Dự án đường vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh khởi công trong tháng 6/2023
![]() |
Một đoạn dự án đường vành đai 3 đi qua TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: KT |
Đẩy nhanh tiến độ
Dự án vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh có tổng chiều dài hơn 76 km, đoạn đi qua TP. Hồ Chí Minh (47,51 km), Bình Dương (10,76 km), Đồng Nai (11,26 km), Long An (6,81 km). Toàn tuyến Vành đai 3 khi hoàn thành sẽ kết nối 5 tuyến cao tốc hướng tâm, gồm: TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương, TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành, TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài và TP. Hồ Chí Minh - Chơn Thành.
Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 75.378 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách trung ương và địa phương. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2023, hoàn thành đưa vào khai thác từ năm 2026. Dự án đường vành đai 3 được chia làm 8 dự án thành phần, mỗi địa phương thực hiện 2 dự án, gồm xây lắp và giải phóng mặt bằng.
Tuyến đường có quy mô 6-8 làn xe, giai đoạn một sẽ làm trước 4 làn, hai bên xây đường song hành. Yêu cầu đặt ra, việc giải phóng mặt bằng sẽ được thực hiện toàn bộ để tránh tăng kinh phí giải phóng mặt bằng, với chiều rộng 63-120 m, tổng diện tích hơn 642 ha. Ngoài ra, các đơn vị phải hoàn thành khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật - dự toán các gói thầu sẽ khởi công trong tháng 6/2023.
Đối với việc thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật cũng cần thực hiện trước ngày 28/4 để phục vụ công tác thi công vào tháng 6. Bên cạnh đó, công tác lựa chọn nhà thầu phải hoàn thành trước ngày 23/6 để sẵn sàng thi công ngay trong tháng 6/2023.
Theo Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, hiện nay, 4 tỉnh, thành phố có tuyến đường đi qua đã hoàn thành công tác phê duyệt và bàn giao ranh giới giải phóng mặt bằng phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Đối với các dự án thành phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, cả 4 địa phương đã phê duyệt dự án, đã triển khai các công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư; cơ bản hoàn thành công tác cắm mốc, đo vẽ, kiểm kê, đang lập phương án bồi thường.
Cũng theo ông Mãi, hiện TP. Hồ Chí Minh đang chủ động đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương lân cận có mỏ vật liệu chưa sử dụng đến thì chia sẻ với các địa phương để phục vụ dự án.
Khởi công trong tháng 6/2023
Theo kế hoạch mà UBND TP. Hồ Chí Minh mới ban hành, dự án vành đai 3 vẫn giữ nguyên tiến độ khởi công trong tháng 6/2023. UBND thành phố giao Sở Giao thông vận tải phối hợp với các cơ quan chuyên môn và các địa phương liên quan đến vấn đề kỹ thuật chuyên ngành, đảm bảo tính tổng thể, đồng bộ cho toàn dự án.
Ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP. Hồ Chí Minh (TCIP) cho biết, lãnh đạo thành phố đang rất quyết tâm triển khai các phần việc của dự án để tạo bước ngoặt cho kinh tế thành phố.
Hiện các địa phương cũng đã chốt phương án, đang lấy ý kiến người dân. Dự kiến ngày 25/4 sẽ phê duyệt phương án, chi trả cho người dân đợt 1 khoảng 8.000 tỷ đồng để kịp bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư trước 15/6.
Theo ông Phúc, để đẩy nhanh tiến độ dự án, UBND TP. Hồ Chí Minh yêu cầu sở, ban, ngành, quận, huyện khẩn trương, tập trung trong công tác phối hợp, tham gia ý kiến góp ý đối với lĩnh vực phụ trách. “Thành phố cũng chuẩn bị thành lập tổ công tác chuyên trách về mỏ vật liệu xây dựng để rà soát số lượng, trữ lượng mỏ vật liệu xây dựng cùng phương án khai thác mỏ đảm bảo nguồn cung vật liệu để khởi công dự án đường vành đai 3 vào tháng 6 năm 2023” - ông Phúc thông tin.
Sở Tài nguyên và Môi trường được giao chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan trong việc thực hiện các thủ tục liên quan đến công tác thu hồi đất, bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Đặc biệt, Sở Tài nguyên và Môi trường cần phối hợp với các địa phương trong việc khảo sát, điều phối nguồn vật liệu, đảm bảo khả năng cung cấp vật liệu theo tiến độ toàn dự án.
Đối với chủ đầu tư dự án là Ban Quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông thành phố cũng phối hợp với các địa phương để đảm bảo nguồn vật liệu xây dựng cung ứng cho dự án; kịp thời báo cáo khó khăn, vướng mắc cho cấp thẩm quyền xem xét, giải quyết để không ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án. Các địa phương có tuyến vành đai 3 đi qua cần hoàn thành công tác bồi thường, tái định cư và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư theo kế hoạch. Từ đó, góp ý đối với thiết kế kỹ thuật, dự toán các hạng mục công trình thuộc chức năng quản lý trên địa bàn; phối hợp với chủ đầu tư và các đơn vị liên quan phục vụ công tác chuẩn bị khởi công dự án, đảm bảo an toàn, hiệu quả.
Tin cùng chuyên mục

Hà Nội: Đẩy nhanh tiến độ, nâng cao tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công

Yêu cầu nhanh chóng rà soát, phân loại quỹ nhà, đất không sử dụng

Kon Tum: Nhiều giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công

Quý I/2025, Quảng Ninh giải ngân hơn 1.200 tỷ đồng vốn đầu tư công

Tổng kiểm kê tài sản công: Đã hoàn thành giai đoạn kiểm đếm thực tế
Tin khác

Hà Nội: Giải ngân vốn đầu tư công đạt ít nhất 95%

Tiêu chí lựa chọn đối tác liên doanh, liên kết sử dụng tài sản công

TP. Hồ Chí Minh: Làm rõ trách nhiệm các cơ quan, đơn vị không hoàn thành giải ngân đầu tư công

Nhiều bộ, ngành, địa phương gần “về đích” kiểm kê tài sản công

EU sẽ không áp dụng các biện pháp phòng thủ về thuế và phi thuế đối với Việt Nam

Sửa đổi, bổ sung quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công

Kiểm tra công tác tổng kiểm kê tài sản công tại 16 địa phương

Tăng mức phạt vi phạm hành chính để bảo vệ người tiêu dùng

Một số bộ, địa phương thực hiện tốt công tác tổng kiểm kê tài sản công
