Cao Bằng: Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong hoạt động khai thác khoáng sản
Đơn cử, huyện Nguyên Bình là địa phương của tỉnh có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, đa dạng như: quặng sắt, quặng mangan, chì kẽm, quặng thiếc - volfram, khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường… Trên địa bàn huyện Nguyên Bình hiện có 4 mỏ khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường đang trong thời hạn cấp phép; 4 mỏ khoáng sản kim loại quặng sắt được cấp phép.
Ông Đào Nguyên Phong, Chủ tịch UBND huyện Nguyên Bình cho biết: Để quản lý, bảo vệ, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản, hằng năm, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản, BVMT, chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai quyết liệt các biện pháp nhằm kiểm tra, giải tỏa kịp thời các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn huyện. Các khu vực khoáng sản có phạm vi rộng, địa hình phức tạp, huyện Nguyên Bình thành lập, duy trì các tổ thường trực 24/24h bảo vệ khoáng sản chưa khai thác…
Cao Bằng tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp tăng cường quản lý, sử dụng có hiệu quả và bền vững nguồn tài nguyên khoáng sản trên địa bàn. |
Thông tin từ Sở TN&MT Cao Bằng, toàn tỉnh hiện đã đăng ký được 199 điểm khoáng sản, trong đó 45 mỏ khoáng sản có quy mô từ nhỏ đến lớn, 147 điểm biểu hiện khoáng sản và 7 điểm biểu hiện khoáng hóa, các loại khoáng sản như: than nâu, sắt, mangan, antimon, đồng, chì - kẽm, thiếc - volfram, bauxit (nhôm), vàng… Hoạt động khai thác khoáng sản chủ yếu khai thác làm vật liệu xây dựng thông thường, các mỏ khoáng sản chỉ hoạt động cầm chừng, chưa đạt công suất thiết kế khai thác.
Theo đánh giá, các chủ dự án khai thác khoáng sản đã có ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động khai thác, BVMT như: tiến hành ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường trước khi hoạt động khai thác, xây dựng vận hành thử nghiệm các công trình xử lý môi trường, xác nhận hoàn thành công trình BVMT, báo cáo công tác BVMT hằng năm…
Ông Nông Văn Chiêm, Giám đốc Sở TN&MT Cao Bằng cho biết: Nhằm tăng cường công tác quản lý hoạt động khai thác khoáng sản gắn với BVMT, hằng năm, Sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về khoáng sản, BVMT; duy trì kiểm tra, đôn đốc các đơn vị hoạt động khoáng sản thực hiện nghĩa vụ ngân sách theo quy định. Rà soát các công trình xây dựng, yêu cầu các nhà thầu thi công đăng ký khu vực khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ thi công công trình để tránh thất thu các khoản thuế phí liên quan. Phối hợp tổ chức các lớp tập huấn BVMT cho các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh. Tăng cường kiểm tra, thanh tra, phòng ngừa, ngăn chặn các dấu hiệu vi phạm và xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm về hoạt động khai thác khoáng sản, BVMT. Năm 2021, Sở TN&MT Cao Bằng đã tiến hành 17 cuộc thanh tra, kiểm tra, trong đó, lĩnh vực khoáng sản triển khai được 7 cuộc kiểm tra đột xuất, phát hiện và xử lý vi phạm hành chính 660 triệu đồng.
Tuy nhiên, công tác quản lý Nhà nước về hoạt động khai thác khoáng sản và BVMT trên địa bàn tỉnh Cao Bằng vẫn tồn tại nhiều hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu do các khu vực khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã được tiến hành khai thác trong các giai đoạn trước đây, thậm chí cùng một khu vực nhưng đã qua nhiều chủ đầu tư, dẫn tới công tác thống kê, kiểm kê tiềm năng tài nguyên còn lại khó xác định chính xác. Năng lực của nhà đầu tư, trình độ, công nghệ chế biến, giá trị kinh tế, tính tiên tiến trong sử dụng tiết kiệm tài nguyên, BVMT còn kém hiệu quả…
“Các cơ sở khai thác khoáng sản chủ yếu quy mô hoạt động nhỏ, phần lớn trình độ chuyên môn cũng như kiến thức về môi trường của các chủ giấy phép còn hạn chế, nên chưa thực sự chủ động đầu tư, cải tạo công trình hoặc bổ sung thêm các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng BVMT trong quá trình khai thác khoáng sản…”. Giám đốc Sở TN&MT Cao Bằng Nông Văn Chiêm nhận định.
Để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong hoạt động khai thác khoáng sản và BVMT, ngành TN&MT tỉnh Cao Bằng tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải quyết thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp tham gia hoạt động khai thác khoáng sản. Nâng cao chất lượng công tác thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường và công tác kiểm tra, xác nhận thực hiện công trình xử lý chất thải. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác khoáng sản của các doanh nghiệp đúng quy định pháp luật. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp doanh nghiệp không chấp hành hoặc cố tình vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản.../.