Nhiều chính sách về thuế, phí giúp ngành công nghiệp ô tô Việt Nam phát triển
Các FTA sẽ tác động mạnh tới ngành ô tô Việt Nam khi thực thi các cam kết. |
Ưu đãi mạnh tay cho linh kiện ô tô nhập khẩu
Chia sẻ tại tọa đàm “Công nghiệp ô tô Việt Nam thực hiện hiệp định thương mại tự do (FTA): phát triển theo hướng nào?” tổ chức mới đây, ông Dương Bá Hải - Phó Trưởng phòng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) cho rằng, độ mở của thị trường rất lớn nhưng công nghiệp ô tô của Việt Nam đa phần còn non trẻ, chịu nhiều cạnh tranh của các doanh nghiệp nhập khẩu, doanh nghiệp nước ngoài... đồng thời vẫn phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu, tiêu chuẩn cao về lao động, môi trường.
Việt Nam là nền kinh tế mở, đã gia nhập 17 FTA song phương, đa phương, trong đó có những FTA thế hệ mới như CPTTP, EVFTA,… là những hiệp định quan trọng, giúp doanh nghiệp mở cửa thị trường, đa dạng hoá thị trường, trong đó có các doanh nghiệp ngành công nghiệp ô tô. |
Trong bối cảnh có nhiều thử thách đối với ngành công nghiệp non trẻ, Bộ Tài chính đã đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn.
Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 125/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017, trong đó ban hành Chương trình ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện ô tô để sản xuất, lắp ráp xe ô tô áp dụng trong 5 năm (từ năm 2018 đến hết năm 2022).
Chương trình này tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, đảm bảo bám sát Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô.
Đến nay đã có nhiều doanh nghiệp sản xuất ô tô có quy mô lớn và đủ năng lực sản xuất đã tham gia chương trình ưu đãi thuế và ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã phát triển khá nhanh trong những năm gần đây. Các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp trong nước đã bước đầu khẳng định vai trò, vị trí đối với thị trường ô tô trong nước và đã có bước phát triển nhanh, bền vững hơn.
Hỗ trợ gia tăng tỷ lệ nội địa hóa
Song song với chính sách ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp sản xuất lắp ráp trong nước, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành trình Chính phủ đã ban hành chương trình ưu đãi thuế đối với ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô để thực hiện cho giai đoạn 5 năm từ năm 2020 đến năm 2024.
Theo đó, nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để sản xuất các sản phẩm nằm trong danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô để cung ứng linh kiện, phụ tùng cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô sẽ được áp dụng thuế nhập khẩu ưu đãi 0%.
“Chương trình ưu đãi thuế công nghiệp hỗ trợ ô tô đã mang lại hiệu quả thông qua việc hoàn thuế nhập khẩu, góp phần làm giảm chi phí vật tư đầu vào giúp giảm giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trên thị trường" - ông Dương Bá Hải thông tin.
Riêng về thuế nhập khẩu, Bộ Tài chính luôn nắm bắt tình hình thị trường để từng bước đưa chính sách ưu đãi vào cuộc sống, đảm bảo tháo gỡ khó khăn cho ngành công nghiệp ô tô, công nghiệp hỗ trợ ô tô phát triển.
Bên cạnh đó, những chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt, lệ phí trước bạ, các chính sách ưu đãi về thuế khác đối với dự án sản xuất ô tô… đã có tác động tích cực đến nền kinh tế nói chung và với ngành công nghiệp ô tô nói riêng, góp phần quan trọng trong việc thực hiện chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô trong nước; thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô đầu tư mở rộng sản xuất, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu./.