Hàng trăm nghìn tỷ đồng thuế, phí hỗ trợ đến doanh nghiệp và người dân mỗi năm
Giãn, giảm, gia hạn hàng loạt loại thuế, phí, lệ phí
Bộ Tài chính cho biết, trong năm 2020, để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định cũng như ban hành theo thẩm quyền các chính sách thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất. Theo đó, thực hiện gia hạn thời hạn nộp thuế (thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và tiền thuê đất cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19; giảm thuế TNDN phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác; tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2025; nâng mức giảm trừ gia cảnh của thuế TNCN qua đó giảm nghĩa vụ thuế của cá nhân...
Ngoài ra, thực hiện giảm mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với nhiên liệu bay đến hết ngày 31/12/2020; giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết ngày 31/12/2020; thực hiện miễn thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng để phục vụ việc phòng chống dịch bệnh như khẩu trang y tế, nguyên liệu để sản xuất khẩu trang, nước rửa tay sát trùng...; giảm thuế nhập khẩu đối với một số nhóm mặt hàng...
Việc giảm thuế góp phần hỗ trợ doanh nghiệp giảm áp lực với những khó khăn do dịch bệnh. Ảnh: TL |
Tổng giá trị hỗ trợ năm 2020 khoảng 129 nghìn tỷ đồng, trong đó: số tiền được gia hạn khoảng 97,5 nghìn tỷ đồng; số tiền được miễn, giảm khoảng 31,5 nghìn tỷ đồng.
Sang năm 2021, nhiều chính sách tài khóa tiếp tục được thực hiện, như: tiếp tục giảm mức thu hơn 30 loại phí, lệ phí (trong đó có phí sử dụng đường bộ) từ ngày 1/1/2021 đến hết ngày 31/12/2021 (trong đó, quy định xe kinh doanh vận tải thuộc doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã kinh doanh vận tải tạm dừng lưu hành liên tục từ 30 ngày trở lên thuộc đối tượng không chịu phí sử dụng đường bộ trong thời gian tạm dừng lưu hành).
Trước tình hình diễn biến hết sức phức tạp của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, Bộ Tài chính đã khẩn trương: trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 27/2021/QĐ-TTg giảm 30% tiền thuê đất phải nộp của năm 2021 cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19; trình Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 quy định các giải pháp về miễn, giảm thuế thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
Tính chung các giải pháp thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã được ban hành, thực hiện năm 2021 sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân với số tiền khoảng 145 nghìn tỷ đồng, trong đó số được gia hạn khoảng 120 nghìn tỷ đồng; số được miễn, giảm khoảng 25 nghìn tỷ đồng.
Tiếp tục hỗ trợ lớn trong năm 2022
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, để góp phần tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không và trên cơ sở hiệu quả tích cực của việc thực hiện giải pháp giảm thuế BVMT đối với nhiên liệu bay từ 1/8/2020 đến nay, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 13/2021/UBTVQHQH15 quy định giảm 50% mức thuế BVMT đối với nhiên liệu bay từ ngày 1/1/2022 đến hết ngày 31/12/2022. Dự kiến số giảm thu thuế BVMT đối với nhiên liệu bay là khoảng 1.440 tỷ đồng, từ đó làm giảm thu ngân sách nhà nước (bao gồm thuế GTGT, thuế BVMT) là khoảng 1,6 nghìn tỷ đồng.
Giảm thu ngân sách khoảng 51,4 nghìn tỷ đồng từ miễn, giảm thuế
Dự kiến các chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 sẽ tác động giảm thu ngân sách nhà nước của năm 2022 khoảng 51,4 nghìn tỷ đồng. Trong đó, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng là khoảng 49,4 nghìn tỷ đồng; thực hiện chi phí được trừ đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động, phòng, chống dịch Covid-19 là khoảng 2 nghìn tỷ đồng. |
Tiếp tục hỗ trợ người dân trong năm 2022, Bộ Tài chính đã có báo cáo, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ tiếp tục thực hiện việc giảm các khoản phí, lệ phí trong năm 2022 và đã ban hành Thông tư số 120/2021/TT-BTC ngày 24/12/2021 quy định giảm mức thu 37 khoản phí, lệ phí. Dự kiến số giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 1.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trước những khó khăn, tác động sâu rộng của dịch Covid-19 và không để lỡ nhịp với đà phục hồi kinh tế của khu vực và thế giới, ngày 11/1/2022 Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đó, giảm 2% thuế suất thuế GTGT trong năm 2022, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phâm hóa chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Nghị quyết số 43/2022/QH15 cũng cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với khoán chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam cho kỳ tính thuế năm 2022.
Ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết, Bộ Tài chính đã rất khẩn trương nghiên cứu, xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/2/2022) quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 nêu trên.
Số tiền thuế được hỗ trợ sẽ góp phần giúp doanh nghiệp, tổ chức và người dân vượt qua khó khăn do tác động của dịch Covid-19 phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, đồng thời có tác dụng kích thích tiêu dùng, đầu tư qua đó đóng góp vào kết quả khôi phục lại nên kinh tế của đất nước sau dịch bệnh và góp phần thực hiện an sinh xã hội.
Chính sách đã vào cuộc sống
Được biết, trong số 4 giải pháp mới được ban hành với tổng giá trị hỗ trợ gần 20 nghìn tỷ đồng thì có 3 giải pháp về miễn, giảm thuế lần đầu được áp dụng kể từ khi dịch Covid-19 xảy ra. Để các giải pháp này nhanh chóng đi vào cuộc sống, đến ngay với các đối tượng gặp khó khăn cần hỗ trợ, Bộ Tài chính khẩn trương trình Chính phủ ban hành nghị định ban hành với trình tự thủ tục rút gọn, có hiệu lực cùng với thời điểm có hiệu lực của nghị quyết.
Những gói hỗ trợ tài khóa trong hơn 2 năm qua đã đi vào cuộc sống. Minh chứng là nền kinh tế đã có tăng trưởng trở lại và thu ngân sách nhà nước đã được cải thiện do doanh nghiệp phục hồi, có đóng góp vào nguồn thu. Qua trao đổi với TBTCVN, một số đại biểu Quốc hội, các chuyên gia kinh tế và đại diện một số hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp đã đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, Bộ Tài chính trong suốt hơn 2 năm qua.
Các gói hỗ trợ tài khóa do chiếm phần lớn trong tổng gói hỗ trợ nên luôn được đánh giá là “đặc biệt ấn tượng” đối với doanh nghiệp. Cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận những quyết sách đúng đắn, nhanh chóng của Chính phủ, Bộ Tài chính với các gói hỗ trợ lên tới hàng trăm tỷ đồng. Theo ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các nhóm giải pháp về thuế, phí, tiền thuê đất được doanh nghiệp đánh giá cao vì dễ tiếp cận. Bộ Tài chính đã hết sức nỗ lực trong việc liên tục rà soát và đề xuất các chính sách trình các cấp ban hành theo thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền các chính sách thuế, phí, lệ phí hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Nhiều chính sách miễn, giảm thuế được thực hiện cho đến hết năm 2022.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, về lâu dài, các chính sách hỗ trợ chỉ góp phần vào khả năng chống chọi của doanh nghiệp, không làm thay được doanh nghiệp, nên không phải hỗ trợ là doanh nghiệp nào cũng vượt qua. Vấn đề là ở năng lực nội tại của chính bản thân các doanh nghiệp và khả năng phục hồi của nền kinh tế. |