Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Cần có cơ quan định giá đất độc lập tránh tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”
Bỏ khung giá đất
Điều 113, Luật Đất đai 2013 quy định: Chính phủ ban hành khung giá đất định kỳ 5 năm một lần đối với từng loại đất, theo từng vùng. Trong thời gian thực hiện khung giá đất mà giá đất phổ biến trên thị trường tăng từ 20% trở lên so với giá tối đa hoặc giảm từ 20% trở lên so với giá tối thiểu trong khung giá đất thì Chính phủ điều chỉnh khung giá đất cho phù hợp.
Điểm mới trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), bỏ quy định khung giá đất của Chính phủ. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), quá trình thực hiện thời gian qua cho thấy khung giá đất không theo kịp biến động giá đất trong thực tế, chưa điều chỉnh kịp thời, biên độ quá rộng. Một số địa phương đề nghị cho phép ban hành bảng giá đất vượt khung giá, có địa phương đề nghị bỏ khung giá đất.
Bỏ khung giá đất. Ảnh: TL |
Đối với việc xác định giá đất trong bảng giá đất theo giá thị trường, theo Bộ TN&MT, hiện nay, theo Luật Đất đai 2013, việc xây dựng bảng giá đất phải dựa vào khung giá đất.
Còn theo Khoản 1 Điều 130 dự thảo luật sửa đổi, việc xây dựng bảng giá đất được dựa trên những căn cứ sau: nguyên tắc, quy chuẩn, phương pháp định giá đất; giá đất phổ biến trên thị trường; biến động giá đất.
Đối với việc thay đổi thời hạn ban hành bảng giá đất, Bộ TN&MT cho biết, hiện nay, bảng giá đất được xây dựng định kỳ 5 năm một lần và công bố công khai vào ngày 1 tháng 1 của năm đầu kỳ.
Tại Khoản 1 Điều 130 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định bảng giá đất được xây dựng định kỳ hàng năm và công bố công khai vào ngày 1 tháng 1 của năm.
Thay đổi căn cứ điều chỉnh bảng giá đất, theo đại diện Bộ TN&MT, trong thời gian thực hiện bảng giá đất, khi giá đất phổ biến trên thị trường có biến động thì UBND cấp tỉnh điều chỉnh bảng giá đất cho phù hợp. Đây là quy định tại Khoản 1 Điều 130 của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Còn hiện nay, căn cứ để điều chỉnh bảng giá đất bao gồm là: khi Chính phủ điều chỉnh khung giá đất; hoặc giá đất phổ biến trên thị trường có biến động.
Bổ sung trường hợp sử dụng bảng giá đất, theo Khoản 3, Điều 130 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), bảng giá đất được sử dụng để làm căn cứ trong các trường hợp sau đây:
Tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước: công nhận quyền sử dụng đất ở của hộ gia đình, cá nhân đối với phần diện tích trong hạn mức; cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở đối với phần diện tích trong hạn mức giao đất ở cho hộ gia đình, cá nhân.
Tính thuế sử dụng đất: trong trường hợp tính thuế thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất; tính tiền sử dụng đất tăng thêm đối với những trường hợp chậm đưa đất vào sử dụng, không đưa đất vào sử dụng (quy định mới bổ sung); tính phí và lệ phí trong quản lý, sử dụng đất đai; tính tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; tính tiền bồi thường cho Nhà nước khi gây thiệt hại trong quản lý và sử dụng đất đai; tính giá trị quyền sử dụng đất để trả cho người tự nguyện trả lại đất cho Nhà nước, đối với trường hợp đất trả lại là đất Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất có thu tiền sử dụng đất, đất thuê trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê; tính giá khởi điểm đối với trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất, cho thuê đất cho hộ gia đình, cá nhân (quy định mới bổ sung).
Cần quy định rõ cơ quan định giá đất
Đáng chú ý, khoản 1 Điều 131 về giá đất cụ thể đang được các chuyên gia, dư luận xã hội quan tâm và cho rằng, dự thảo luật cần quy định rõ cơ quan định giá đất cấp tỉnh là cơ quan nhà nước cụ thể nào: phòng định giá đất của sở tài nguyên và môi trường hay sở tài chính?
Bình luận về nội dung khoản 1 Điều 131 của dự thảo luật, PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến - Trường Đại học Luật Hà Nội, cho rằng cần quy định cơ quan quản lý giá đất độc lập với chính quyền để tránh tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.
Cần quy định rõ cơ quan định giá đất. Ảnh: TL |
PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến cũng cho rằng, với nội dung quy định của khoản 1 Điều 131 thì dự thảo luật vẫn chưa có sự đổi mới về cơ chế xác định giá đất cụ thể. Về cơ bản, quy định về xác định giá đất cụ thể vẫn kế thừa khoản 3 Điều 114 của Luật Đất đai năm 2013.
PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến phân tích điều này có nguyên nhân như: Luật Đất đai năm 2013 trao cho UBND cấp tỉnh nhiều quyền năng như có quyền giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; có quyền chuyển mục đích sử dụng đất; có quyền thu hồi đất và có quyền quyết định giá đất cụ thể làm căn cứ để tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người bị thu hồi đất… Điều này khó tránh khỏi tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” trong thu hồi đất và xác định giá đất cụ thể để bồi thường cho người bị thu hồi đất.
Hội đồng thẩm định giá chưa đảm bảo sự độc lập, theo như tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW. Bởi với quy định như tại khoản 1 Điều 131 của dự thảo luật thì Chủ tịch UBND cấp tỉnh là chủ tịch hội đồng thẩm định giá; thành viên là đại diện của cơ quan, tổ chức có liên quan, tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất.
Nhìn vào thành phần của hội đồng thẩm định giá cho thấy, phần lớn là đại diện của các cơ quan, tổ chức công; chỉ có một cơ quan có hiểu biết chuyên sâu về xác định giá đất là tổ chức tư vấn xác định giá đất. Thông thường, một nguyên tắc chung của bất kỳ lại hội đồng nào là làm việc tập thể, quyết định theo đa số. Vậy với cơ cấu và thành phần nêu trên thì liệu có đảm bảo tính độc lập của hội đồng thẩm định giá hay không?
Góp ý sửa đổi nội dung khoản 1 Điều 131 của dự thảo luật theo quan điểm của Nghị quyết số 18-NQ/TW, PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến cho hay, cơ quan quản lý giá đất cấp tỉnh (độc lập với UBND cấp tỉnh) quyết định giá đất cụ thể. Cơ quan quản lý giá đất cấp tỉnh được thuê tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất để tư vấn xác định giá đất cụ thể.
Hội đồng thẩm định giá đất gồm người đứng đầu cơ quan quản lý giá đất cấp tỉnh làm chủ tịch và đại diện của cơ quan, tổ chức có liên quan, tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất./.