Quản lý đất đai: Hiệu quả từ một thông tư
Trong thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã phối hợp chặt chẽ với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang mục đích khác để thực hiện các dự án đầu tư theo đúng quy định của pháp luật đất đai, qua đó đã góp phần tạo quỹ đất cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
Tuy nhiên, trước khi Thông tư 09 ban hành, việc thẩm định hồ sơ có thời điểm còn chưa đáp ứng tiến độ, cá biệt có những hồ sơ chậm 6 - 8 tháng do hồ sơ một số tỉnh gửi lên Bộ TN&MT còn chưa đủ thành phần, cần phải bổ sung hoàn thiện, Bộ TN&MT sau đó có Công văn yêu cầu bổ sung hồ sơ nhưng UBND tỉnh không hoàn thiện ngay, dẫn tới chậm tiến độ.
Mặt khác, sau khi địa phương hoàn thiện hồ sơ gửi Bộ TN&MT, Bộ gửi Bộ NN&PTNT thẩm định, một số hồ sơ lại cần bổ sung theo ý kiến Bộ NN&PTNT. Điều này cũng gây kéo dài thời gian thẩm định.
Để đảm bảo thống nhất, đầy đủ hồ sơ theo quy định, đẩy nhanh tiến độ thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang mục đích khác, Bộ TN&MT đã ban hành Thông tư 09 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định chi tiết và Hướng dẫn thi hành Luật Đất đai ngày 30/6/2021, có hiệu lực vào ngày 1/9/2021.
Theo đó, Thông tư đã chỉ ra những yêu cầu cụ thể về thành phần hồ sơ của UBND cấp tỉnh gửi Bộ TN&MT để thẩm định, gồm có: Tờ trình của UBND cấp tỉnh theo Mẫu ban hành kèm theo Thông tư này; Văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư hoặc Văn bản quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư công mà tại thời điểm gửi hồ sơ, văn bản đó còn hiệu lực thực hiện, trừ trường hợp không phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư hoặc không phải thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư công.
Bên cạnh đó, có Quyết định phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện và Báo cáo thuyết minh Kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; trích lục Bản đồ Kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện do Sở TN&MT lập, ký và đóng dấu xác nhận; Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh thông qua Danh mục dự án cần thu hồi đất đối với trường hợp quy định tại Khoản 3, Điều 62 của Luật Đất đai;
Ngoài ra, có phương án trồng rừng thay thế đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc Văn bản hoàn thành trách nhiệm nộp tiền trồng rừng thay thế theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp đối với dự án chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng hoặc phương án sử dụng tầng đất mặt theo quy định của Nghị định số 94/2019/NĐ-CP của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều của Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác đối với dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa.
Hồ sơ do Bộ TN&MT lập để trình Thủ tướng Chính phủ gồm: Văn bản Bộ TN&MT trình Thủ tướng Chính phủ; Hồ sơ do UBND tỉnh gửi; Biên bản họp Hội đồng thẩm định việc chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng để thực hiện dự án đầu tư do Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT, các Bộ, ngành có liên quan tổ chức (nếu có).
Đồng thời, Hồ sơ thẩm định việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng trình Thủ tướng Chính phủ khi chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định tại Điểm a, Khoản 3, Điều 32 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Đầu tư gồm các thành phần hồ sơ theo quy định tại Điều 31 của Nghị định số 31, các hồ sơ quy định trên, Văn bản của UBND cấp tỉnh có nội dung xác định các chỉ tiêu sử dụng đất còn lại đến thời điểm đề xuất dự án và việc chấp hành quy định pháp luật về đất đai của chủ đầu tư.
Để thẩm định hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất, Bộ TN&MT đã thành lập Hội đồng thẩm định hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang mục đích khác để thực hiện dự án với các thành viên gồm Bộ TN&MT và Bộ NN&PTNT.
Hội đồng thẩm định có nhiệm vụ tổ chức các phiên họp để thẩm định hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang mục đích khác để thực hiện dự án khi nhận được đầy đủ hồ sơ theo quy định.
Cụ thể, đối với những hồ sơ sau khi đã tiếp nhận, nếu chưa đầy đủ, Tổng cục Quản lý đất đai (cơ quan thường trực sẽ gửi văn bản gửi UBND cấp tỉnh trả lại do không hợp lệ; Trường hợp hồ sơ đảm bảo đầy đủ theo quy định thì trình Chủ tịch Hội đồng thẩm định quyết định về thành phần của Hội đồng thẩm định và thời gian họp Hội đồng thẩm định của từng trường hợp cụ thể; Thông báo cho UBND cấp tỉnh chuẩn bị hồ sơ, tài liệu để gửi các thành viên Hội đồng thẩm định; mời các thành viên Hội đồng thẩm định và gửi kèm theo Phiếu đánh giá và các tài liệu liên quan (nếu có) cho thành viên Hội đồng thẩm định.
Đồng thời, hoàn thiện hồ sơ sau khi kết thúc cuộc họp của Hội đồng thẩm định để trình Bộ trưởng Bộ TN&MT xem xét quyết định trình Thủ tướng Chính phủ đối với trường hợp được Hội đồng thẩm định đánh giá đủ điều kiện theo quy định; Trường hợp hồ sơ được Hội đồng thẩm định đánh giá không đủ điều kiện theo quy định, Tổng cục Quản lý đất đai trình Chủ tịch Hội đồng thẩm định ký văn bản gửi UBND cấp tỉnh.
Vì vậy, từ đầu tháng 9 tới nay, nhờ có những hướng dẫn cụ thể về thành phần hồ sơ theo Thông tư 09, rất nhiều dự án chuyển mục đích đã được Hội đồng thẩm định thông qua và thông qua có bổ sung để đề nghị UBND cấp tỉnh hoàn thiện hồ sơ. Đặc biệt có những tuần, Hội đồng thông qua 6 - 8 dự án chuyển mục đích sử dụng đất trên cơ sở các hồ sơ đã được thẩm định chặt chẽ đảm bảo các quy định về pháp luật.
Đầu tháng 6/2021, Bộ TN&MT đã có Công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo nội dung kết quả thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang mục đích phi nông nghiệp; bao gồm diện tích đã thực hiện, diện tích chưa thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất.
Báo cáo kết quả thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng theo các văn bản đã được Quốc hội cho phép; kết quả thực hiện chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng được Chính phủ cho phép chuyển mục đích sử dụng trong Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 theo Nghị quyết của Chính phủ đã phê duyệt./.