Gỡ nút thắt để thị trường bất động sản phục hồi, phát triển
PV: Chính phủ đã ban hành liên tiếp hai văn bản là Nghị định 08/2023/NĐ-CP (08) và Nghị quyết số 33/NQ-CP (33), với nhiều quy định mà theo nhận định chung, bất động sản (BĐS) sẽ là ngành kinh tế hưởng lợi đầu tiên. Theo ông, các giải pháp của Chính phủ sẽ hỗ trợ ra sao cho thị trường BĐS?
Ông Lê Hoàng Châu |
Ông Lê Hoàng Châu: Nghị quyết 33 của Chính phủ đã đánh giá chính xác tình hình thị trường BĐS hiện nay, xác định cụ thể các khó khăn, vướng mắc chủ yếu, chỉ rõ các nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan làm suy yếu thị trường BĐS cả nước nói chung, TP. Hồ Chí Minh nói riêng trong thời gian vừa qua.
HoREA cho rằng, điều quan trọng nhất là Chính phủ đã đề ra các quan điểm và mục tiêu để xây dựng, phát triển thị trường BĐS an toàn, lành mạnh, bền vững, gắn bó hữu cơ với sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế đất nước.
Theo đó, nghị quyết của Chính phủ đã chỉ đạo tổng thể các giải pháp rất đúng, rất trúng và giao nhiệm vụ rất cụ thể cho từng bộ, ngành, chính quyền cấp tỉnh và chỉ rõ trách nhiệm của các doanh nghiệp (DN) BĐS theo quan điểm: “Tất cả các chủ thể có liên quan phải đề cao trách nhiệm; chung tay tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, công khai, minh bạch và bền vững”.
PV: Nghị định số 08 được đánh giá là giải pháp kịp thời giúp giải quyết các khó khăn cho trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), trong đó có rất nhiều đơn vị phát hành là DN BĐS. Quan điểm của ông về các quy định mới này thế nào?
Ông Lê Hoàng Châu: Nghị định 08 vừa tháo gỡ được vướng mắc, khó khăn, vừa xác định lộ trình xây dựng thị trường TPDN theo hướng minh bạch, lành mạnh, an toàn, bền vững và trở thành kênh huy động vốn xã hội hóa trung, dài hạn quan trọng của nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực BĐS.
Cụ thể, Nghị định 08 là căn cứ pháp lý để DN phát hành trái phiếu thực hiện đàm phán với nhà đầu tư trái phiếu (trái chủ), nhất là nhà đầu tư cá nhân về kéo dài kỳ hạn của trái phiếu trong thời gian tối đa không quá 2 năm. Hoặc thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác trên cơ sở thỏa thuận tự nguyện, tuân thủ quy định của pháp luật dân sự và bảo vệ quyền lựa chọn của trái chủ thiểu số, kể cả trường hợp việc thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu đã được người sở hữu trái phiếu đại diện từ 65% tổng số trái phiếu trở lên chấp thuận.
Gỡ nút thắt về tài chính, thanh khoản bất động sản sẽ tăng. |
Quy định việc đàm phán đòi hỏi sự thiện chí, chân thành và tinh thần hợp tác của cả hai bên, DN phát hành trái phiếu và trái chủ vì sự tồn tại của DN và vì quyền lợi của trái chủ. Trước hết là tạo điều kiện và cơ hội để DN phục hồi sản xuất kinh doanh, tiếp tục làm ra tiền để trả nợ trái chủ; đồng thời trái chủ cũng thể hiện sự đồng hành với DN trên tinh thần thấu hiểu và chia sẻ trong lúc khó khăn.
Đặc biệt, Nghị định 08 chỉ quy định “tạm ngưng hiệu lực thi hành” đến hết ngày 31/12/2023. Do vậy, các DN, trong đó có DN BĐS phải rất nỗ lực để tái cấu trúc DN, tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu sản phẩm theo hướng phát triển các phân khúc nhà ở đáp ứng nhu cầu thực, có tính thanh khoản cao như nhà ở giá vừa túi tiền...
PV: Vậy theo ông, những vấn đề nào đang được cộng đồng DN BĐS quan tâm nhất hiện nay?
Ông Lê Hoàng Châu: Vốn, tín dụng, TPDN là vấn đề được các DN BĐS TP. Hồ Chí Minh và cả nước đặc biệt quan tâm trong thời điểm hiện nay. Như tôi đã nói ở trên, các vấn đề này đã được Chính phủ thấu hiểu và giải quyết khó khăn cho DN bằng Nghị định 08 và Nghị quyết 33 mới ban hành.
Đặc biệt, với việc triển khai chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng dành cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ vay với lãi suất trong thời gian ưu đãi thấp hơn 1,5 - 2% so với lãi suất cho vay trung dài hạn bình quân của các ngân hàng thương mại nhà nước… được xem như là hành động "gỡ nút thắt" cho bước đi phục hồi, phát triển thị trường BĐS trong thời gian tới.
Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư dự án BĐS, người mua nhà tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Các ngân hàng tiếp tục dành vốn tín dụng cho các dự án BĐS đủ điều kiện pháp lý, có khả năng tiêu thụ sản phẩm và đảm bảo kế hoạch trả nợ, nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở phù hợp với thu nhập của người dân và các loại hình bất động sản phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh… Điều này cũng được xem là cơ hội lớn cho hàng nghìn tổ chức, cá nhân tại thời điểm này.
Trong thời gian tới, HoREA và cộng đồng DN BĐS tại TP. Hồ Chí Minh ý thức và cam kết tích cực tham gia thực hiện thắng lợi Nghị định 08 và Nghị quyết 33 của Chính phủ. Hầu hết các DN BĐS tại TP. Hồ Chí Minh đều cho rằng, đây thực sự là cơ hội lớn cho thị trường BĐS phát triển lành mạnh, phục hồi nhanh và bền vững trong thời gian tới.
PV: Xin cảm ơn ông!