Long An: Đặt mục tiêu phát triển hàng nghìn ha đất sạch để phát triển kinh tế-xã hội
Long An: Đặt mục tiêu phát triển hàng nghìn ha đất sạch để phát triển kinh tế-xã hội. Ảnh: Minh họa |
Theo đó, giai đoạn từ nay đến năm 2025, Long An tập trung giải quyết dứt điểm các dự án bồi thường còn tồn đọng; phấn đấu hoàn thành bồi thường, giải phóng mặt bằng khoảng 4.000 ha đất để phát triển kinh tế-xã hội.
Trong đó, tập trung vào các dự án thuộc chương trình đột phá, công trình trọng điểm của tỉnh, các dự án tạo quỹ đất sạch và phát triển khu công nghiệp, khu đô thị mới.
Giai đoạn từ 2026-2030, tỉnh phấn đấu hoàn thành bồi thường, giải phóng mặt bằng tối thiểu 5.000 ha đất để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững.
Tỉnh ủy Long An xác định công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư là nhiệm vụ quan trọng, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị.
Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư phải được thực hiện chính xác, đúng quy định pháp luật, đảm bảo tính công bằng, minh bạch, đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của nhà nước, người dân và nhà đầu tư...
Tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận của người bị thu hồi đất; tăng cường quản lý nhà nước về đất đai và tiếp nhận đầu tư; nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm sai phạm trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng…
Theo Tỉnh ủy Long An, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, thời gian qua, công tác này tại một số địa phương trong tỉnh triển khai còn chậm, quỹ đất sạch tạo ra chưa đáp ứng yêu cầu đầu tư hạ tầng, xây dựng công trình công cộng và phát triển kinh tế-xã hội.
Trên địa bàn còn nhiều dự án vướng mắc về bồi thường, giải phóng mặt bằng nhiều năm nhưng chưa được giải quyết dứt điểm, gây bức xúc cho nhà đầu tư, người bị thu hồi đất và ảnh hưởng đến công tác thu hút đầu tư của tỉnh.
Bên cạnh đó, công tác tái định cư chưa được quan tâm đúng mức, tình trạng người bị thu hồi đất khiếu nại, khiếu kiện còn diễn ra. Công tác quản lý đất đai còn nhiều yếu kém như việc cập nhật, chỉnh lý bản đồ địa chính chưa kịp thời, đo đạc, kê biên, lập phương án đền bù còn sai sót…/.