Sửa đổi, bổ sung một số quy định của 8 luật hiện hành
Dự án luật sửa 8 luật: Tháo gỡ vướng mắc cho hàng trăm dự án bất động sản. Ảnh: HY |
Dự án luật sửa 8 luật -Tháo gỡ vướng mắc cho hàng trăm dự án bất động sản
Đánh giá chung, các đại biểu cho rằng, dự án Luật đã thể hiện tư duy hành động quyết liệt, tháo gỡ kịp thời những vướng mắc thể chế để phát triển sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế. Đại biểu Ngô Trung Thành (Đắk Lắk) cho rằng, việc ban hành dự án “1 luật sửa 8 luật” sẽ góp phần tạo điều kiện cho nền kinh tế hấp thụ tốt hơn “gói” hỗ trợ, giúp cho Chương trình hỗ trợ khôi phục phát triển kinh tế mà Quốc hội sẽ xem xét thông qua tại kỳ họp này sớm phát huy hiệu quả.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cho rằng dự án Luật được đưa ra xem xét theo trình tự, thủ tục rút gọn nhằm giải quyết các trường hợp đột xuất, khẩn cấp trong phòng, chống dịch bệnh; trường hợp cấp bách để giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn. Như vậy, các chính sách, từng dự án luật cần sửa đổi, bổ sung cần tiếp tục được rà soát kỹ nhằm thể hiện rõ đó là những chính sách thực sự cấp bách, cần thiết; những vấn đề lớn, phức tạp, chưa rõ, chưa có sự đồng thuận cao thì không đưa vào dự án luật lần này. Đồng thời, tiếp tục rà soát kỹ các điều luật có liên quan nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ.
Về một số nội dung cụ thể, đại biểu Ngô Trung Thành bày tỏ đồng tình dự thảo sửa đổi Luật Đầu tư về đất xây dựng nhà ở thương mại (bản chất là sửa Luật Nhà ở), nhằm tháo gỡ vướng mắc cho hàng trăm dự án.
Theo dự thảo, nhà đầu tư có 1 trong các quyền sử dụng đất (gồm quyền sử dụng đất ở hợp pháp; quyền sử dụng đất ở hợp pháp và các loại đất khác không phải là đất ở; có quyền sử dụng các loại đất khác không phải là đất ở); mà các diện tích đất này phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về đất đai sẽ được phép triển khai dự án xây dựng nhà ở thương mại với điều kiện được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư. Nhà đầu tư có trách nhiệm thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng các loại đất khác thuộc dự án đầu tư (nếu có) sang đất ở và nghĩa vụ tài chính có liên quan theo quy định của pháp luật về đất đai.
Đại biểu cho rằng, sửa như dự thảo là rất hợp lý. Quan trọng nhất là có quy hoạch, có kế hoạch. Tuy nhiên, sự điều chỉnh này sẽ có tác động lớn đến thị trường bất động sản. Với quy định này, các loại đất khác (không phải đất ở) khi chuyển thành đất ở sẽ tạo ra chênh lệch giá rất lớn, rất dễ tạo ra kẽ hở cho tiêu cực. Mặt khác, quy định này còn liên quan đến Luật Đất đai và các luật khác. Do đó, đại biểu Ngô Trung Thành đề nghị cho phép thí điểm, đợi sửa đồng bộ với Luật Đất đai.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương
Cũng liên quan lĩnh vực nhà ở tại Luật Đầu tư, theo tờ trình, Chính phủ cho biết việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư nhằm mục tiêu tăng cường phân quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án xây dựng nhà ở, khu đô thị cho các địa phương, Điều 3 dự thảo luật. Cụ thể, sửa đổi, bổ sung điểm g khoản 1 Điều 31 và điểm b khoản 1 Điều 32 để thực hiện phân quyền cho UBND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị.
Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Hà Nội) cơ bản nhất trí với việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong việc phê duyệt chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, việc giao đất đầu tư là một tài sản lớn của Nhà nước nên việc sửa đổi lần này cần cân nhắc đến khả năng nhà đầu tư có thể chuyển đổi mục đích sử dụng bất cứ loại đất nào khi có nhu cầu để thực hiện các dự án nhà ở thương mại. Điều này có thể dẫn đến việc thất thu tài sản của Nhà nước, rồi những tác động khi chuyển đổi mục đích đất nông nghiệp sang các dự án khác, đại biểu nêu ý kiến.
Góp ý về sửa Luật Đầu tư công, đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) đồng tình việc đẩy mạnh phân quyền. Cụ thể, đại biểu cho rằng việc đẩy mạnh phân quyền từ thẩm quyền Thủ tướng Chính phủ sang thẩm quyền của bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan trung ương và HĐND cấp tỉnh đối với các dự án nhóm B và nhóm C sử dụng nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài là cần thiết, nhằm thống nhất với các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước.
Theo đại biểu, việc phân quyền cần đảm bảo các nguyên tắc: tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các bộ, cơ quan trung ương, chính quyền cấp tỉnh; giảm thiểu thủ tục hành chính; bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn và an toàn nợ công; việc phân quyền trong điều chỉnh chủ trương đầu tư không được làm thay đổi phân loại dự án; bảo đảm sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của Chính phủ.
Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị tiếp tục phân quyền mạnh hơn cho HĐND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án nhóm A sử dụng nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài. Quan điểm của Chính phủ là chưa nên phân quyền vì các dự án nhóm A là dự án có quy mô lớn (thường khoảng trên 1.000 tỷ đồng trở lên); thường có tính chất liên ngành, liên vùng, cần đáp ứng các yêu cầu chặt chẽ của các nhà tài trợ lớn…
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Văn Hiển cho biết, một số chuyên gia đề nghị cần phân quyền mạnh cho HĐND cấp tỉnh để bảo đảm tính thống nhất với các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Khoản 6 Luật Đầu tư công năm 2019 đã phân cấp cho HĐND quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A do địa phương quản lý (trừ dự án thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ). Việc này cũng sẽ tạo sự chủ động và nâng cao vai trò, trách nhiệm của HĐND cấp tỉnh trong việc quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án này.