Sơn La: Vận hành cơ sở dữ liệu quản lý đất đai tại 6 huyện
Ban Quản lý dự án VILG tỉnh Sơn La tổ chức triển khai hoạt động 3 và 4 của Kế hoạch phát triển dân tộc thiểu số (hợp phần 1) tại huyện Yên Châu. |
Theo Báo cáo nghiên cứu khả thi được điều chỉnh lần này, Dự án VILG tỉnh Sơn La sẽ được triển khai tại 6 huyện gồm: Phù Yên, Yên Châu, Mộc Châu, Vân Hồ, Sông Mã và Mai Sơn. Cơ sở dữ liệu đất đai của 6 huyện tham gia dự án được xây dựng, cập nhật, vận hành và có thể kết nối trên hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia do Bộ TN&MT chủ trì vận hành, phục vụ công tác quản lý đất đai, cung cấp dịch vụ công về đất đai và chia sẻ thông tin đất đai với các ngành có liên quan (thuế, công chứng, ngân hàng…), người dân và doanh nghiệp.
Mục tiêu cụ thể của Dự án là hoàn thiện, vận hành cơ sở dữ liệu đất đai trên địa bàn 6 huyện dựa trên hệ thống hạ tầng kỹ thuật tập trung, thống nhất để phục vụ công tác quản lý đất đai, cung cấp dịch vụ công về đất đai và chia sẻ thông tin đất đai với các Sở, ngành, đơn vị có liên quan; Hỗ trợ cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực đất đai thông qua việc hiện đại hóa các Văn phòng Đăng ký đất đai từ việc cải tiến quy trình, tiêu chuẩn dịch vụ tới việc trang bị thiết bị đầu - cuối của các Văn phòng Đăng ký đất đai; Nâng cao nhận thức cộng đồng dân tộc thiểu số thông qua việc thực hiện các kế hoạch phát triển dân tộc thiểu số.
Để đạt được mục tiêu trên, Dự án sẽ triển khai thực hiện 3 hợp phần, gồm: Tăng cường chất lượng cung cấp dịch vụ đất đai (Tổ chức kế hoạch phát triển dân tộc thiểu số); Xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai và vận hành trên hệ thống thông tin đất đai đa mục tiêu (MPLIS); Quản lý Dự án.
Thời gian thực hiện điều chỉnh, từ năm 2017 đến tháng 6 năm 2023.
Thông tin về Dự án tới người dân huyện Yên Châu. |
UBND tỉnh Sơn La giao Sở TN&MT tổ chức thực hiện dự án, quản lý dự án, quản lý chi phí đầu tư, quản lý chất lượng dự án; kiểm soát chặt chẽ các hạng mục, khối lượng theo thực tế; rà soát lại danh mục trang thiết bị của Ban quản lý dự án và các Văn phòng đăng ký đất đai đảm bảo đúng nhu cầu thực tế tại từng địa điểm, đảm bảo chất lượng, giá cả phù hợp thực tế. Trường hợp mới đầu tư trang thiết bị hoặc có thể tận dụng được trang thiết bị đã có thì không đầu tư mua mới trang thiết bị để tránh lãng phí ngân sách nhà nước.
Tổ chức và chỉ đạo các đơn vị thi công thực hiện theo đúng yêu cầu kỹ thuật nhằm đảm bảo tiến độ và chất lượng cơ sở dữ liệu được xây dựng phải đảm bảo kết nối với cơ sở dữ liệu Quốc gia về đất đai của Bộ TN&MT; thực hiện tích hợp, kết nối liên thông với cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 về việc phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số Quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn 2030”.
Theo UBND tỉnh Sơn La, việc thực hiện điều chỉnh do dự án đã được Bộ TN&MT phê duyệt điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu khả thi tại Quyết định số 2531/QĐ-BTNMT ngày 22/12/2021 về việc phê duyệt điều chỉnh dự án “Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai” vay vốn Ngân hàng Thế giới.
Cộng thêm, do Dự án triển khai chậm hơn 2 năm so với kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt, thủ tục ký hợp đồng vay lại của tỉnh với Bộ Tài chính kéo dài; điều chỉnh dự toán theo Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 29/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài trong tình hình mới cho chi đầu tư phát triển, không vay cho chi thường xuyên… Vì vậy, từ năm 2020 đến nay dự án mới chính thức ký được các hợp đồng thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai và thực hiện rút vốn giải ngân.
Tuy nhiên, do các đợt dịch bệnh Covid-19 từ đầu năm 2020 bùng phát nên việc triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai không thể thực hiện liên tục do nhiều địa bàn thi công phải giãn cách xã hội, làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện Dự án. Do đó, Dự án đề nghị gia hạn thời gian thực hiện đến tháng 6/2023 để hoàn thành các hoạt động thuộc hợp phần 1 và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai trên địa bàn 6 huyện vùng dự án./.