Kinh tế phục hồi góp phần tăng thu ngân sách
Chủ động vượt mọi khó khăn để tăng thu ngân sách
Trong thực hiện dự toán thu ngân sách nhà nước (NSNN), Bộ Tài chính đã chỉ đạo đẩy mạnh quản lý thu, cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, phấn đấu tăng thu ở những địa bàn, lĩnh vực có điều kiện, cũng như quyết liệt xử lý thu hồi nợ đọng thuế. Nhờ đà tăng trưởng của nền kinh tế từ những tháng cuối năm 2020, một số ngành, lĩnh vực được hưởng lợi từ chính sách nới lỏng về tài khóa, tiền tệ như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản... tạo thêm nguồn thu cho NSNN, thu NSNN năm 2021 đã đạt và vượt dự toán 16,4%.
Nhớ lại năm 2021 với bộn bề nhiều thách thức do dịch bệnh gây ra, cùng với đó phải thực hiện nhiều gói chính sách tài khóa hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn thu ngân sách, nhưng Bộ Tài chính luôn chuẩn bị tâm thế sẵn sàng, chủ động vượt qua mọi khó khăn với tinh thần trách nhiệm cao nhất để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng. Tăng trưởng kinh tế được cải thiện, số thu vượt ngân sách ở thời điểm cuối năm là minh chứng các chính sách đã đi đúng hướng.
Nguồn: Standard Chartered Đồ họa: Hồng Vân |
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, phát triển kinh tế trong 2 tháng đầu năm 2022 nhiều thuận lợi, hỗ trợ cho tăng trưởng GDP quý I có thể đạt 5 - 5,5%. Có ý kiến cho rằng, tốc độ tăng trưởng GDP sẽ cải thiện dần và đạt đỉnh vào quý III/2022 do quý III/2021 tăng trưởng âm.
TS. Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV dự đoán, tháng 2 tăng trưởng kinh tế tiếp tục đà phục hồi khá nhanh, dự báo GDP quý I/2022 tăng khoảng 5 - 5,5% so với cùng kỳ năm trước. Vị chuyên gia này cho biết ông có thể tự tin về mức tăng trưởng nêu trên dựa trên cơ sở cơ bản là làn sóng dịch Covid-19 dần được kiểm soát.
Nhiều yếu tố hậu thuẫn để đưa tăng trưởng kinh tế cao nhờ dư địa mở rộng chính sách tài khóa còn khá lớn và có phần thuận lợi hơn chính sách tiền tệ nhờ bội chi và nợ công vẫn trong tầm kiểm soát và thấp hơn các nước trong khu vực; quy mô hỗ trợ tài khóa thời gian qua còn khá khiêm tốn; các cân đối lớn (bội chi, nợ công, nghĩa vụ trả nợ/thu NSNN, lạm phát…) vẫn trong ngưỡng an toàn. Đây chính là các yếu tố quan trọng để ngành Tài chính phấn đấu tiếp tục thu đạt và vượt dự toán NSNN trong năm 2022.
Bức tranh kinh tế với những gam màu sáng
Theo TS. Đinh Trọng Thịnh, Chính phủ đã đúng đắn khi thực hiện ưu tiên trước hết vẫn phải bảo đảm an toàn phòng chống dịch, nhưng đã đưa ra các điều kiện an toàn và lộ trình phù hợp để mở cửa trở lại nền kinh tế. Doanh nghiệp quay trở lại sản xuất, kinh doanh, sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế phục hồi. Theo TS. Đinh Trọng Thịnh, gói hỗ trợ về chính sách tài khóa, tiền tệ được cho là động thái quyết liệt của Quốc hội, Chính phủ, bơm thêm tiền thúc đẩy sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.
“Thực tế, thời gian qua, bên cạnh chống dịch quyết liệt, Chính phủ đã và đang khẩn trương xây dựng, ban hành các chương trình kế hoạch lớn đa dạng, mục tiêu là dồn các nguồn lực bao gồm cả ngân sách để tạo cú hích mạnh giúp phục hồi kinh tế. Các gói hỗ trợ liên quan đến giảm thuế, tiền thuê đất, các chương trình giảm lãi vay, giãn, hoãn nợ, theo tinh thần “hài hoà lợi ích” của Chính phủ sẽ giúp doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung sớm phục hồi” - TS. Đinh Trọng Thịnh nhận định.
Theo các chuyên gia kinh tế, có thể mường tượng các “bước đi” đúng đắn và thận trọng của Chính phủ theo ba giai đoạn: Giai đoạn dịch bệnh bùng phát; giai đoạn mở cửa lại nền kinh tế; giai đoạn phục hồi và xây dựng sức chống chịu của nền kinh tế. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hiện nay, việc tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh là điều cực kỳ quan trọng bảo đảm khôi phục kinh tế và phục hồi niềm tin của các nhà đầu tư.
Dù trước mắt còn nhiều khó khăn, nhưng dự báo năm 2022 sẽ mở ra một “bức tranh” kinh tế với nhiều gam màu sáng. Theo dự đoán của giới chuyên gia, về trung và dài hạn, với “cú hích” là gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế chưa từng có, bắt đầu thực hiện từ đầu tháng 2 cho đến hết năm, các doanh nghiệp sẽ tận dụng môi trường kinh doanh thuận lợi, bắt đầu quá trình phục hồi và bứt phá.
Cải thiện môi trường kinh doanh thúc đẩy phục hồi kinh tế và gia tăng sức chống chịu sau khủng hoảng được nhắc đến nhiều và đây sẽ là những mục tiêu ưu tiên của Quốc hội, Chính phủ trong thời gian tới. Bởi vì, một môi trường kinh doanh thuận lợi có ý nghĩa quan trọng đối với sức chống chịu lâu dài của nền kinh tế và giúp phục hồi nhanh chóng sau khủng hoảng./.