Thanh Hóa chuyển đổi thành công mục đích sử dụng đất phục vụ phát triển kinh tế
Hiệu quả từ quy hoạch phát triển công nghiệp
Sau khi Nghị quyết số 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và Luật Đất đai 2013 được ban hành, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011 - 2020, điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hằng năm cho các huyện, thị xã, thành phố. Việc quản lý đất đai theo quy hoạch đã giúp nâng hiệu quả tài nguyên đất, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Nhiều dự án đã đầu tư vào Khu kinh tế Nghi Sơn. Ảnh: TL |
Theo Điều 151 Luật Đất đai năm 2013 quy định: UBND tỉnh giao đất cho Ban Quản lý khu kinh tế để tổ chức xây dựng khu kinh tế theo kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt trong quy hoạch chi tiết xây dựng của khu kinh tế. Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh đã tiến hành giao lại đất cho các tổ chức và cho các doanh nghiệp thuê đất trong khu kinh tế theo đúng quy định. Kể từ Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành, đến nay, Ban Quản lý đã giao lại đất, cho thuê đất để thực hiện 153 dự án với tổng diện tích 1.529,49ha.
Về phát triển khu công nghiệp (KCN), Thanh Hóa được phê duyệt quy hoạch phát triển KCN với tổng diện tích 2.035ha, bao gồm: KCN Lễ Môn: 87ha; KCN Đình Hương - Tây Bắc Ga: 180ha; KCN Bỉm Sơn: 566ha; KCN Hoàng Long: 286ha; KCN Lam Sơn - Sao Vàng: 550ha; KCN Thạch Quảng: 100ha; KCN Ngọc Lặc: 150ha và KCN Bãi Trành 116ha. Đến nay, các KCN đã thu hút 328 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đăng ký đầu tư là 19.766 tỷ đồng, vốn thực hiện đạt 9.355 tỷ đồng; 41 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký đầu tư 722 triệu USD, vốn thực hiện đạt 404,1 triệu USD, hơn 300 dự án đã đi vào hoạt động ổn định, đóng góp rất lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đã quy hoạch thành công 74 cụm công nghiệp (CCN) với diện tích 2.331,9ha, trong đó, 50 CCN đã có doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh (có 29 CCN được thành lập, có nhà đầu tư hạ tầng CCN, còn lại các CCN không có nhà đầu tư hạ tầng, các nhà đầu tư được cho thuê đất trực tiếp và các lô đất chức năng theo quy hoạch); số lượng doanh nghiệp đang SXKD trong CCN là 253 doanh nghiệp, thuê đất với diện tích 719,31ha, đạt tỷ lệ lấp đầy 24,67%, tổng vốn đầu tư là 7.220,07 tỷ đồng; số lao động thu hút vào CCN là 59.930 lao động.
Tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy phát triển
Tuy nhiên, công tác quy hoạch còn gặp một số khó khăn vướng mắc. Việc thu hút đầu tư, giao đất, cho thuê đất trong KKT, KCN, CCN còn một số hạn chế như: số lượng dự án thu hút được nhiều nhưng đa phần dự án có quy mô nhỏ, còn tồn tại nhiều dự án triển khai chậm tiến độ, một số CCN đã quy hoạch từ nhiều năm nhưng chưa thu hút được dự án nào vào đầu tư, công tác quản lý đất đai, quản lý trật tự xây dựng tại một số KCN, CCN thực hiện chưa nghiêm, công tác quản lý đầu tư sản xuất kinh doanh trong các KCN, CCN còn chưa được quan tâm đúng mức, để xảy ra tình trạng thực hiện không đúng mục đích như: sản xuất các sản phẩm không đúng theo dự án đăng ký, xả thải không đúng vị trí, gây ô nhiễm môi trường...
Cùng với các chính sách ưu đãi đầu tư theo quy định của Chính phủ, việc thu hút đầu tư vào KKT, KCN, CCN được tỉnh quan tâm đã đạt được kết quả tích cực, đáp ứng được nhu cầu về mặt bằng sản xuất của các doanh nghiệp, cụ thể: KTT Nghi Sơn được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đồ án điều chỉnh, mở rộng Quy hoạch chung xây dựng đến năm 2035, tầm nhìn đến 2050 tại Quyết định số 1699/QĐ-TTg ngày 7/12/2018, diện tích được quy hoạch mở rộng với tổng diện tích là 106.000 ha. Tỷ lệ lấp đầy đất công nghiệp trong KTT Nghi Sơn (giai đoạn 18.611ha) đạt 55%; đối với KTT Nghi Sơn mở rộng đạt 15%. |
Nguyên nhân là do khó khăn về nguồn vốn nên hệ thống hạ tầng ngoài hàng rào của một số CCN chưa được đầu tư như cấp thoát nước, giao thông đối ngoại; công tác xúc tiến đầu tư chưa có trọng tâm, trọng điểm, một số nhà đầu tư năng lực còn hạn chế; quản lý Nhà nước về đầu tư còn nhiều bất cập, chồng chéo.
Việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) của tỉnh Thanh Hóa đến năm 2018 mới được phê duyệt, dẫn đến Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) cấp huyện năm 2019 mới được UBND tỉnh phê duyệt, do vậy một số dự án, công trình phát sinh năm 2016, 2017, 2018 phải chờ cập nhật quy hoạch sử dụng đất cấp huyện do chưa có trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong kỳ. Chất lượng quy hoạch, kế hoạch hạn chế và việc chậm phê duyệt điều chỉnh quy hoạch dẫn đến khó khăn trong việc thực hiện giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.
Thủ tục cho phép chuyển mục đích đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng thời gian kéo dài, ảnh hưởng đến công tác thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất các dự án đầu tư. Việc thực hiện thu hồi đất và triển khai thực hiện dự án theo tiến độ đầu tư, do đó, diện tích thực hiện dự án đăng ký trong kế hoạch hàng năm phân bổ theo tiến độ thực hiện dự án để đảm bảo chỉ tiêu diện tích sử dụng đất cấp huyện và khả năng hoàn thành kế hoạch sử dụng đất, nhưng khi trình Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, các Bộ thẩm định yêu cầu phải có đủ chỉ tiêu diện tích toàn bộ dự án trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm của năm, điều này dẫn đến bất cập trong thực tiễn và khó khăn trong quá trình thực hiện.
Vì vậy, Thanh Hóa đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai 2013 theo hướng đổi mới, đồng bộ, quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng, phát huy được nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội; tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản về chính sách đất đai, hoàn thiện các quy định để thúc đẩy phát triển, trong đó chú trọng nội dung chuyển đổi mục đích sử dụng đất phục vụ phát triển công nghiệp, đặc biệt với những địa phương đặc thù, có lợi thế; đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Thanh Hóa nói riêng và đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới trên cả nước./.