"Hiến kế" thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển bền vững
Hội thảo có sự tham dự của GS. TS. Nguyễn Thị Cành - Cố vấn khoa học, Trung tâm nghiên cứu kinh tế và tài chính, Trường Đại học Kinh tế Luật TP. Hồ Chí Minh; ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TP. Hồ Chí Minh; ông Nguyễn Đức Lập - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo BĐS; cùng đại diện đến từ Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh, một số ngân hàng, doanh nghiệp kinh doanh BĐS; các nhà nghiên cứu, nhà khoa học đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu.
Về phía UFM, có sự tham dự của PGS. TS. Hồ Thủy Tiên - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường; PGS. TS. Phạm Tiến Đạt - Hiệu trưởng; TS. Nguyễn Văn Hiến - Phó Hiệu trưởng cùng lãnh đạo phòng, khoa, viện, trung tâm và các cán bộ giảng viên thuộc Trường.
Tháo gỡ vướng mắc để thị trường phát triển lành mạnh
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS. TS. Phạm Tiến Đạt cho rằng, một thị trường BĐS phát triển bền vững sẽ mang lại nguồn lực tài chính vô cùng to lớn cho nền kinh tế - xã hội nói chung và cho thu ngân sách nhà nước nói riêng. Trong giai đoạn vừa qua, Bộ Tài chính đã có những quyết sách đúng đắn, kịp thời liên quan đến quản lý, khai thác nguồn thu, nuôi dưỡng nguồn thu từ BĐS. Vấn đề đặt ra là làm sao đưa giá chuyển nhượng BĐS tuân thủ nguyên tắc thị trường và đảm bảo tính trung thực, hợp lý, không để ngân sách thất thu.
PGS. TS. Phạm Tiến Đạt, Hiệu trưởng UFM phát biểu khai mạc hội thảo |
Theo báo cáo của Tổng cục Thuế cũng như cục thuế các địa phương, trong 4 tháng đầu năm 2022, nguồn thu thuế từ hoạt động kinh doanh BĐS đã gia tăng. Tuy nhiên, sự phát triển nội tại của thị trường BĐS, nhất là sự tăng giá BĐS một cách bất thường, đặc biệt ở các địa phương mà thu nhập của người dân không cao, cho thấy thị trường này chưa có tính bền vững lâu dài. Chính vì vậy, ban tổ chức cũng mong muốn thông qua hội thảo, trên cơ sở các tham luận để tìm ra những giải pháp nhằm góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách giúp thị trường BĐS phát triển lành mạnh, bền vững cũng như tăng cường sự quản lý, điều tiết của Nhà nước từ Trung ương đến địa phương.
Tham luận tại hội thảo, ông Lê Hoàng Châu cho rằng, thị trường BĐS phải hướng tới 4 mục tiêu: minh bạch, lành mạnh, ổn định và bền vững. Điều đó có lợi cho nền kinh tế đất nước và có lợi cho người dân. Đối với thị trường BĐS Việt Nam, vấn đề hàng đầu là giải quyết nhu cầu nhà ở cho số đông người dân trong xã hội, người có thu nhập thấp. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất của thị trường BĐS trong thời gian vừa qua chính là thể chế pháp luật chưa bộ. Theo đó, ông Châu kiến nghị cần có giải pháp tháo gỡ về thể chế pháp luật, kiến tạo môi trường đầu tư lành mạnh cho sự phát triển của thị trường này.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.Hồ Chí Minh chia sẻ tham luận “Thực trạng thị trường bất động sản tại Việt Nam và giải pháp thúc đẩy phát triển bền vững”. |
Rà soát lại khung giá đất sát thị trường, chống thất thu
Theo GS. Nguyễn Thị Cành, chính sách tác động đến nguồn thu nhiều nhất là định giá đất. Giá đất của Nhà nước hiện nay chưa phù hợp và sát với giá đất thị trường. Do đó, cần rà soát lại khung giá đất và điều chỉnh có tính định kỳ hoặc đột xuất phù hợp hơn, bám sát diễn biến quan hệ cung cầu thị trường.
Còn PGS. TS. Nguyễn Thị Mỹ Linh - Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Tài chính - Ngân hàng (Trường UFM) đã đưa ra một số đề xuất về đổi mới chính sách thuế đối với BĐS, thay đổi cơ cấu thu thuế, trong đó tăng thuế đối với tài sản là điều cần thiết. Ngoài ra, bà Linh cũng đề xuất nên bổ sung một số loại thuế hiện nay mà thị trường Việt Nam còn thiếu như thuế thu từ nhà ở, bổ sung sắc thuế giá trị đất tăng thêm hay sát nhập 2 thuế sử dụng đất nông nghiệp và thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thay thế lệ phí trước bạ bằng luật thuế đăng ký tài sản cho phù hợp thực tiễn…
Về thị trường, TS. Nguyễn Văn Thuận - Trưởng Khoa Thuế - Hải quan (Trường UFM) có có một số kiến nghị như cần điều chỉnh lại dòng tiền vào BĐS để thị trường phát triển bền vững hơn; công tác quy hoạch đất đai, bên cạnh đảm bảo pháp lý, cũng phải được công bố công khai, minh bạch.
PGS. TS. Hồ Thủy Tiên phát biểu tổng kết tại hội thảo. |
Hội thảo cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp, trao đổi từ các nhà khoa học, nhà quản lý đến từ doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu, đặc biệt quan tâm đến vấn đề đất đai như quy hoạch đất, xác định giá đất, sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Theo TS. Phan Chung Thủy, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh: “Các chính sách đưa ra không chỉ đáp ứng nhu cầu của thị trường mà còn phải bảo tồn vấn đề về môi trường. Trong các quy định, thể chế trong tương lai cần lắng nghe hơn nữa kênh từ phía nhà đầu tư, người dân với nhu cầu thực sự về BĐS của họ, như nhu cầu về bảo toàn giá trị, nhu cầu về đầu tư, gia tăng giá trị cho cá nhân, hộ gia đình…”.
Còn theo PGS. TS. Hồ Thủy Tiên, để phát triển thị trường BĐS cần nhiều chính sách. Giá BĐS để tính thuế hiện nay cũng còn bất cập, chưa sát giá thị trường, khó có căn cứ xác định giá phù hợp để tính thuế? Chính vì không xác định rõ, dẫn tới tính nghiêm minh của pháp luật không được thực thi, không công bằng cho các chủ thể, không đảm bảo được nguồn thu, do đó cần xem xét lại phù hợp.
Ngoài ra, cũng cần xem xét lại chính sách tín dụng cho thị trường BĐS, đảm bảo thị trường phát triển ổn định và bền vững. Về nguồn nhân lực cho thị trường, PGS.TS. Hồ Thủy Tiên cho biết, trường sẽ lưu ý đào tạo nhân lực về lĩnh vực BĐS để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo. |
Trong phần phát biểu tổng kết hội thảo, PGS. TS. Hồ Thủy Tiên - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường cho biết, Hội thảo “Giải pháp thúc đẩy thị trường BĐS Việt Nam phát triển bền vững” được tổ chức mang tính cấp thiết, kịp thời và có ý nghĩa với nhiều ý kiến được trao đổi trực tiếp từ các chuyên gia, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước,…
Ban Tổ chức sẽ nghiên cứu, tổng hợp báo cáo khuyến nghị chính sách gửi đến các cơ quan quản lý Nhà nước, trước hết là Bộ Tài chính để có thêm cơ sở lý luận, thực tiễn trong công tác quản lý, xây dựng, triển khai các chính sách phát triển bền vững thị trường BĐS ở Việt Nam. |