Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước: Tháo điểm nghẽn về sắp xếp, xử lý nhà, đất
15 năm không triển khai phương án sắp xếp, xử lý nhà, đất
Đánh giá về nguyên nhân tình trạng này, Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho biết, có lý do lịch sử để lại. Quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng dẫn đến những trường hợp sử dụng nhà, đất chưa đúng quy định rất khó xử lý hoặc việc xử lý mất nhiều thời gian và cần sự phối hợp của nhiều cơ quan, các ngành, các cấp.
Trong khi đó, quy định pháp luật về quản lý tài sản, nhà, đất đối với khối doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và DN có vốn nhà nước chi phối có sự thay đổi, nhất là khi cổ phần hóa DNNN có giai đoạn quy định tính giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị DN; có giai đoạn (như hiện nay) thực hiện theo cơ chế thuê đất, không tính vào giá trị DN. Mặt khác, hồ sơ về đất đai của các DNNN bảo quản qua các thời kỳ chưa được hoàn thiện; có trường hợp bị thất lạc hồ sơ hoặc không có hồ sơ gốc. Việc quản lý cơ sở nhà, đất của DN chưa chặt chẽ, có hiện tượng cho thuê, cho mượn hoặc lấn chiếm, sử dụng không đúng mục đích.
Nguồn: Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam. Đồ họa: Văn Chung |
Các cơ quan, tổ chức, đơn vị, DN thuộc đối tượng sắp xếp lại, xử lý nhà, đất chưa thực hiện đầy đủ trong việc thực hiện sắp xếp nhà, đất và chính sách di dời của Nhà nước, một số địa phương triển khai chậm, một số dự án kéo dài.
Cơ chế, chính sách sắp xếp lại nhà, đất và huy động nguồn lực từ đất đai tương đối đầy đủ, nhưng việc triển khai thực hiện chưa được quan tâm đúng mức. Công tác sắp xếp lại cơ sở nhà, đất của các DNNN còn chậm. Thậm chí có DN 100% vốn nhà nước thuộc đối tượng sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg nhưng hơn 15 năm nay không kê khai báo cáo và triển khai thực hiện, mặc dù Bộ Tài chính đã có nhiều văn bản đôn đốc.
Bên cạnh đó, quy hoạch sử dụng đất chậm được công bố, gây khó khăn cho việc sắp xếp nhà, đất và thực hiện di dời. Một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước chưa quan tâm đúng mức đến việc quản lý nhà, đất nói chung và sắp xếp xử lý nhà, đất nói riêng…
Đây cũng là những khó khăn chính mà một số đơn vị có nhiều đất đai phải sắp xếp gặp phải trong quá trình cổ phần hóa thời gian qua, như Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam, Tập đoàn Cao su Việt Nam… Từ kinh nghiệm thực tế của mình, đã có nhiều bài học kinh nghiệm được các đơn vị rút ra trong quá trình thực hiện.
Bài học kinh nghiệm từ công tác sắp xếp nhà, đất
Với Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam, kinh nghiệm được nêu là thành lập các tổ giúp việc liên quan đến công tác cổ phần hóa của từng cấp. Trong đó, đối với công ty mẹ, tổ giúp việc cổ phần hóa tổng công ty đã lập phương án sử dụng đất đang quản lý phù hợp với quy định và gửi phương án sử dụng đất cùng toàn bộ hồ sơ có liên quan đến UBND tỉnh, thành phố trên địa bàn để xin ý kiến về các lô đất DN sẽ tiếp tục sử dụng sau cổ phần hóa và giá đất làm căn cứ để xác định giá trị DN.
Đối với các công ty con, tổ giúp việc hướng dẫn lập phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa; nội dung phương án làm rõ đất giữ lại; đất bàn giao về địa phương. Hình thức sử dụng đất; thời hạn sử dụng đất; tình hình sử dụng: cho thuê, cho mượn, liên doanh, liên kết, đất có tranh chấp, lấn chiếm, thẩm định và có ý kiến đối với phương án sử dụng đất sau khi cổ phần hóa của các công ty con trước khi đề nghị các tỉnh có văn bản chấp thuận.
Sau khi các tỉnh có văn bản chấp thuận phương án sử dụng đất sau khi cổ phần hóa, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ thẩm định phương án sử dụng đất kèm theo phương án cổ phần hóa trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đối với bước này, nội dung rất quan trọng là chuẩn bị đầy đủ hồ sơ tài liệu các cơ sở pháp lý liên quan đến các thửa đất khi làm cổ phần hóa. Việc trả ra, giữ lại, hay sắp xếp phải có sự đồng thuận trong ban lãnh đạo công ty và thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Đồng thời, tổng công ty cũng thành lập nhiều đoàn công tác, do các cấp lãnh đạo dẫn đầu tới trực tiếp làm việc ở các đơn vị; địa phương để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tại đơn vị, địa phương.
Đối với Tập đoàn Cao su Việt Nam, kinh nghiệm là để bảo đảm tiến độ, trước khi có chủ trương cổ phần hóa cần tiến hành rà soát kỹ lưỡng để khi lập phương án chỉ tập trung vào việc xác định đất giữ lại và trả về địa phương. Đất đai phải được quản lý, rà soát, cập nhật biến động thường xuyên. Với các đơn vị chưa có bộ phận chuyên trách cần có tập huấn, hướng dẫn để có thể tự thực hiện, bởi việc giao khoán cho đơn vị tư vấn cổ phần hóa sẽ rất khó hoàn thành theo tiến độ đề ra. Bên cạnh đó, cần có quan hệ thật chặt chẽ với địa phương, nắm rõ thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở từng thời điểm để tránh phương án phải điều chỉnh nhiều lần.
Bên cạnh những kinh nghiệm, giải pháp này, giải pháp căn cơ được nhiều chuyên gia nhấn mạnh là cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất và chính sách về cổ phần hóa DN.
Trong đó, một đề xuất của Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) là cần sửa quy định về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo hướng sau khi được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt phương án “giữ lại tiếp tục sử dụng” thì việc quản lý, sử dụng nhà, đất thực hiện theo pháp luật về đất đai, pháp luật về DN, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn vào sản xuất kinh doanh của DN và pháp luật khác có liên quan; không thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà đất nhiều lần.
Đồng thời, nhiều ý kiến chuyên gia đề nghị tách việc xác định giá trị quyền sử dụng đất khỏi quy trình cổ phần hóa, thoái vốn tại DN. Sau khi cổ phần hóa, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất (nếu có) phải phù hợp với quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt và thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật khác liên quan./.