Nhiều bộ, ngành, địa phương chậm phân bổ vốn đầu tư
12 bộ, cơ quan trung ương và 17 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn
Tổng hợp báo cáo kết quả của 6 tổ công tác kiểm tra, đôn đốc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 của Chính phủ cho thấy, nhìn chung, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã chủ động, tích cực triển khai giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022 kịp thời, đáp ứng yêu cầu dự án có thể giải ngân ngay từ đầu năm. Bên cạnh đó, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương đã cơ bản bố trí vốn theo các nguyên tắc, tiêu chí quy định tại Luật Đầu tư công, các nghị quyết của Quốc hội, quyết định của Thủ tướng Chính phủ và trong phạm vi kế hoạch đầu tư vốn NSNN đã được Thủ tướng Chính phủ giao.
Nguồn: Bộ Tài chính Đồ họa: Hồng Vân |
Trong số các đơn vị thuộc đối tượng kiểm tra của 6 tổ công tác, đến hết tháng 5 vừa qua, vẫn còn 12 bộ, cơ quan trung ương (Văn phòng Trung ương Đảng, Tòa án Nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra Chính phủ, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam) và 5 địa phương (Cao Bằng, Đồng Nai, Cần Thơ, Đắk Nông, Vĩnh Long) chưa phân bổ hết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương giao. Đáng chú ý, trong số vốn ngân sách trung ương còn lại chưa phân bổ đến nay, Bộ Giao thông vận tải chiếm tỷ trọng lớn nhất (trên 4.401,3 tỷ đồng). Số vốn này dự kiến bố trí cho dự án quan trọng quốc gia, dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.
Nguyên nhân của việc phân bổ vốn chậm được các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đưa ra là do nguồn vốn này dự kiến bố trí cho các dự án khởi công mới chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư hoặc chưa có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.
Ngoài ra, một số địa phương mới giao kế hoạch đợt 1, một số dự án chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư và nguồn bội chi sẽ được phân bổ sau.
Báo cáo tổng hợp từ 6 tổ công tác cũng cho biết, hiện còn 6 bộ, cơ quan trung ương và địa phương (Bộ Tư pháp, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, Khánh Hòa, Đồng Nai) có văn bản đề nghị trả lại kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2022 với tổng số vốn trên 1.385,1 tỷ đồng do khó khăn trong việc thẩm định, phê duyệt, quyết định đầu tư dự án làm cơ sở để giao kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2022.
Như vậy, tổng hợp lại kết quả báo cáo của cả nước (bao gồm cả báo cáo tổng hợp của 6 tổ công tác của Chính phủ), đến hết tháng 5/2022, trên cả nước còn 12 bộ, cơ quan trung ương và 17 địa phương có số vốn ngân sách trung ương còn lại chưa phân bổ.
Kiến nghị phê bình và tổ chức kiểm điểm
Việc phân bổ vốn chậm và phân bổ không hết nguồn vốn được giao đã làm giảm hiệu quả của công tác đầu tư công vì nguồn vốn không đi được vào xã hội, không đến được với các dự án, công trình để mang lại nhiều nguồn lợi to lớn hơn cho xã hội, cho đất nước.
Trước thực trạng này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tiếp tục yêu cầu các bộ, cơ quan, trung ương khẩn trương phân bổ hết số vốn được giao, đồng thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ phê bình các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đến ngày 30/5/2022 chưa phân bổ hết kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2022 được Thủ tướng Chính phủ giao (bao gồm cả những bộ, cơ quan trung ương và địa phương đề xuất trả lại vốn chưa phân bổ do lập kế hoạch không sát với nhu cầu, khả năng phân bổ và giải ngân). Đồng thời, phê bình 5 cơ quan trung ương (Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Tập đoàn Điện lực, Hội Nhà văn) đến nay chưa giải ngân (tỷ lệ giải ngân 0%). Các đơn vị này tổ chức kiểm điểm, báo cáo kết quả gửi Văn phòng Chính phủ để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Về phía Bộ Tài chính cũng đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương căn cứ vốn kế hoạch năm 2022 được Thủ tướng Chính phủ giao, khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư, phân bổ vốn chi tiết cho các dự án; rà soát, điều chỉnh hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh các tồn tại trong phân bổ vốn để đảm bảo việc phân bổ kế hoạch vốn tuân thủ theo đúng quy định.
Đồng thời, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đề xuất phương án cắt giảm những khoản chi ngân sách trung ương đã được giao trong dự toán đầu tư nhưng đến ngày 30/6/2022 chưa phân bổ (trừ trường hợp đặc biệt do thủ tướng Chính phủ quyết định) để bổ sung nguồn lực thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền cắt giảm, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2022 để bổ sung cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cần vốn./.