Dự kiến sửa đổi, bổ sung 6 nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai
Sửa đổi, bổ sung 6 nghị định
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, 6 nghị định dự kiến sẽ được sửa đổi để phù hợp với thực tiễn hiện nay là: Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai; Nghị định số 44/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về giá đất; Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp; Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 6/1/2017 của Chính phủ quy định sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai; Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư; Nghị định số 148/2020/NĐ-CP ngày 18/12/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai.
Dự kiến sửa đổi, bổ sung 6 nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai |
Đặc biệt, tại Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai, dự thảo sẽ sửa đổi, bổ sung quy định về Tổ chức Phát triển quỹ đất; hoàn thiện quy định về các trường hợp bất khả kháng ảnh hưởng đến tiến độ sử dụng đất của dự án đầu tư và thời điểm để tính gia hạn 24 tháng đối với trường hợp không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ sử dụng đất; bổ sung quy định về đấu giá quyền sử dụng đất; xác định lại đất ở đối với trường hợp thửa đất ở có vườn ao hình thành trước ngày 18/12/1980 nhưng không có giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định; cấp Giấy chứng nhận cho tổ chức trong nước đang sử dụng đất không thuộc trường hợp đất của các công ty nông, lâm nghiệp sau khi được sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động.
Đồng thời, bổ sung quy định về việc chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng là khách sạn, căn hộ - khách sạn, văn phòng lưu trú, biệt thự du lịch nghỉ dưỡng, căn hộ du lịch nghỉ dưỡng, nhà nghỉ du lịch và công trình khác (công trình phục vụ mục đích lưu trú, du lịch) trên đất thương mại, dịch vụ; quản lý, sử dụng đất của các công ty nông, lâm nghiệp sau khi được sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động.
Về đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh; về trình tự, thủ tục thu hồi đất đối với trường hợp chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư; về các tiêu chí cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang mục đích khác; bổ sung làm rõ các loại giấy tờ để thực hiện thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền ở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất cho người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua nhà ở, công trình xây dựng trong các dự án kinh doanh bất động sản không phải là dự án phát triển nhà ở…
Nhiều giải pháp gỡ khó trong thi hành Luật Đất đai thời gian qua
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Luật Đất đai năm 2013 được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/7/2014. Để tổ chức thi hành Luật, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu xây dựng và trình Chính phủ ban hành 25 Nghị định (trong đó, có 16 Nghị định ban hành mới, 7 Nghị định sửa đổi, bổ sung và 2 Nghị định ban hành thay thế). Đồng thời, các bộ, ngành đã ban hành 59 Thông tư, Thông tư liên tịch, trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì ban hành 46 Thông tư. Việc ban hành kịp thời, đồng bộ và khá đầy đủ các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai thi hành, góp phần đưa Luật Đất đai đi vào cuộc sống.
Thời gian qua, trên cơ sở phản ánh, kiến nghị của các địa phương, người dân và doanh nghiệp về các khó khăn vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành Luật Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tập trung nghiên cứu, xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định số 148/2020/NĐ-CP ngày 18/12/2020 sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, ban hành theo thẩm quyền Thông tư số 09/2021/TT-BTNMT ngày 30/6/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đất đai. Các văn bản quy phạm pháp luật này đã góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc tổ chức thi hành Luật Đất đai trong thời gian qua.
Song song với quá trình xây dựng dự án Luật Đất đai sửa đổi, thực hiện chủ trương chung của Chính phủ về tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các địa phương, người dân và doanh nghiệp, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục chỉ đạo các cơ quan có liên quan rà soát các quy định của pháp luật đất đai để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về đất đai để tiếp tục tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành trong khi chờ sửa đổi toàn diện Luật Đất đai./.