Xác định giá đất đảm bảo tính khả thi, sát với giá thị trường
PV: Bộ Tài chính tổ chức lấy ý kiến về các quy định liên quan đến vấn đề tài chính đất đai trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và các vấn đề khác có liên quan đến phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính. Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?
Ông Nguyễn Tân Thịnh |
Ông Nguyễn Tân Thịnh: Bộ Tài chính tổ chức lấy ý kiến các đại diện bộ, ngành, địa phương và các chuyên gia đối với 3 nhóm vấn đề: tài chính đất đai; quản lý sử dụng tài sản công đảm bảo sự liên thông với Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các vấn đề có liên quan khác.
Tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã đưa ra nhiều quy định liên quan đến vấn đề tài chính đất đai, như: các khoản thu tài chính đối với đất đai; điều tiết các khoản thu từ đất đai giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; quỹ phát triển đất; miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; các căn cứ để xác định tiền thuê đất, tiền sử dụng đất và nhiều vấn đề liên quan khác.
Các nội dung tại dự thảo luật được tổng kết, đánh giá trong quá trình thi hành Luật Đất đai năm 2013, cập nhật các kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực này. Cơ bản theo đánh giá của các bộ, ngành, địa phương, các quy định trong dự thảo luật cơ bản đáp ứng các yêu cầu thực tiễn, cập nhật các vấn đề để giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn hiện nay.
Các chính sách tài chính đất đai cần có tính cụ thể, khả thi do đó, các đại biểu đã góp ý nhiều ý kiến quan trọng vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cũng như để Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường trong quá trình sửa đổi có cơ sở xây dựng để đảm bảo tính khả thi.
Các ý kiến góp ý tập trung chủ yếu vào các khoản nghĩa vụ tài chính đối với đất đai, sẽ được xác định như thế nào; các ý kiến liên quan đến xác định giá đất để đảm bảo tính khả thi trong thực tiễn đảm bảo sát giá thị trường, đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước (NSNN), cũng như hài hòa quyền lợi và nghĩa vụ giữa Nhà nước - doanh nghiệp và người dân.
PV: Nhiều vấn đề liên quan đến tài chính đất đai và giá đất được người dân hết sức quan tâm. Đây là nhóm vấn đề quan trọng nhất và có ý kiến cho rằng nếu xử lý được vấn đề khó, phức tạp này thì sẽ xử lý được rất nhiều các quy định khác. Ông nhận xét gì về điều này?
Ông Nguyễn Tân Thịnh: Theo dự thảo luật, trong quyết định giao đất cho thuê đất, quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá, đấu thầu phải xác định được giá đất trong đó. Theo tôi, quy định này là cần thiết để đảm bảo huy động kịp thời nhất các khoản thu từ đất đai vào NSNN. Tuy nhiên, để làm được điều đó cần rất nhiều điều kiện khác nhau, đặc biệt là quy hoạch chi tiết của các lô, thửa đất mà chúng ta dự kiến giao.
Ảnh minh họa |
Về bảng giá đất, theo dự thảo luật sẽ được xây dựng công bố hàng năm và không còn khung giá đất theo đúng nghị quyết của trung ương. Tuy nhiên, để xây dựng bảng giá đất cụ thể thì cần điều kiện khác nhau. Điều này sẽ phụ thuộc vào văn bản chi tiết hướng dẫn thi hành luật. Các địa phương cũng kiến nghị cần có quy định cụ thể căn cứ, phương pháp xác định giá, đặc biệt là việc thu thập, xử lý thông tin giá thị trường phục vụ cho việc định giá được chuẩn xác.
Về trách nhiệm xây dựng bảng giá đất, theo quy định hiện hành và trong dự thảo luật quy định, cơ quan tài nguyên môi trường sẽ chịu trách nhiệm xây dựng bảng giá đất, còn cơ quan tài chính địa phương thường trực thẩm định bảng giá đất đó. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước về đất đai tại địa phương phải có ý kiến về kết quả tư vấn thẩm định giá của các tư vấn, chứ không phải chỉ thẩm định kết quả tư vấn của các doanh nghiệp và các đơn vị tư vấn về giá đất. Cơ quan quản lý đất đai phải có quan điểm trước khi các cơ quan thẩm định.
Hội đồng thẩm định cần quy định cụ thể trách nhiệm thẩm định về phương pháp xác định giá, tư vấn xác định giá phải chịu trách nhiệm về tính trung thực, khách quan của kết quả định giá và các thông tin làm cơ sở định giá đất.
PV: Quy định về thẩm định giá đất hiện có nhiều ý kiến trái chiều. Có ý kiến đề nghị cần thẩm định độc lập. Ý kiến khác lại cho rằng, đất là tài sản của Nhà nước thì Nhà nước phải định giá đất, thưa ông?
Ông Nguyễn Tân Thịnh: Về nguyên tắc, chủ sở hữu tài sản phải quyết định giá đối với tài sản của mình khi cho thuê, chuyển nhượng, bán. Đó là nguyên tắc chung.
Đất đai của ta là sở hữu toàn dân, Nhà nước là đại diện chủ sở hữu sẽ quyết định giá đất đó khi giao, cho thuê đất. Còn các hội đồng tư vấn độc lập nếu có, chỉ là các cơ quan giúp Nhà nước quyết định giá đó sao cho phù hợp thực tiễn.
PV: Theo ông, vậy có nên thực hiện thời điểm xác định giao đất, cho thuê đất phải theo nguyên tắc “tiền trao, cháo múc”, phải quy định thời gian từ khi xác định giá đất đến khi giao đất không quá 6 tháng hay không?
Ông Nguyễn Tân Thịnh: Thời điểm tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất là thời điểm Nhà nước giao đất, cho thuê đất, quyết định chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất.
Hiện nay quy định trong dự thảo luật, quyết định giá đất trong thời hạn 6 tháng, theo tôi cũng có điểm hợp lý vì giá trị của chứng thư thẩm định giá có thời hạn là 6 tháng. Do vậy, xác định thời điểm quyết định giao đất cho thuê đất trong thời hạn 6 tháng thì giá trị của chứng thư vẫn còn hiệu lực, cho nên cũng có yếu tố hợp lý. Tuy nhiên, quy định này cần sự bàn thảo, cho ý kiến của các chuyên gia, các cơ quan, đơn vị của địa phương cho phù hợp.
PV: Vậy quy định về chính sách thuế trong dự thảo luật liệu cần cụ thể, chi tiết hơn nữa hay không, thưa ông?
Ông Nguyễn Tân Thịnh: Tôi cho rằng, hiện nay liều lượng của Luật Đất đai (sửa đổi) đề cập đến các khoản thuế là phù hợp. Bởi vì trong đó chỉ nêu các chính sách thuế là gì, còn cụ thể các thuế đó cho đối tượng nào, căn cứ để thực hiện các khoản thuế đó như thế nào và cách thức thu sẽ được đề cập ở các luật thuế là phù hợp.
PV: Xin cảm ơn ông!