Thông tuyến cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt và Cam Lâm - Vĩnh Hảo
Đã thông xe một phần
Theo Cục Đường cao tốc Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, thực tế triển khai các dự án thành phần PPP cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020 cho thấy, dù các dự án được đánh giá là hiệu quả về tài chính, với mức vốn nhà nước hỗ trợ trên 50% tổng mức đầu tư, thời gian thu hồi vốn chỉ từ 16 - 17 năm, song vẫn gặp nhiều khó khăn.
Vì vậy, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội chuyển đổi 5/8 dự án thành phần từ phương thức PPP sang đầu tư công. Trong đó, dự án Diễn Châu - Bãi Vọt và Cam Lâm - Vĩnh Hảo là 2/3 dự án thành phần còn lại tiếp tục thực hiện theo phương thức PPP thành công và chuẩn bị thông xe.
Cụ thể, cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo có tổng chiều dài 78,5 km đi qua địa phận 3 tỉnh: Khánh Hòa (5 km), Ninh Thuận (63 km), Bình Thuận (12 km). Giai đoạn phân kỳ, dự án được đầu tư quy mô 4 làn xe hạn chế, bề rộng nền đường 17m. Các đoạn nền đường đào sâu, đắp cao quy mô 6 làn xe. Vận tốc thiết kế 80 km, nhà nước tham gia gần 4.200 tỷ đồng; nguồn vốn nhà đầu tư hơn 3.786 tỷ đồng.
Một đoạn cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt được hoàn thiện để chuẩn bị thông xe theo kế hoạch. Ảnh: Thái Tuấn |
Cao tốc đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt có tổng chiều dài hơn 49 km đi qua địa bàn hai tỉnh: Nghệ An (hơn 44 km), Hà Tĩnh (gần 5 km). Giai đoạn phân kỳ, dự án được đầu tư quy mô 4 làn xe hạn chế, bề rộng nền đường 17 m. Các đoạn đào sâu đắp cao quy mô 6 làn xe. Tổng vốn đầu tư dự án hơn 11.157 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn nhà nước tham gia dự án hơn 6.067 tỷ đồng; vốn nhà đầu tư hơn 5.090 tỷ đồng.
Dịp 30/4/2024, dự án sẽ được thông xe 30 km đầu tiên từ nút giao quốc lộ (QL) 7A đến nút giao QL46B. Đối với đoạn còn lại sẽ được hoàn thành sau khi phạm vi xử lý nền đất yếu được xử lý theo đúng yêu cầu kỹ thuật.
Cũng theo Cục Đường cao tốc Việt Nam, quá trình triển khai các dự án đã rút ra bài học sâu sắc, thành phần trong liên danh nhà đầu tư ít, việc triển khai có phần thuận lợi hơn. Ngay cả trong quá trình thẩm định để cung cấp tín dụng, nếu liên danh có quá nhiều thành viên thì công tác thẩm định của ngân hàng kéo dài đến cả năm, dễ gây chậm tiến độ.
Thực tiễn cho thấy, nếu nhiều nhà đầu tư cùng bắt tay nhau "rót tiền" cho dự án, có sự tương hỗ cho nhau, ban quản lý điều hành tốt cũng sẽ huy động được sức mạnh. Dự án PPP giao thông muốn hiệu quả cả về tiến độ và chất lượng, các nhà đầu tư phải có sự đồng điệu và "chia lửa” lẫn nhau.
Theo đại diện Ban quản lý dự án (QLDA) 6 (Bộ GTVT), dự án PPP muốn thực hiện hiệu quả, một trong những yếu tố quan trọng là phải thẩm định kỹ lưỡng, lựa chọn nhà đầu tư có tiềm lực. "Quyết định tiến độ của dự án là vốn. Cần chọn được nhà đầu tư có thực lực tài chính mạnh.
Còn theo Cục Đường cao tốc Việt Nam, tài chính là vấn đề cốt lõi của dự án đầu tư theo phương thức PPP. Nếu nhà đầu tư không có thế mạnh về tài chính, quá trình triển khai sẽ gặp rất nhiều khó khăn, chưa kể các phát sinh.
Sớm giải phóng mặt bằng để có trạm dừng nghỉ trên cao tốc
Bộ GTVT đã phê duyệt mạng trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông gồm 36 trạm dừng nghỉ. Trong đó, 9 trạm dừng nghỉ đã và đang đầu tư xây dựng; một trạm do địa phương quản lý sẽ triển khai khi đầu tư cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng; 2 trạm dừng nghỉ do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý gồm Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Bến Lức - Trung Lương).
Bộ GTVT đang triển khai thủ tục đầu tư và 24 trạm dừng nghỉ. Trong đó, 21/24 trạm dừng nghỉ đã lựa chọn nhà thầu các gói thầu tư vấn thực hiện lập hồ sơ; 3 trạm dừng nghỉ còn lại gồm La Sơn - Hòa Liên, đoạn hầm Đèo Cả, Mỹ Thuận - Cần Thơ đang rà soát các thủ tục pháp lý, phương án đầu tư.
Đối với 8/10 trạm dừng nghỉ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, Bộ GTVT đã phát hành hồ sơ mời thầu ngày 20/3, thời gian mở thầu ngày 20/5, dự kiến lựa chọn xong nhà đầu tư trong tháng 6/2024.
Cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt đã thông xe đúp dịp kỷ niệm 49 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. |
Khi có nhà đầu tư, Cục Đường cao tốc Việt Nam đề nghị ban QLDA đàm phán với nhà đầu tư trúng thầu để có biện pháp ưu tiên thi công hạ tầng, phương án bố trí các công trình tạm phục vụ người tham gia giao thông trong thời gian ngắn nhất (tối đa 2-3 tháng) đồng thời đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các hạng mục công trình công cộng.
“Như vậy, có thể đưa các công trình tạm phục vụ cho cao tốc trong tháng 8/2024 (5 trạm dừng nghỉ) và tháng 10/2024 (3 trạm dừng nghỉ), sau khi trạm dừng nghỉ trên dự án cao tốc QL45 - Nghi Sơn hoàn thành công trình tạm dự kiến trong tháng 11/2024 sẽ đảm bảo các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đã thông xe đều có vị trí dừng nghỉ tạm phục vụ người dân” - ông Nguyễn Quang Giang - Cục phó Cục Đường cao tốc Việt Nam cho biết.
Với 13 trạm dừng nghỉ còn lại gồm 2 trạm dừng nghỉ Cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2017-2020 là QL45 - Nghi Sơn, Cam Lộ - La Sơn và 11 trạm dừng nghỉ thuộc giai đoạn 2021-2025 tư vấn đang thực hiện lập hồ sơ đề xuất dự án.
Để sớm hoàn thành các trạm dừng nghỉ đưa vào khai thác đồng bộ các công trình hạ tầng trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Cục Đường cao tốc Việt Nam đề nghị ban QLDA tập trung chỉ đạo, ưu tiên bố trí nhân lực, bám sát tiến độ thực hiện nêu trên để tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo quy định; chỉ đạo nhà đầu tư rút ngắn tối đa thời gian thi công trạm dừng nghỉ, đặc biệt là các công trình tạm, công cộng phục vụ người dân và phương tiện tham gia giao thông trên tuyến.
Với 8 trạm dừng nghỉ đang mời thầu, ban QLDA phối hợp với địa phương đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng để có thể bàn giao mặt bằng sạch ngay sau khi lựa chọn được nhà đầu tư. 13 trạm dừng nghỉ còn lại tổ chức cắm cọc giải phóng mặt bằng và bàn giao cho địa phương ngay sau khi hồ sơ đề xuất dự án được phê duyệt, phối hợp chặt chẽ để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng; chuẩn bị trước dự thảo hồ sơ mời thầu để có thể hoàn thiện và trình duyệt ngay sau khi thông tư được ban hành.