lợi nhuận có thể dự báo trước. Điều này là bởi một dự án bất động sản hàng hiệu sẽ đi kèm chất lượng xây dựng đạt tiêu chuẩn cao cùng đội ngũ quản lý và vận hành chuyên nghiệp để đảm bảo giá trị và định vị của sản phẩm.
Chuyên gia Savills chia sẻ rằng tiềm năng của lĩnh vực này tại thị trường Việt Nam nằm chủ yếu ở khách hàng nước ngoài bởi đây là đối tượng khách hàng đã quen thuộc với các thương hiệu quốc tế nên có xu hướng lựa chọn loại sản phẩm này.
Để phân khúc này phát triển mạnh hơn, Việt Nam có thể thu hút nhà đầu tư ngoại thông qua ưu đãi từ chính sách hành chính. Một trong những biện pháp được áp dụng thành công trên quốc tế là chính sách ưu tiên visa dành cho người đã về hưu. Quy định thị thực này sẽ khuyến khích đầu tư liên quan đến du lịch từ những cá nhân ở nước ngoài.
Ngoài ra, quyền sở hữu bất động sản đối với nhà đầu tư ngoại quốc cũng có thể được xem xét để nới lỏng. Theo Nghị định số 99/2015/NĐ-CP, một cá nhân hay tổ chức nước ngoài sẽ chỉ được sở hữu tối đa 30% số căn trong một dự án căn hộ chung cư và 10% số căn đối với dự án nhà ở riêng lẻ. Đây là con số khá nhỏ khi một khu resort thường chỉ có dưới 50 hoặc 100 căn. Điều chỉnh pháp lý sẽ góp phần gia tăng sức hấp dẫn với đầu tư nước ngoài vào các dự án nghỉ dưỡng.
Theo đánh giá của Giám đốc Savills Hà Nội, sự xuất hiện của bất động sản hàng hiệu là dấu hiệu cho sự phát triển tích cực của thị trường Việt Nam. Việc nhiều chủ đầu tư bất động sản quy mô lớn xuất hiện tại Việt Nam thời gian qua là minh chứng rõ nét của sự tiến bộ trong tài năng và chuyên môn của những đơn vị trong nước. Do đó, ông Matthew cho rằng phân khúc hàng hiệu tại Việt Nam sẽ còn ghi nhận những mốc tăng trưởng mới. Thị trường không còn là sân chơi của các thương hiệu, nhà thiết kế quốc tế, mà mở rộng cho cả những đơn vị trong nước. Các kiến trúc sư, nhà đầu tư, phát triển Việt đang có nhiều cơ hội để thể hiện chất lượng thiết kế và xây dựng của bản thân.