Quyết liệt triển khai các giải pháp để đạt mục tiêu vượt thu đề ra trong năm 2024
Quyết liệt triển khai các giải pháp để đạt mục tiêu vượt thu đề ra trong năm 2024. Ảnh: TL |
Thu nội địa giảm
Theo thống kê của Bộ Tài chính, tháng 9/2024 vừa qua, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) thực hiện trong tháng ước đạt 94,3 nghìn tỷ đồng và chỉ bằng 55,7% so mức thu bình quân 8 tháng đầu năm 2024 (169,2 nghìn tỷ đồng/tháng).
Khó khăn chủ yếu xuất hiện từ thu nội địa khi số thu này ước đạt 74 nghìn tỷ đồng, bằng 5,1% dự toán, bằng 52,4% mức thu bình quân 8 tháng (141,1 nghìn tỷ đồng/tháng). Nguyên nhân là do hoạt động sản xuất - kinh doanh của một số ngành, lĩnh vực vẫn còn khó khăn, đồng thời tháng 9 tiếp tục thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế phí, lệ phí và chính sách gia hạn thuế, tiền thuê đất theo Nghị định số 64/2024/NĐ-CP ngày 17/6/2024 của Chính phủ. Điều này tác động làm giảm số thu nộp ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, trong vòng 7 tháng đầu năm, một số khoản như thuế thu nhập doanh nghiệp, lợi nhuận còn lại, thuế thu nhập cá nhân, chênh lệnh thu chi Ngân hàng Nhà nước (gồm số phát sinh quý IV và quyết toán năm 2023, tạm nộp quý I và II năm 2024) đã cơ bản thu xong 4/5 kỳ nộp ngân sách nhà nước. Do đó, những tháng tiếp theo, số thu sẽ giảm đi.
Kết quả của tháng 9 đã đưa tổng thu ngân sách nhà nước 9 tháng năm 2024 đạt 1.448,2 nghìn tỷ đồng; bằng 85,1% dự toán, tăng 17,9% so cùng kỳ năm 2023. Thu nội địa ước đạt 1.203,1 nghìn tỷ đồng; bằng 83,3% dự toán, tăng 18,9% so cùng kỳ năm 2023.
Thu từ dầu thô ước đạt khoảng 44,4 nghìn tỷ đồng, bằng 96,6% dự toán, giảm 2,9% so cùng kỳ năm 2023. Giá dầu thanh toán bình quân 9 tháng đạt khoảng 87,6 USD/thùng (tăng 17,6 USD/thùng so giá dự toán); sản lượng dầu thô thanh toán đạt khoảng 6,14 triệu tấn, bằng 74% kế hoạch.
Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 200,2 nghìn tỷ đồng, bằng 98,1% dự toán, tăng 17,6% so cùng kỳ năm 2023, trên cơ sở tổng số thu thuế ước đạt 305,2 nghìn tỷ đồng, bằng 81,4% dự toán, tăng 13,1% so cùng kỳ; hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ khoảng 105 nghìn tỷ đồng, bằng 61,4% dự toán.
Thực hiện chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng một số mặt hàng theo Nghị định số 94/2023/NĐ-CP ngày 28/12/2023 và Nghị định số 72/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 của Chính phủ, có tác động làm giảm số thu thuế giá trị gia tăng 9 tháng đầu năm khoảng 13,7 nghìn tỷ đồng.
Theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách
Cũng theo Bộ Tài chính, các khoản thu trực tiếp từ 3 khu vực sản xuất - kinh doanh (chiếm 50,9% dự toán tổng số thu nội địa) ước đạt 80,6% dự toán, tăng 10,9% so với cùng kỳ, không kể yếu tố chính sách gia hạn thuế thì xấp xỉ số thu cùng kỳ. Trong đó, thuế thu nhập doanh nghiệp tăng 2,5% so cùng kỳ do các doanh nghiệp đã tạm nộp 4/5 kỳ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng giảm 5,9% so cùng kỳ, thuế tiêu thụ đặc biệt giảm 5,8% so cùng kỳ. Số thu từ khu vực sản xuất kinh doanh đã có sự sụt giảm qua những tháng gần đây do giảm thu từ hoạt động sản xuất - kinh doanh của một số ngành công nghiệp chủ lực, có đóng góp lớn vào ngân sách nhà nước giảm.
Thu thuế thu nhập cá nhân ước đạt 89,1% dự toán, tăng 16,9% so cùng kỳ, do tăng thu thuế thu nhập cá nhân tử chuyển nhượng bất động sản và chuyển nhượng chứng khoán, đồng thời nhờ ngành Thuế đã chỉ đạo quyết liệt công tác quản lý thu thuế thu nhập cá nhân, đẩy mạnh khai thác tăng thu thuế thu nhập cá nhân của cả nhân có nhiều nguồn thu nhập, kinh doanh số, thương mại điện tử, tiếp thị liên kết (affiliate marketing), cá nhân kinh doanh online, phát video trực tiếp (livestream) bán hàng...
Các khoản thu có tiến độ thu đạt khá và tăng trưởng so cùng kỳ như: thu thuế bảo vệ môi trường ước đạt 80,2% dự toán, tăng 8,7%; thu các loại phí, lệ phí ước đạt 86,3%, tăng 16,9%; thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản ước đạt 245,9% dự toán; thu khác ngân sách ước đạt 105,8% dự toán; thu hồi vốn, thu cổ tức, lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế, chênh lệch thu chi của Ngân hàng Nhà nước ước đạt 115% dự toán. Ước tính có 35/63 địa phương thực hiện thu nội địa 9 tháng đạt trên 78% dự toán; 56/63 địa phương có tăng trưởng thu so cùng kỳ.
Để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2024, những tháng cuối năm, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách, đánh giá, phân tích cụ thể từng địa bàn thu, từng khu vực thu, từng sắc thuế để thực hiện công tác dự báo thu thực tế phát sinh, từ đó kịp thời tham mưu cho Chính phủ có kịch bản, giải pháp chủ động trong điều hành.
Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, chống thất thu ngân sách nhà nước; hoàn thành, đưa vào vận hành cổng thông tin điện tử dành cho hộ, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử thực hiện đăng ký, kê khai và nộp thuế.
Công tác quản lý nợ thuế, chống thất thu cũng sẽ được tăng cường. Các đơn vị tập trung theo dõi sát sao các khoản thuế, phí được gia hạn để tổ chức đôn đốc người nộp thuế nộp đầy đủ, kịp thời, tránh phát sinh nợ mới và tiền chậm nộp; thực hiện phân loại các khoản nợ thuế chính xác và theo đúng hướng dẫn tại Quy trình quản lý nợ thuế để có giải pháp quản lý, đôn đốc thu phù hợp. Đồng thời áp dụng đầy đủ, kịp thời, hiệu quả các biện pháp cưỡng chế nợ thuế theo quy định; đẩy nhanh tiến độ xây dựng Đề án tự động hóa công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế./.