Người tiêu dùng Việt Nam dẫn đầu khu vực ASEAN về sự lạc quan đối với tình hình phát triển kinh tế
Người tiêu dùng Việt Nam lạc quan nhất khu vực về vấn đề tài chính cá nhân |
Đây là nhận định trong báo cáo Nghiên cứu Tâm lý người tiêu dùng ASEAN (ACSS) 2024 do Ngân hàng UOB (Singapore) hợp tác với Công ty Tư vấn quản trị toàn cầu Boston Consulting Group thực hiện, được công bố vào chiều 7/11 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Nghiên cứu của UOB cho thấy, tâm lý tích cực của người tiêu dùng Việt Nam với hơn 70% người được khảo sát bày tỏ sự tin tưởng vào triển vọng kinh tế của đất nước từ 6 - 12 tháng tới, cao hơn 18 điểm phần trăm so với mức trung bình của khu vực ASEAN.
Người tiêu dùng Việt Nam cũng lạc quan nhất khu vực về vấn đề tài chính cá nhân, với 90% kỳ vọng sẽ có tình hình tài chính ổn định hoặc khá hơn vào tháng 6/2025, tiếp theo là Indonesia (89%) và Thái Lan (82%).
Ông Paul Kim, Giám đốc Khối Dịch vụ Tài chính Cá nhân, Ngân hàng UOB Việt Nam, cho biết, sau khi chứng kiến Việt Nam có sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2024, với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 6,42%, vượt trội so với mức tăng trưởng 3,84% cùng kỳ năm trước.
Trong dự báo kinh tế mới nhất được công bố vào tháng 10/2024, UOB cũng đã điều chỉnh tăng trưởng GDP cả năm của Việt Nam lên 6,4%, tăng từ mức dự báo 5,9% trước đó, sau khi Việt Nam đạt mức tăng trưởng GDP vượt trội trong quý 3 ở mức 7,4%.
Theo các chuyên gia của UOB, nỗi lo suy thoái đã giảm đi so với năm ngoái, 77% người tiêu dùng Việt Nam vẫn lo lắng về các vấn đề liên quan đến tài chính; trong đó nhóm Gen Z thể hiện mức độ lo lắng cao nhất (87%).
Lạm phát gia tăng vẫn là mối lo ngại tài chính hàng đầu, được nêu ra bởi 60% số người được khảo sát ở Việt Nam, tiếp theo là lo ngại về sự gia tăng trong chi tiêu hộ gia đình (53%).
Tuy nhiên, những con số này lần lượt cho thấy mức giảm tương ứng là sáu điểm phần trăm và chín điểm phần trăm so với tỷ lệ của năm 2023, căng thẳng xung quanh việc tăng giá cả trong nước đã giảm bớt.
Thực tế, lạm phát toàn cầu giảm nhiệt đã làm giảm bớt áp lực nhập khẩu lạm phát của Việt Nam, với chỉ số giá nhập khẩu trung bình trong 9 tháng giảm 1,73% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá dầu thế giới thấp hơn trong năm nay cũng tác động tích cực đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Việt Nam, hiện vẫn đang được kiểm soát ở mức 3,9% (số liệu quý III/2024) - thấp hơn mục tiêu của chính phủ là 4,0-4,5%.
Theo nghiên cứu, người tiêu dùng Việt Nam đã tăng chi tiêu cho các mặt hàng thiết yếu; trong đó, ba hạng mục hàng đầu là giáo dục cho con cái (42%), chăm sóc sức khỏe (33%) và các dịch vụ tiện ích (33%).
Người tiêu dùng Việt Nam cũng chi nhiều hơn cho các trải nghiệm như kỳ nghỉ, ăn uống sang trọng, hòa nhạc và lễ hội so với người tiêu dùng trong khu vực, với 42% người khảo sát ở Việt Nam cho biết đã chi tiêu nhiều hơn cho những lĩnh vực này, cao hơn tỷ lệ trung bình của khu vực ASEAN là 35%.
Nghiên cứu Tâm lý người tiêu dùng ASEAN cũng cho thấy, gần 60% người tiêu dùng Việt Nam đã dành ra ít nhất ba tháng chi phí cho các trường hợp khẩn cấp, cao hơn mức trung bình của khu vực là 54%.
Gần một nửa số người được hỏi cho biết thường xuyên tiết kiệm hơn 20% thu nhập hàng tháng của mình, chủ yếu là ở nhóm Gen Y (26-41 tuổi).
Mặt khác, nhu cầu đầu tư cũng rất mạnh mẽ, với 63% người tiêu dùng Việt Nam phân bổ hơn 10% thu nhập trong năm của mình cho các khoản đầu tư - cao hơn 10 điểm phần trăm so với mức trung bình của khu vực./.