Động thái mạnh mẽ của Chính phủ sẽ giúp bất động sản năm 2023 phục hồi, khởi sắc
Động thái mạnh mẽ của Chính phủ sẽ giúp bất động sản năm 2023 phục hồi, khởi sắc. Ảnh: TL |
Nhiều giải pháp lành mạnh hóa thị trường bất động sản
Chia sẻ tại diễn đàn “Dự báo thị trường bất động sản 2023” được tổ chức mới đây tại Hà Nội, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, sau thời điểm tăng nóng ở một số khu vực vào nửa đầu năm 2022, thị trường bất động sản bắt đầu chững lại và sụt giảm mạnh giao dịch trong giai đoạn cuối năm.
Theo Phó Chủ tịch VCCI, nhằm lành mạnh hóa thị trường bất động sản, Chính phủ đã và đang thực hiện nhiều giải pháp ngắn, trung và dài hạn. Theo đó, về giải pháp trung và dài hạn, Nhà nước đang tập trung thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”, đã xác định mục tiêu cụ thể là “đến năm 2023 phải hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và một số luật liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất” để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về pháp lý của thị trường bất động sản.
Đồng thời, Chính phủ cũng đã có Nghị quyết số 156/NQ-CP ngày 6/12/2022, Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 29/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ “Về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững” và Quyết định số 1435/QĐ-TTg ngày 17/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ “Thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp”.
Mới nhất, ngày 14/12/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện 1164/CĐ-TTg về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và phát triển nhà ở. Trong công điện, Thủ tướng yêu cầu rà soát, đề xuất sửa đổi các quy định pháp luật theo thẩm quyền còn chồng chéo, bất cập gây cản trở trong triển khai thực hiện dự án bất động sản. Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo, phối hợp, hướng dẫn các địa phương, ngân hàng thương mại cho vay, giải ngân nhanh chóng, đúng trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng đối với các doanh nghiệp, dự án bất động sản đủ điều kiện theo đúng quy định của pháp luật; ưu tiên cho vay các dự án nhà ở xã hội.
Đại diện lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, những chỉ đạo quyết liệt, kịp thời trên sẽ tạo ra những thay đổi căn bản để phục hồi và phát triển thị trường bất động sản Việt Nam. Ngay sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, qua nắm bắt thông tin từ các doanh nghiệp hội viên Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, tâm lý của doanh nghiệp và thị trường đang dần được phục hồi và vững tâm hơn để vượt qua thách thức. Các doanh nghiệp bất động sản, các doanh nghiệp có liên quan đang tích cực, chủ động cơ cấu lại các phân khúc khách hàng, các sản phẩm, giá cả, thời hạn thanh toán, phương thức thanh toán... phù hợp, khả thi, thuận lợi cho khách hàng, người dân, nhất là những đối tượng có nhu cầu thực sự và có tính khả thi.
Cần phải chuyển từ đầu cơ sang đầu tư
PGS.TS Trần Đình Thiên - chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhấn mạnh: “Trong năm 2023, chúng ta vẫn còn khó khăn nhưng triển vọng là có”. Cơ sở mà ông Thiên đưa ra nhận định này đó là, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng ổn định và giữ ngôi vị cao trong khối ASEAN. Với bệ đỡ này, bất động sản sẽ có diễn biến theo chiều hướng tích cực, có nhiều phân khúc sẽ sáng lên.
Tuy nhiên, PGS.TS Trần Đình Thiên cũng nhấn mạnh, thị trường bất động sản cần phải điều chỉnh, hạn chế đầu cơ, cần phải chuyển đổi từ đầu cơ sang đầu tư. Đầu cơ không xấu, nhưng nếu quá đà thì sẽ tác động tiêu cực đến thị trường địa ốc. Đồng thời, thị trường cũng phải tránh sử dụng đòn bẩy tài chính quá đà. Khi đó, bất động sản mới có tương lai, có độ vững chắc dài hạn tốt hơn.
Ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, dự báo thị trường sẽ có nhiều tín hiệu tích cực dựa trên những triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2023. Ông Hiếu cũng kỳ vọng vào sự phục hồi của thị trường bất động sản năm 2023. Theo ông Hiếu, điều tiên quyết là sớm tháo gỡ nút thắt về pháp lý, vốn, trong đó có trái phiếu doanh nghiệp bất động sản, thậm chí phải có giải pháp mạnh để kích cầu.
Trong khi đó, PGS.TS Trần Kim Chung - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, cho biết thị trường bất động sản là một trong bốn thị trường trọng tâm được Thủ tướng chỉ đạo trong thời gian gần đây. Năm 2023, thị trường bất động sản sang trang mới khi nhiều luật liên quan dự kiến được sửa đổi và thông qua như: Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai; trong đó, rất quan trọng là Luật Đất đai sửa đổi.
Trước những triển vọng tích cực, để thị trường bất động sản tiếp tục phát triển, TS. Trần Kim Chung kiến nghị một số giải pháp như: hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến bất động sản; hoàn thiện các chỉ báo thị trường bất động sản như chỉ số giá đất, chỉ số giá nhà, chỉ số thị trường nhà; tăng cường minh bạch thị trường, huy động các nguồn lực tiềm năng các doanh nghiệp phát triển bất động sản cần hướng đến tính chuyên nghiệp./.