Ngân sách trung ương hỗ trợ các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long 4 nghìn tỷ đồng phòng, chống sạt lở
Theo đó, ngân sách trung ương đã chi từ dự phòng 6,96 nghìn tỷ đồng, trong đó hỗ trợ 4 nghìn tỷ đồng cho các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long để phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển; 1,88 nghìn tỷ đồng hỗ trợ các địa phương để phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 phòng, chống dịch bệnh khác; chi hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất ở vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh…
Về chi ngân sách nhà nước (NSNN), theo Bộ Tài chính, tổng chi cân đối NSNN tháng 10 ước đạt 118 nghìn tỷ đồng. Luỹ kế chi 10 tháng đạt khoảng 1.357,6 nghìn tỷ đồng, bằng 65,4% dự toán, tăng 11,4% (so cùng kỳ năm 2022).
Ảnh: T.L |
Trong đó, chi đầu tư phát triển ước đạt khoảng 401,9 nghìn tỷ đồng, bằng 55,3% dự toán Quốc hội quyết định, bằng 56,84% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tăng 35%.
Trong 10 tháng qua, các nhiệm vụ chi ngân sách được thực hiện theo dự toán, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn, đảm bảo kinh phí phòng, chống dịch, các nhiệm vụ chi an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng hưởng lương, lương hưu và trợ cấp xã hội từ ngân sách trung ương.
Bên cạnh đó, đã chủ động nguồn thực hiện tăng lương tối thiểu (từ 1.490.000 đồng/tháng lên 1.800.000 đồng/tháng) cho các đối tượng hưởng lương từ NSNN và tăng lương hưu, trợ cấp cho các đối tượng thuộc NSNN đảm bảo từ 1/7/2023.
Bên cạnh đó, thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã xuất cấp gần 21,56 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để khắc phục hậu quả thiên tai, cứu trợ, cứu đói cho nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán và giáp hạt đầu năm.
Về cân đối NSNN, cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo. Tính đến ngày 27/10/2023, đã thực hiện phát hành 264,4 nghìn tỷ đồng trái phiếu chính phủ, kỳ hạn bình quân 12,32 năm, lãi suất bình quân 3,3%/năm./.