Hơn 550 doanh nghiệp bất động sản giải thể trong 5 tháng đầu năm 2023
554 doanh nghiệp bất động sản giải thể
Theo báo cáo mới nhất từ Tổng cục Thống kê, trong 5 tháng đầu năm 2023, số lượng doanh nghiệp bất động sản thành lập mới chỉ có 1.744 doanh nghiệp, giảm 61,4% (so với cùng kỳ năm trước). Trong khi đó, số doanh nghiệp bất động sản giải thể là 554 đơn vị, tăng tới 30,4%.
Theo Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Nguyễn Hoàng Hải, từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp bất động sản phản ánh gặp nhiều khó khăn, thách thức trong hoạt động kinh doanh.
Hiện nhiều doanh nghiệp phải thay đổi phương án kinh doanh, quản lý; trong đó, phần lớn doanh nghiệp phải tái cơ cấu nợ, tái cơ cấu hoạt động kinh doanh, thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động... Thậm chí, nhiều doanh nghiệp dừng triển khai các dự án mới, dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn. Có doanh nghiệp giảm đến 50% lực lượng lao động để ứng phó với điều kiện khó khăn hiện tại.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp bất động sản tiếp tục phải đối mặt với hàng loạt khó khăn lớn hiện nay như: khó tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, phát hành trái phiếu và huy động vốn của khách hàng dẫn đến doanh nghiệp thiếu vốn phải giãn tiến độ, dừng triển khai dự án.
Mặc dù lãi suất điều hành giảm nhưng vẫn ở mức doanh nghiệp khó tiếp cận. Cùng với đó, tỷ giá ngoại tệ, giá xăng dầu, giá vật liệu xây dựng biến động dẫn đến chi phí của doanh nghiệp cũng bị tăng cao, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
Hiện nay, một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản đang thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh; phải tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động; dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án; dừng triển khai các dự án mới; dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn; dừng IPO. Thậm chí, có tập đoàn giảm từ 30 - 50% lực lượng lao động...
Tập trung vào sản phẩm, phân khúc phục vụ nhu cầu ở thật
Để tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, ngày 27/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Công điện 469/CĐ-TTg, trong đó yêu cầu các bộ, ngành và địa phương phải coi đây là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng cần tập trung giải quyết theo nguyên tắc: vướng mắc thuộc thẩm quyền của cấp nào thì cấp đó phải giải quyết.
Ông Nguyễn Chí Thanh - Phó Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam, cho rằng hành động và chỉ đạo của Chính phủ là rất đúng đắn, thể hiện sự đồng hành của Chính phủ với doanh nghiệp trong lúc khó khăn.
Để thị trường bất động sản vượt qua khó khăn, các chuyên gia cho rằng, bên cạnh các giải pháp hỗ trợ từ Chính phủ, trong giai đoạn này, các nhà phát triển bất động sản cần tái cấu trúc sản phẩm, tập trung vào phân khúc phục vụ nhu cầu ở thật, giữ uy tín và cam kết để tạo lập niềm tin với nhà đầu tư và người mua.
Nhằm tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã ký văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương trong tỉnh về việc tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Trong đó, UBND tỉnh Thái Nguyên giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị có liên quan căn cứ các quy định của pháp luật huy động các tổ chức, chuyên gia (nếu cần thiết) để định giá đất đai theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh nếu để xảy ra chậm trễ, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện các dự án đầu tư.
Trường hợp có vướng mắc kịp thời tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh có văn bản gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường để được hướng dẫn, giải quyết kịp thời.
Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan căn cứ các quy định của pháp luật: rà soát, đôn đốc, tham mưu UBND tỉnh gia hạn theo quy định của pháp luật về đầu tư đối với các trường hợp chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư đã quá thời hạn do nguyên nhân khách quan theo Luật Đầu tư, hoàn thành trước 30/6/2023...
Ngoài ra, UBND tỉnh Thái Nguyên cũng giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan: tham mưu đối với các dự án bất động sản đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, tỉnh đã phê duyệt quy hoạch chi tiết nhưng chưa được cập nhật, bổ sung vào quy hoạch phân khu, quy hoạch chung, quy hoạch tinh thì rà soát, thực hiện điều chỉnh các quy hoạch theo thẩm quyền và đúng quy định của pháp luật để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của các cấp độ quy hoạch, không hợp thức hóa các sai phạm dẫn đến tham nhũng, tiêu cực.
Cùng với Thái Nguyên, hầu hết các địa phương cũng đang rốt ráo vào cuộc rà soát, tổng hợp các dự án, tổng hợp báo cáo tháo gỡ, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh./.