Hòa Bình: Thu hàng tỷ đồng từ xử lý nhà đất dôi dư sau sáp nhập
Sát sao rà soát, xây dựng phương án sắp xếp lại
Số liệu từ Sở Tài chính tỉnh Hòa Bình cho thấy, toàn tỉnh có 106 xã, phường, thị trấn trong danh sách sáp nhập, theo Nghị định 167/2017/NĐ- CP của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công (TSC).
Tỉnh Hòa Bình đã yêu cầu các đơn vị thực hiện sắp xếp trụ sở làm việc đảm bảo các nguyên tắc, theo tiêu chuẩn, định mức, phù hợp với tình hình thực tế tại cơ sở; đảm bảo hoạt động cho cán bộ, ưu tiên trụ sở có diện tích rộng, vị trí trung tâm, giao thông thuận tiện để tạo thuận lợi cho người dân đến giao dịch, có điều kiện phát triển trong tương lai.
Đối với các trụ sở dôi dư, không có nhu cầu sử dụng, trên cơ sở đề xuất của UBND các huyện, thành phố, Ban chỉ đạo sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của tỉnh có trách nhiệm tham mưu, báo cáo UBND tỉnh quyết định phương án xử lý cụ thể.
Bà Nguyễn Thị Huệ - Trưởng phòng Quản lý giá và công sản - Sở Tài chính Hòa Bình cho biết, tính đến ngày 20/9/2021, trên địa bàn tỉnh có 77 cơ sở nhà đất sau khi rà soát, sắp xếp lại dôi dư, không có nhu cầu sử dụng đã được UBND tỉnh phê duyệt phương án sắp xếp. Trong đó, có 9 cơ sở nhà đất dôi dư không có nhu cầu sử dụng, được đề xuất phương án điều chuyển và 68 cơ sở nhà đất dôi dư không có nhu cầu sử dụng đề xuất phương án bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Tính đến ngày 20/9/2021, toàn tỉnh Hòa Bình có 12 cơ sở nhà đất đã hoàn thành việc bán đấu giá, với giá trúng đấu giá trên 73 tỷ đồng, tăng gần 19 tỷ đồng so với giá khởi điểm.
Hiện có 18 cơ sở nhà đất đã phê duyệt giá khởi điểm, đang thực hiện các trình tự, thủ tục thuê tổ chức có chức năng bán đấu giá theo quy định, với giá khởi điểm được phê duyệt gần 383 tỷ đồng. 5 cơ sở nhà đất đã trình UBND tỉnh phê duyệt giá khởi điểm, với giá đề nghị gần 27 tỷ đồng và 33 cơ sở nhà đất đã có quyết định phê duyệt danh mục bán, chuyển nhượng đang làm thủ tục thuê tổ chức tư vấn thẩm định giá để xác định giá khởi điểm.
Hòa Bình thu về cho ngân sách nhiều tỷ đồng từ xử lý nhà đất dôi dư sau sáp nhập. Ảnh minh họa |
Không để lãng phí đất
Bà Nguyễn Thị Huệ cho biết, công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quản lý, sử dụng, xử lý TSC sau khi sắp xếp các đơn vị hành chính đang được tỉnh Hòa Bình triển khai khẩn trương và quyết liệt.
Tuy nhiên, để không còn những trụ sở bị bỏ hoang, lãng phí và để tăng thu cho ngân sách từ chính những TSC này, lãnh đạo tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền và Sở Tài chính rà soát lại tài sản nhà nước không còn nhu cầu sử dụng, tài sản là quỹ đất do các huyện, xã quản lý (bao gồm cả tài sản, quỹ đất do giải thể, sáp nhập, chuyển địa điểm, sắp xếp lại trụ sở làm việc…) để thu hồi tạo quỹ đất sạch đấu giá thực hiện các dự án đầu tư theo quy hoạch, tạo nguồn thu cho NSNN, không để lãng phí đất.
Sở Tài chính Hòa Bình đã ban hành công văn hướng dẫn với việc bán TSC trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo hình thức đấu giá đối với tài sản là nhà, đất, công trình và các tài sản khác gắn liền với cơ sở nhà, đất dôi dư của các cơ quan, đơn vị cấp huyện, cấp xã sau khi sáp nhập.
Mới đây nhất, ngày 16/6/2021, Sở Tài chính Hòa Bình đã tiếp tục ban hành công văn về quản lý, xử lý các cơ sở nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước của các cơ quan, đơn vị cấp huyện, cấp xã sau khi sáp nhập; đồng thời ban hành kế hoạch thực hiện việc bán đấu giá tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với các cơ sở nhà, đất của của các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh quản lý trên địa bàn tỉnh năm 2021.
Theo đó, Sở Tài chính Hòa Bình đã đề nghị UBND các huyện, thành phố tiếp tục rà soát, xây dựng phương án sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà, đất là trụ sở làm việc của các phòng, ban chuyên môn, các xã, phường, thị trấn, nhà văn hóa khu dân cư, trung tâm học tập cộng đồng sau khi sáp nhập chưa đề xuất phương án xử lý hoặc đã đề xuất nhưng chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt./.