Sơn La: Nhiều tín hiệu tích cực trong công tác giải ngân vốn đầu tư công
Giải ngân đạt trên 16% kế hoạch vốn giao
Năm 2023, tỉnh Sơn La được giao nguồn vốn đầu tư công trên 6.171 tỷ đồng. Trong đó, kế hoạch vốn kéo dài từ năm trước là hơn 713 tỷ đồng. Đến hiện tại, UBND tỉnh Sơn La mới phân bổ, giao chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công cho các dự án số tiền trên 5.101 tỷ đồng, đạt 82,7%.
Báo cáo từ Kho bạc Nhà nước (KBNN) Sơn La, đến ngày 15/6/2023, toàn tỉnh giải ngân được 991,2 tỷ đồng, đạt trên 16% kế hoạch vốn được giao. Trong đó, vốn các năm trước kéo dài sang năm 2023 đã giải ngân được trên 123 tỷ đồng; vốn giao năm 2023 giải ngân được trên 868 tỷ đồng. Tỷ lệ giải ngân này đang thấp hơn so với mục tiêu của tỉnh đặt ra là đến 30/6/2023 phải giải ngân được trên 2.256 tỷ đồng.
Nhiều tín hiệu tích cực cho công tác giải ngân vốn đầu tư công tại tỉnh Sơn La. Ảnh minh họa: H.T |
Theo thông tin từ UBND tỉnh Sơn La, có nhiều nguyên nhân dẫn đến giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp. Cụ thể, các dự án thuộc kế hoạch vốn năm 2022 được phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2023 hiện có 2 dự án gặp khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng đó là: Dự án xây dựng kết cấu hạ tầng khu dân cư Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La; dự án kè suối Nặm La (đoạn từ hồ Tuổi Trẻ - cầu Tông Panh). Đối với các dự án chuyển tiếp kế hoạch năm 2023 hiện cũng gặp khó khăn liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, khan hiếm nguyên vật liệu và điều chỉnh dự án.
Đặc biệt, tình trạng khan hiếm nguyên vật liệu xây dựng của các dự án đang triển khai trên địa bàn các huyện Quỳnh Nhai, Mai Sơn, Sốp Cộp và Thuận Châu ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công. Nhiều gói thầu đã hoàn thành các hạng mục nền, chuyển sang hạng mục chuẩn bị đổ bê tông xi măng mặt đường nhưng nguồn vật liệu đá, cát chủ yếu phải lấy từ Điện Biên, Lai Châu và từ thành phố Sơn La vào công trình, nên việc thi công đang phải cầm chừng do giá cước tăng cao. Một số dự án gặp khó khăn do trùng tuyến, địa điểm xây dựng giữa các chương trình, dự án phải rà soát điều chỉnh dự án, điều chỉnh chủ trương; một số dự án thành phần trùng lặp hướng tuyến và địa điểm xây dựng với các dự án khác đã và đang thực hiện.
Các dự án khởi công mới năm 2023 cũng đang gặp vướng mắc liên quan đến dự án xây dựng cơ sở hạ tầng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đến nay, chưa có dự án nào được phê duyệt, làm cơ sở cho việc phân bổ vốn…
Góp thêm giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân
Ông Đặng Hồng Quang – Giám đốc KBNN Sơn La cho biết, mặc dù còn nhiều nguyên nhân làm cho tiến độ giải ngân của tỉnh bị chậm trong 6 tháng đầu năm, nhưng công tác giải ngân cũng đang có những tín hiệu tích cực khi UBND tỉnh đã có những chỉ đạo quyết liệt, cùng với đó là sự tham mưu tích cực của KBNN Sơn La.Theo đó, để phấn đấu hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, các chủ đầu tư tập trung thực hiện theo kế hoạch đã đề ra, đó là đến 30/6/2023 phải giải ngân trên 2.256 tỷ đồng như đã cam kết.
Đồng thời, tập trung tháo gỡ khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, nâng cao vai trò của người đứng đầu các địa phương. Đặc biệt, UBND tỉnh đã yêu cầu các chủ đầu tư phải nâng cao trách nhiệm trong quản lý và chủ động đề xuất các giải pháp, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành để giải quyết các khó khăn vướng mắc.
Thực hiện nhiệm vụ của mình, KBNN Sơn La đã phối hợp kịp thời với các sở, ngành và tham mưu tích cực cho UBND tỉnh trong công tác giải ngân.
“Chúng tôi đã có những tham mưu khá cụ thể với lãnh đạo tỉnh, ví dụ như trong việc giải ngân vốn đầu tư có nguồn vốn của năm trước chuyển sang và của năm nay. Trong một số trường hợp, khi nhà thầu và chủ đầu tư đã có sự thống nhất về khối lượng, KBNN Sơn La đã tham mưu với UBND tỉnh thực hiện giải ngân bằng nguồn vốn được giao của năm 2023 và không chờ việc chuyển nguồn của năm 2022 chuyển sang. Vì nếu chúng ta cứ chờ đầy đủ việc chuyển nguồn của năm trước sang thì dự án lại bị chậm về tiến độ giải ngân”, ông Quang cho biết.
Ngoài ra, KBNN Sơn La đã tích cực trong việc kịp thời báo cáo số liệu về tiến độ giải ngân của các chủ đầu tư và đặc biệt trong việc thực hiện báo cáo này, KBNN Sơn La đã có 1 cách làm riêng, khác với các tỉnh bạn đó là báo cáo tiến độ giải ngân theo chủ đầu tư để tỉnh có những chỉ đạo, điều hành kịp thời giúp công tác giải ngân vốn đầu tư công được thuận lợi hơn.
Nói rõ hơn về cách làm riêng này, ông Quang cho biết, từ trước đến nay khi thực hiện báo cáo về giải ngân vốn đầu tư, thường chỉ báo cáo theo tỷ lệ dự án: Dự án này đã hoàn thành bao nhiêu phần trăm công việc, dự án kia đã giải ngân được tỷ lệ phần trăm là bao nhiêu…, tức là phản ánh tỷ lệ giải ngân thấp hay cao của dự án đó. Tuy nhiên, một chủ đầu tư thường thực hiện rất nhiều dự án, nếu chỉ báo cáo theo tỷ lệ dự án thì các cấp lãnh đạo chỉ nắm được chi tiết dự án mà không nắm được chủ đầu tư đó đã giải ngân được tổng thể bao nhiêu phần trăm số vốn được giao.
Xuất phát từ thực tế này, KBNN Sơn La đã có một sáng kiến vừa kết hợp thủ công vừa kết hợp với việc kết xuất tự động kết quả giải ngân của từng chủ đầu tư để đưa ra một báo cáo chi tiết theo từng chủ đầu tư. “Việc làm này có một chút vất vả cho các cán bộ làm công tác kiểm soát chi của kho bạc nhưng lại giúp cho các cấp lãnh đạo nắm được sát nhất tiến độ giải ngân của từng chủ đầu tư cũng như của từng dự án, từ đó đưa ra những chỉ đạo, hướng xử lý kịp thời giúp đẩy nhanh tiến độ giải ngân của địa phương. Báo cáo này hàng ngày được đẩy lên IOC (trung tâm điều hành thông minh của tỉnh) để lãnh đạo tỉnh dù ở bất kỳ đâu, thời gian nào cũng có thể nắm rõ được tình hình giải ngân của tỉnh một cách sát thực nhất” – ông Quang chia sẻ.
Với cách làm riêng này, cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh giao dịch trên dịch vụ công trực tuyến và áp dụng linh hoạt 2 phương thức thanh toán vốn là “Thanh toán trước, kiểm soát sau” và “Kiểm soát trước, thanh toán sau”, KBNN Sơn La đang nỗ lực cùng địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân để đạt kết quả cao nhất khi kết thúc năm ngân sách./.