Thị trường bất động sản: Chuyển mình cho một chu kỳ hồi phục phát triển trong năm 2024?
Từng bước tháo gỡ khó khăn thị trường bất động sản năm 2024. Ảnh: TL |
Nhu cầu tìm kiếm mua nhà thời điểm này cũng tăng thêm 6%
Bước vào giai đoạn cuối năm 2023, thị trường bất động sản (BĐS) vẫn đối diện với nhiều thách thức, khi cả nguồn cung và tỷ lệ hấp thụ tiếp tục giảm sâu so với năm 2022 (giảm khoảng 66%). Tuy nhiên nhu cầu tìm kiếm mua nhà thời điểm này cũng tăng thêm 6% so với cùng kỳ năm 2022, kéo theo đó tỷ lệ thanh khoản sản phẩm trong quý IV đã tăng nhẹ so với 2 quý trước đó, khoảng 25% so với 15% của 2 quý trước, nhưng đánh giá một cách tổng thể, thị trường BĐS vẫn gặp rất nhiều khó khăn.
Theo Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), có thể nhìn nhận một số khó khăn chính của thị trường BĐS trong năm 2023 gồm: Các luật sửa đổi, bổ sung liên quan đến BĐS: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Đầu tư... cho có hiệu lực thi hành, trong đó Luật Đất đai (sửa đổi) chưa được Quốc hội thông qua; Cơ cấu sản phẩm tiếp tục có sự chênh lệch lớn, phân khúc nhà ở bình dân thiếu hụt, trong khi phân khúc cao cấp đang thừa hàng trăm triệu mét vuông sàn; 70 – 80% doanh nghiệp kinh doanh BĐS gặp khó khăn về vốn đầu tư, do ngân hàng siết chặt điều kiện cho vay, cùng với đó là niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường bị giảm sút, khiến việc huy động vốn ứng trước để triển khai dự án bị thiếu hụt, khiến nguồn cung sản phẩm bị giảm sút nghiêm trọng; Giá nhà ở không ngừng leo thang, cũng chính vì lý do này cùng với việc khó tiếp cận nguồn vốn vay từ nên ngay cả những người dân có nhu cầu mua nhà cũng phải tạm gác lại kế hoạch.
Tuy nhiên, trong năm này Chính phủ tích cực triển khai thực hiện các giải pháp hỗ trợ thị trường: giảm mặt bằng lãi suất cho vay, ổn định thị trường ngoại hối, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, triển khai các gói tín dụng hỗ trợ các ngành, trong đó có lĩnh vực BĐS như việc miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của thị trường trái phiếu doanh nghiệp…
“Riêng lĩnh vực BĐS đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hàng loạt chính sách, nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, đặc biệt là về pháp lý và giải pháp thúc đẩy thị trường đã có hiệu quả nhất định, nhiều vướng mắc, khó khăn từng bước được tháo gỡ, tình hình thị trường có những chuyển biến theo chiều hướng tích cực. Nhưng cũng phải nhìn nhận khách quan là vẫn phải theo dõi diễn biến và khó khăn cần tiếp tục tháo gỡ” – Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường BĐS Hoàng Hải nói.
Quý II/2024 khi nguồn cung và thanh khoản chưa có tăng trưởng đột biến
Đánh giá một cách tổng thể, trong năm 2023 thị trường BĐS đã trải qua nhiều khó khăn, tình trạng này được dự báo sẽ tiếp diễn ít nhất đến quý II/2024 khi nguồn cung và thanh khoản chưa có tăng trưởng đột biến. Từ đầu quý IV/2023 trên thị trường đã xuất hiện nhiều nhà đầu tư xuống tiền để “bắt đáy”, cùng với đó là việc ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, xu hướng giảm sẽ tiếp tục kéo dài trong thời gian tới nên đã tạo thêm động lực để nhà đầu tư tham gia thị trường.
“Một trong những nhân tố quan trọng nhất là trong năm 2023 này hàng loạt các dự án đầu tư công trọng điểm như các tuyến đường vành đai trong đô thị, cao tốc, cảng hàng không... được đưa vào triển khai; kinh tế vĩ mô duy trì ổn định và lạm phát được kiểm soát, sẽ có tác động tích cực giúp thị trường BĐS hồi phục, tăng trưởng trở lại. Vì vậy, thời điểm hiện tại được xem là phù hợp để nhà đầu tư quay trở lại thị trường” – Giám đốc bộ phận dịch vụ tư vấn và phát triển dự án (DKRA Group) Võ Hồng Thắng nhận định.
Cùng chung quan điểm, chuyên gia tài chính ngân hàng TS Cấn Văn Lực cho rằng, bước sang năm 2024 thị trường BĐS vẫn phải đối với với những thách thức như: sức cầu yếu; những rủi ro liên quan đến tỷ giá, chứng khoán sẽ chịu nhiều sức ép hơn trước đây; đầu tư công có sự tăng trưởng tốt nhưng chưa thể tạo đột phá; Về nguồn vốn thì doanh nghiệp vẫn sẽ khó khăn do thị trái phiếu phục hồi chậm; Cùng với đó là vấn đề liên quan đến pháp lý khi quá trình cải cách chính sách còn chậm so với nhu cầu phát triển thực tế.
“Năm 2023 các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh BĐS phải đối diện với một áp lực lớn đó là đáo hạn trái phiếu, trong bối cảnh nguồn vốn vay bị kiểm soát chặt chẽ, huy động từ nhà đầu tư hết sức hạn chế. Nhưng đến thời điểm cuối năm thì thị trường đã vượt qua những thách thức lớn nhất, bước sang năm 2024 với việc các chính sách hỗ trợ có độ thấm tốt hơn, lãi suất cho vay từ ngân hàng tiếp tục được điều chỉnh theo chiều hướng giảm, sẽ giúp cho thị trường BĐS diễn biến theo chiều hướng tốt hơn” – TS Cấn Văn Lực cho hay.