Hai kịch bản tăng trưởng cho 6 tháng cuối năm 2023
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cập nhật kịch bản tăng trưởng quý III và cả năm nay. Ảnh: TL |
Nhiều chỉ tiêu, chỉ số quan trọng đã có bước tăng trưởng
Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương và phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 6/2023 diễn ra sáng 4/7, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, mặc dù còn rất nhiều khó khăn, nhất là tác động của tình hình thế giới, nhưng tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam đã dần chuyển biến tích cực. Nhiều chỉ tiêu, chỉ số quan trọng đã có bước tăng trưởng.
Cụ thể, GDP quý II ước tăng 4,14% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,25%, đóng góp 8,53% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 2,50%, đóng góp 23,63%; khu vực dịch vụ tăng 6,11%, đóng góp 67,84%.
Tính chung 6 tháng, GDP tăng 3,72%, thấp hơn kịch bản đề ra là 6,2%. Mức tăng tuy thấp, nhưng đã thấy xu hướng tháng sau cao hơn tháng trước, quý II cao hơn quý I, góp phần cải thiện kết quả chung của cả 6 tháng đầu năm, tạo đà cho các tháng tiếp theo.
Cùng với đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng tăng 3,29% so với cùng kỳ, tiếp tục xu hướng giảm, tạo điều kiện tập trung điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ phục vụ thúc đẩy tăng trưởng. Thu ngân sách nhà nước 6 tháng ước đạt 54% dự toán; kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu, nhập khẩu tháng 6 tiếp tục xu hướng tăng so với tháng trước, ước lần lượt tăng 3,6%, 4,5%, 2,6%. 6 tháng ước xuất siêu 12,25 tỷ USD, trong khi cùng kỳ năm trước là 1,2 tỷ USD. Đầu tư có dấu hiệu tích cực hơn, ước đạt 1,35 triệu tỷ đồng, tăng 4,7% so với cùng kỳ.
Nhiều địa phương thuộc vùng động lực quan trọng đã có mức tăng GRDP quý II cao hơn như TP. Hồ Chí Minh tăng 5,9%, Bình Dương tăng 5,7%, Đồng Nai tăng 4,8%, Bắc Giang tăng 13,8%...
Tình hình đăng ký doanh nghiệp có tích cực hơn, với 13.900 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 6; gần 7.100 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, gấp 3,1 lần so với cùng kỳ.
Bên cạnh những kết quả tích cực này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ ra, khó khăn, thách thức đặt ra còn rất lớn, tạo rủi ro, sức ép lên công tác điều hành tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn về ngân sách nhà nước, đầu tư, tiêu dùng, lao động - việc làm, an sinh xã hội…
Khả năng chống chịu của các doanh nghiệp trong nước, sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 còn yếu. “Hoạt động sản xuất - kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn; sức chống chịu của nhiều doanh nghiệp đã tới hạn, việc duy trì hoạt động và tranh thủ cơ hội thị trường gặp nhiều thách thức, tác động không nhỏ đến thu ngân sách nhà nước” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay.
Theo Bộ trưởng, nhìn chung, các doanh nghiệp đều gặp khó khăn về thị trường, dòng tiền, nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng, phải thu hẹp quy mô sản xuất, giảm sản lượng. Trong khi đó, chi phí vốn vẫn ở mức cao, tiếp cận vốn khó khăn.
Mục tiêu tăng trưởng 6,5% cả năm nay là thách thức lớn
Trên cơ sở dự báo bối cảnh, tình hình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cập nhật kịch bản tăng trưởng quý III và cả năm nay.
Theo đó, ở kịch bản 1, tăng trưởng cả năm dự kiến đạt 6%; tăng trưởng quý III đạt 6,8%, quý IV đạt 9% (cao hơn lần lượt 0,3 điểm % và 1,9 điểm % so với kịch bản tại Nghị quyết số 01). Với kịch bản này, tính chung 6 tháng cuối năm tăng trưởng phải đạt 8,0%.
Kịch bản 2, tăng trưởng cả năm dự kiến đạt 6,5%; tăng trưởng quý III đạt 7,4%, quý IV đạt 10,3% (cao hơn lần lượt 0,9 điểm % và 3,2 điểm % so với kịch bản tại Nghị quyết số 01), tính chung 6 tháng cuối năm tăng trưởng phải đạt 8,9%.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% cả năm nay là thách thức lớn, cần sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, của Chính phủ, doanh nghiệp và nhân dân cả nước, phát huy hiệu quả mọi chính sách, nguồn lực, tận dụng tối đa các cơ hội.
Trong các giải pháp để thực hiện kế hoạch từ nay đến cuối năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các bộ, địa phương cần tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp, thúc đẩy các động lực tăng trưởng về tiêu dùng trong nước, đầu tư, xuất khẩu.
Các thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, lao động phải được theo dõi chặt chẽ tình hình, xử lý vướng mắc, hoàn thiện quy định, để các thị trường này trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả cho doanh nghiệp.
Đặc biệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị khẩn trương báo cáo cấp có thẩm quyền quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; tăng cường kiểm tra, giám sát, có chế tài xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa ngay các quy định, thủ tục hành chính gắn với tăng cường phân cấp, phân quyền, bảo đảm công khai, minh bạch, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp.
“Cần có các giải pháp chỉ đạo, điều hành quyết liệt, chủ động, phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ hơn, tạo thành tác động cộng hưởng, phát huy tối đa hiệu quả các chính sách, nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, tranh thủ mọi cơ hội, tận dụng thời gian để phục hồi tăng trưởng, thực hiện các giải pháp trong trung và dài hạn như tăng trưởng xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn...” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị./.