Kinh tế duy trì đà phục hồi, thu ngân sách khả quan
Thu ngân sách khả quan
Trình bày báo cáo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết, kết quả thực hiện nhiệm vụ NSNN năm 2022 đạt khả quan hơn so với báo cáo đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, hoàn thành toàn diện các mục tiêu đề ra, góp phần tích cực vào việc hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KTXH).
Cụ thể, dự toán thu NSNN năm 2022 là 1.411,7 nghìn tỷ đồng, báo cáo Quốc hội ước đạt 1.614,1 nghìn tỷ đồng. Đến nay, thực hiện đạt 1.815,5 nghìn tỷ đồng, tăng 403,8 nghìn tỷ đồng (28,6%) so với dự toán, tăng 201,4 nghìn tỷ đồng so với báo cáo Quốc hội. Tỷ lệ huy động vào NSNN đạt 19,1% GDP, riêng từ thuế và phí đạt 15,4% GDP.
Số thu nội địa tăng so với báo cáo Quốc hội, theo Chính phủ, chủ yếu từ 3 khu vực kinh tế (tăng gần 80,5 nghìn tỷ đồng). Bên cạnh đó, một số khoản thu có mức tăng lớn như: thuế thu nhập cá nhân (tăng 17,3 nghìn tỷ đồng); thu phí, lệ phí (tăng 15,1 nghìn tỷ đồng); thu khác ngân sách (tăng 10,5 nghìn tỷ đồng); thu tiền cho thuê đất, thuê mặt nước (tăng 7,4 nghìn tỷ đồng).
Nguyên nhân chủ yếu do những tháng cuối năm kinh tế vẫn duy trì được đà phục hồi, các doanh nghiệp thu nộp ngân sách tăng. Giá dầu vẫn duy trì ở mức cao, các tập đoàn, tổng công ty đẩy mạnh khai thác, chế biến kinh doanh dầu khí, góp phần tăng thu ngân sách trong lĩnh vực này.
Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Văn Chung |
Về chi NSNN, dự toán chi là 1.816 nghìn tỷ đồng, báo cáo Quốc hội ước đạt 2.035,4 nghìn tỷ đồng. Căn cứ các nhiệm vụ chi NSNN năm 2022 đến hết thời gian chỉnh lý quyết toán và các nhiệm vụ chi chuyển nguồn sang năm 2023, đánh giá thực hiện chi NSNN năm 2022 ước đạt 2.158,1 nghìn tỷ đồng, tăng 342,1 nghìn tỷ đồng (+18,8%) so với dự toán, tăng 122,7 nghìn tỷ đồng so với báo cáo Quốc hội.
Trong đó, chi đầu tư phát triển ước đạt 638,1 nghìn tỷ đồng, tăng 80,6 nghìn tỷ đồng (+14,5%) so dự toán, giảm 25,1 nghìn tỷ đồng so báo cáo Quốc hội. Chi trả nợ lãi đạt 94,8 nghìn tỷ đồng, đảm bảo thanh toán đầy đủ, kịp thời các nghĩa vụ nợ đến hạn theo cam kết, giảm 8,9 nghìn tỷ đồng so dự toán, giảm 4,9 nghìn tỷ đồng so báo cáo Quốc hội.
Chi thường xuyên đạt gần 1.101,9 nghìn tỷ đồng, giảm 9,3 nghìn tỷ đồng (-0,8%) so dự toán, giảm 17,4 nghìn tỷ đồng so báo cáo Quốc hội. Khoản này giảm, theo Chính phủ, chủ yếu do điều hành chặt chẽ, cắt giảm, hủy dự toán các khoản chi chưa thực sự cần thiết, hoặc chưa triển khai, hạn chế tối đa việc chuyển nguồn sang năm sau…
Về bội chi, theo dự toán bội chi NSNN năm 2022 là 404,3 nghìn tỷ đồng (4,3% GDP), báo cáo Quốc hội ước đạt 421,3 nghìn tỷ đồng (bao gồm cả tăng bội chi cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế). Kết quả thực hiện đạt khoảng 342,6 nghìn tỷ đồng, bằng 3,6% GDP thực hiện, giảm 61,7 nghìn tỷ đồng so dự toán.
Bội chi giảm song vẫn đảm bảo nguồn lực cho chương trình phục hồi
Nhìn chung, Chính phủ đánh giá kết quả thu NSNN không những bù đắp số giảm thu do thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân (chưa có trong dự toán) mà còn vượt so với dự toán, qua đó đảm bảo nguồn lực cho chương trình phục hồi, tăng chi đầu tư phát triển; thực hiện các nhiệm vụ cấp bách phát sinh. Đồng thời, tiếp tục tích lũy dành nguồn thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Trung ương.
Chi NSNN được quản lý chặt chẽ, cắt giảm các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai; triệt để tiết kiệm, giảm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, nâng cao kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu quả hoạt động thu, chi NSNN, quản lý, sử dụng tài sản công.
Tỷ lệ nợ công/GDP giảm cách xa mức trần quy định
Tính đến hết ngày 31/12/2022, dư nợ công còn khoảng 38% GDP, dư nợ chính phủ khoảng 34,7% GDP, dư nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 36,8% GDP, thấp hơn nhiều các trần quy định (tương ứng là 60% GDP, 50% GDP và 50% GDP; ngưỡng cảnh báo tương ứng là 55% GDP, 45% GDP và 45% GDP). |
Bội chi giảm so với dự toán và báo cáo, nhưng vẫn bảo đảm được nguồn lực cho chương trình phục hồi và bố trí kế hoạch vốn đầu tư cho 5 dự án đường bộ cao tốc được chuyển từ vay về cho vay lại, bảo lãnh chính phủ thành vốn cấp phát NSNN của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) và Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI), theo nghị quyết của Quốc hội.
Cùng với đó, nợ công giảm và thấp hơn mức trần ngưỡng cảnh báo theo nghị quyết của Quốc hội, tiếp tục cơ cấu bền vững nợ công.
Bên cạnh đó, Chính phủ đã chủ động điều hành, giảm mức phát hành trái phiếu Chính phủ so với kế hoạch đầu năm phù hợp với tiến độ thu, chi NSNN và sử dụng hiệu quả ngân quỹ nhà nước. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, nhất là trong các lĩnh vực thuế, hải quan, Kho bạc Nhà nước…
4 tháng đầu năm, tổng chi ngân sách ước thực hiện hơn 500 nghìn tỷ đồng
Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về tình hình thực hiện dự toán NSNN 4 tháng đầu năm 2023, Chính phủ cho biết dự toán NSNN năm 2023 được Quốc hội quyết định với: tổng số thu là 1.620,7 nghìn tỷ đồng, tổng số chi là 2.076,2 nghìn tỷ đồng; bội chi NSNN là 455,5 nghìn tỷ đồng (4,42%GDP).
Căn cứ nhiệm vụ thu, chi NSNN năm 2023 được Thủ tướng Chính phủ giao, các bộ, cơ quan trung ương đã thực hiện phân bổ, giao dự toán NSNN năm 2023 cho các đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc. HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã quyết định dự toán thu cân đối NSNN trên địa bàn là 1.851,4 nghìn tỷ đồng, tăng 3,51% (56,3 nghìn tỷ đồng) so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao; chi cân đối ngân sách địa phương (không bao gồm các khoản chi từ nguồn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương) là 1.105,2 nghìn tỷ đồng, tăng 8,3% (84,8 nghìn tỷ đồng) so với dự toán Thủ tướng giao.
Trong 4 tháng đầu năm, tổng thu NSNN đạt 632,5 nghìn tỷ đồng, bằng 39% dự toán, giảm 6,9% so cùng kỳ năm 2022.
Chính phủ đã trình UBTVQH ban hành Nghị quyết số 30/2022/UBTVQH15 ngày 30/12/2022 về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, áp dụng từ ngày 1/1/2023 đến hết ngày 31/12/2023 (tác động làm giảm thu khoảng 38 nghìn tỷ đồng, chưa được tính trong dự toán thu NSNN năm 2023).
Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 01/2023/QĐ-TTg về việc giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2022 cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; số giảm sẽ được cấn trừ vào số phải nộp năm 2023 (tác động làm giảm thu NSNN khoảng 3.500 tỷ đồng); trình Chính phủ ban hành Nghị định số 12/2023/NĐ-CP về việc gia hạn thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023 (tác động làm giảm thu trong thời gian gia hạn khoảng 110 nghìn tỷ đồng).
Đồng thời, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ đề xuất giảm 2% mức thuế suất thuế GTGT để kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy phục hồi hoạt động sản xuất - kinh doanh. Theo đó, xây dựng dự án Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8% (dự kiến thực hiện chính sách trong 6 tháng cuối năm tác động giảm thu NSNN khoảng 35 nghìn tỷ đồng).
Tổng chi NSNN 4 tháng ước đạt 500,3 nghìn tỷ đồng, bằng 24,1% dự toán, tăng 6,1% so cùng kỳ năm 2022, trong đó: Chi đầu tư phát triển đạt 15,2% dự toán Quốc hội, tăng 15,6%; chi trả nợ lãi đạt 33% dự toán, giảm 3,3%; chi thường xuyên đạt 30,3% dự toán, tăng 4,5% so cùng kỳ năm 2022.
Cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo. Tính đến ngày 30/4/2023, đã thực hiện phát hành 139,7 nghìn tỷ đồng trái phiếu chính phủ, với kỳ hạn bình quân 12,26 năm, lãi suất bình quân 3,93%/năm. |