Cần có cơ quan thẩm định giá độc lập để chấm dứt tình trạng khai 2 giá trong kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản
PV: Từ rất lâu nay, việc kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản (BĐS) luôn tồn tại 2 giá nhằm trốn thuế, gây thất thoát cho ngân sách nhà nước. Đâu là nguyên nhân, thưa ông?
TS. Nguyễn Minh Phong |
TS. Nguyễn Minh Phong: Hiện tượng khai 2 giá có cả vấn đề lợi ích chủ quan của người mua, người bán, cũng như có nguyên nhân khách quan trong việc khó định giá thị trường. Hiện nay, cơ quan nhà nước chưa đưa ra được khung giá chuẩn nào để định giá, hoặc làm căn cứ để xác định giá của BĐS đó là cao hay thấp. Do đó, việc khai 2 giá này đã tồn tại như một thực tế, giá của Nhà nước bao giờ cũng là giá thấp nhất, vì thế ngay cả khi người mua, người bán khai báo giá thấp thì đây vẫn là theo giá của Nhà nước.
Đặc biệt, hiện nay chúng ta chưa định ra được một khung chế tài đủ răn đe cho việc khai giá không trung thực. Chưa có cơ chế kiểm tra, đấu tranh để người mua, người bán BĐS thấy được việc khai 2 giá là sai và việc gian lận này cần phải được lên án, chấn chỉnh và xử lý nghiêm minh. Bên cạnh đó, trách nhiệm, năng lực về mặt pháp lý của cơ quan chức năng còn mờ nhạt.
PV: Vừa qua, Bộ Tài chính đã có chỉ đạo cơ quan thuế, cũng như có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị chỉ đạo phối hợp để chống thất thu trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng BĐS. Ông đánh giá như thế nào về sự vào cuộc này của Bộ Tài chính?
TS. Nguyễn Minh Phong: Việc Bộ Tài chính đã có chỉ đạo cơ quan thuế, cũng như có công văn gửi chính quyền các địa phương đề nghị phối hợp để chống thất thu ngân sách trong kinh doanh BĐS là đúng và cần thiết, nhưng chưa đủ. Vì đây mới chỉ mang tính khuyến nghị mà chưa có cơ chế để buộc phải phối hợp.
PV: Vậy theo ông, Bộ Tài chính và các địa phương cần phải phối hợp như thế nào để chống được việc thất thu này?
TS. Nguyễn Minh Phong: Theo tôi, ngoài việc khuyến nghị các địa phương phối hợp để chống thất thu thuế, thì rất cần phải có lợi ích đi kèm. Khi trách nhiệm phối hợp đi cùng lợi ích, các cơ quan đơn vị, địa phương được yêu cầu phối hợp sẽ dốc sức nhiều hơn cho công việc và có sự phân công nhiệm vụ cụ thể. Từ đó chúng ta mới dễ quy trách nhiệm và đưa ra được chế tài để giải quyết dứt điểm việc khai giá thấp để trốn thuế trong kinh doanh, chuyển nhượng BĐS.
PV: Để hạn chế và tiến tới chấm dứt hẳn tình trạng khai 2 giá để trốn thuế trong kinh doanh, chuyển nhượng BĐS, ông có hiến kế gì với Chính phủ?
TS. Nguyễn Minh Phong: Tình trạng khai 2 giá chỉ có thể được chấm dứt khi Nhà nước có những cơ quan tư vấn giá, hay cung cấp các dịch vụ tư vấn giá, thẩm định giá cũng như điều tra giá độc lập.
Việc khai 2 giá trong chuyển nhượng bất động sản đã tồn tại nhiều năm qua. |
Hiện nay, Nhà nước vẫn để việc định giá bất động sản cho người mua, người bán (giao dịch thực tế - PV), thì đương nhiên người mua, người bán sẽ thống nhất với nhau khai giá thấp đi để họ được hưởng lợi. Cho nên, nếu như đứng trước hiện tượng mua, bán bất động sản với giá thấp như vậy, các cơ quan thẩm định giá, điều tra giá, kiểm tra giá độc lập của Nhà nước sẽ vào cuộc để tìm ra nguyên nhân và đấu tranh với các hành vi gian lận này.
Do đó theo tôi, việc đưa các cơ quan thẩm định giá, kiểm tra giá độc lập vào cuộc là rất quan trọng và phải được sử dụng như là bên có liên quan trong hoạt động mua, bán. Trừ trường hợp mua bán nội bộ gia đình thì không cần, còn đã là mua bán trên thị trường thì bắt buộc phải có một cơ quan thẩm định giá độc lập để đảm bảo tính khách quan cho BĐS đó.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần có các quy định bổ sung như nghiêm cấm các trường hợp khai giá chênh lệch. Việc chênh lệch giá quá cao phải có chế tài mạnh xử lý (cả về mặt hành chính và mặt tài chính), để cho các bên cảm thấy đủ sức răn đe khiến giảm bớt việc kê khai giá sai, tiến tới chấm dứt hẳn hiện tượng này.
Ngoài ra, các thông tin về giá phải được công bố rộng rãi hoặc định kỳ trên cổng thông tin của các bộ, ban, ngành, địa phương. Đồng thời, chúng ta phải có mức giá chuẩn trong một khu vực nào đó, tại một thời điểm nào đó, làm căn cứ cho các cơ quan chức năng và người mua, người bán biết để thảo luận với nhau, giúp việc kê khai giá sát với thực tế. Nếu không có mức giá chuẩn chung thì chúng ta không thể biết người mua, người bán khai đúng hay khai sai.
Cuối cùng, các cơ quan nhà nước cần phải gia tăng trách nhiệm, phải có biện pháp vừa hỗ trợ, vừa tạo điều kiện, vừa tạo khung pháp lý để cho tất cả các hoạt động trong mua, bán BĐS đi vào khuôn khổ cũng như làm căn cứ để thực hiện.
PV: Xin cảm ơn ông!