Nghị quyết số 19-NQ/TW: Tạo đột phá thu hút vốn đầu tư vào nông nghiệp
Tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng thúc đẩy liên kết hợp tác. Ảnh: Khánh Linh |
TS.Trần Công Thắng - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT) đã cho biết như vậy khi trả lời phỏng vấn về việc triển khai thực hiện các chính sách tại Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Bộ Chính trị về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 19) để đạt mục tiêu đề ra tại nghị quyết.
PV: Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có gì mới so với Nghị quyết số 26-NQ/TW, thưa ông?
TS.Trần Công Thắng: Nghị quyết 19-NQ/TW đã có những sửa đổi và bổ sung (điểm mới) so với Nghị quyết số 26-NQ/TW.
TS.Trần Công Thắng |
Nghị quyết 19 nêu rõ quan điểm về nông nghiệp, nông dân, nông thôn là: "Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh". Nghị quyết đã khẳng định nông nghiệp là lợi thế quốc gia, là trụ đỡ của nền kinh tế và đề cao vai trò chủ thể của nông dân, cư dân nông thôn, coi nông dân là chủ thể của quá trình phát triển. Đồng thời, đưa ra một số quan điểm mới trong phát triển nông nghiệp: Tích hợp đa giá trị, phát triển mô hình nông nghiệp tiên tiến: nông nghiệp xanh, hữu cơ tuần hoàn. Chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Coi khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là nền tảng phát triển nông nghiệp...
Về mục tiêu, nhấn mạnh mục tiêu vai trò bảo đảm môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đưa mục tiêu với nông dân và dân cư nông thôn lên đầu, xây dựng nông dân và dân cư nông thôn có “trình độ”, nhấn mạnh vai trò “làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn” của nông dân và dân cư nông thôn. Đồng thời, nhấn mạnh việc phát triển đồng bộ, nghĩa là giảm chênh lệch vùng miền, dân tộc; bổ sung chỉ tiêu hướng tới sự phát triển bền vững bao trùm nhiều hơn trong các mục tiêu cụ thể, nhất là các chỉ tiêu về môi trường.
Về nhiệm vụ, giải pháp, ưu tiên giải pháp liên quan đến nông dân và dân cư nông thôn. Trong đó, bổ sung và đưa nhiệm vụ giải pháp “Nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn” lên hàng đầu. Bổ sung các nhiệm vụ và giải pháp liên quan đến khoa học công nghệ và coi đây là một nhiệm vụ giải pháp quan trọng để chủ động khai thác hiệu quả cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc vào một số ít thị trường.
Nghị quyết cũng có giải pháp căn cơ để khắc phục hiệu quả, kịp thời tình trạng tiêu thụ khó khăn và ùn ứ nông sản xuất khẩu qua biên giới. Cùng với đó, bổ sung nhiệm vụ, giải pháp về “Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường nông thôn, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai”, xem đây là một nhiệm vụ rất quan trọng để hạn chế tác động của biến đổi khí hậu, giảm phát thải, thúc đẩy tăng trưởng xanh thực hiện các cam kết quốc tế...
PV: Nghị quyết 19 hướng tới mục tiêu nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Để đạt tiêu chí nông dân, cư dân nông thôn văn minh, phát triển toàn diện có thu nhập cao thì cần làm gì, thưa ông?
TS.Trần Công Thắng: Để đạt tiêu chí nông dân, cư dân nông thôn văn minh, phát triển toàn diện có thu nhập cao, Nghị quyết 19 đã đề ra rất nhiều các nhiệm vụ giải pháp.
Thứ nhất, nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ và trình độ của dân cư nông thôn và người dân nông thôn. Đảm bảo người dân có đủ năng lực đáp ứng yêu cầu mới thông qua tăng cường đào tạo, tập huấn kiến thức mới, cung cấp thông tin. Có chính sách hỗ trợ để người nông dân và dân cư nông thôn thúc đẩy sản xuất, nâng cao thu nhập. Đào tạo để nâng cao trình độ, tri thức hóa nông dân, đồng thời cung cấp kiến thức để lao động nông thôn có thể chuyển đổi làm việc trong các khu vực khác, ngành nghề khác.
Thứ hai, tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng thúc đẩy liên kết hợp tác, chủ yếu thông qua hợp tác xã để nông dân có thể cùng nhau phát triển, đảm bảo kết nối với thị trường, giảm chi phí, nâng cao vị thế trong kinh doanh. Phát huy vai trò của các hội, hiệp hội để người nông dân có thể được bảo vệ tốt hơn, được cung cấp các dịch vụ tốt hơn, được tư vấn tốt hơn về các kiến thức sản xuất, khoa học công nghệ, chuyển đổi số, thị trường…
Thứ ba, tạo điều kiện giúp lao động nông thôn có thể tìm kiếm việc làm ổn định tại khu vực nông thôn, tránh việc lao động di cư vào làm việc ở các khu vực không chính thức tại các đô thị thông qua việc phát triển việc làm, dịch vụ ở nông thôn, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông nghiệp nông thôn, phát triển làng nghề, sản phẩm địa phương. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để chính thức hóa lao động nông thôn vào làm việc tại các khu đô thị.
Bên cạnh đó, nghị quyết cũng đưa ra các giải pháp để nâng cao tinh thần tự chủ, tự cường của dân cư nông thôn, đảm bảo “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Đồng thời phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ nông thôn, đảm bảo tiếp cận với khu vực thành thị.
PV: Để đạt các mục tiêu tại Nghị quyết 19, việc huy động nguồn lực có vai trò rất quan trọng. Theo ông, thời gian tới các cơ quan chức năng sẽ làm như thế nào để tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư vào khu vực tam nông?
TS.Trần Công Thắng: Bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, nguồn vốn để đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn còn có thể huy động từ nước ngoài, đầu tư tư nhân và của cộng đồng địa phương.
Để huy động hiệu quả các nguồn lực cho nông nghiệp, bên cạnh việc tuyên truyền rộng rãi về nghị quyết và triển khai đồng bộ các giải pháp đề ra trong nghị quyết, cần tập trung cho 2 nội dung quan trọng để giúp tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư vào nông nghiệp, giảm chi phí, tăng lợi ích cho nhà đầu tư.
Nghị quyết 19 đề ra mục tiêu tổng quát đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GDP ngành Nông nghiệp phấn đấu đạt bình quân khoảng 3%/năm; tăng năng suất lao động nông nghiệp bình quân từ 5,5 - 6%/năm. Tốc độ tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ nông thôn phấn đấu đạt bình quân trên 10%/năm. Thu nhập bình quân của người dân nông thôn năm 2030 phấn đấu tăng gấp 2,5 - 3 lần so với năm 2020. Tầm nhìn đến năm 2045, nông dân và cư dân nông thôn văn minh, phát triển toàn diện, có thu nhập cao. |
Trước tiên, bố trí tăng cường nguồn lực đầu tư phát triển, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn nhất là hạ tầng tạo động lực tăng trưởng, hạ tầng thúc đẩy liên kết vùng, liên kết ngành, hạ tầng kinh tế số, vùng khó khăn, khu vực chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu; bảo đảm cân đối hơn giữa các phương thức trong phát triển hạ tầng giao thông. Xây dựng các phương án hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, tín dụng, quy hoạch đất đai và cải thiện môi trường đầu tư nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn, ưu đãi tạo việc làm cho lao động nông thôn. Tạo điều kiện thuận lợi cho khởi nghiệp nông nghiệp, nông thôn. Xây dựng các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng thể chế quản lý và phân bổ đầu tư công. Hoàn thiện hệ thống pháp luật quản lý đầu tư công phù hợp thông lệ quốc tế, đảm bảo đạt chất lượng tương đương trung bình các nước ASEAN 4, trong đó ưu tiên đổi mới cách thức lập và thẩm định, đánh giá và lựa chọn dự án đầu tư công.
Cùng với đó, hoàn thiện đồng bộ, toàn diện thể chế kinh tế thị trường về huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Nghiên cứu những cơ chế, chính sách mới tạo động lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn; đặc biệt là các chính sách về đất đai, đầu tư, tín dụng, thuế, bảo hiểm, tổ chức sản xuất.
Chính quyền các địa phương cần xây dựng các phương án và đề xuất với Chính phủ để có các chính sách hỗ trợ về thuế, đất đai và vốn, tạo điều kiện các doanh nghiệp thuận lợi đầu tư vào ngành Nông nghiệp hơn. Ngoài ra, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong khu vực nông thôn. Củng cố, phát huy vai trò của các tổ chức của nông dân (hội nông dân, hợp tác xã, tổ nhóm nông dân) trong tuyên truyền phổ biến chính sách và huy động người dân tham gia phát triển nông nghiệp, nông thôn ở địa phương theo tinh thần Nghị quyết 19.
PV: Xin cảm ơn ông!