Bắc Ninh: “Lợi ích kép” từ đấu thầu qua mạng
Xác định đấu thầu qua mạng là xu hướng tất yếu, góp phần bảo đảm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đến hết tháng 10 năm nay, toàn tỉnh có 709 gói thầu được đăng tải thông tin trên mạng đấu thầu quốc gia, với tổng giá trị hơn 3.717,5 tỷ đồng. Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, công tác đấu thầu qua mạng được triển khai quyết liệt hơn với 659 gói thầu được tổ chức đấu thầu qua mạng, đạt tỷ lệ 98,03% về số lượng gói thầu và gần 94,42% về giá trị gói thầu (tương ứng với giá trị 3509,97/3717,57 tỷ đồng), đưa Bắc Ninh nằm trong tốp đầu cả nước về số lượng và giá trị gói thầu được đấu thầu qua mạng.
Công tác đấu thầu qua mạng trên địa bàn có nhiều chuyển biến tích cực. |
Các gói thầu thuộc cấp tỉnh phê duyệt và theo dõi trong 10 tháng qua là 187 hồ sơ với tổng giá trị hơn 1.961 tỷ đồng; trong đó, 161 gói thầu được đấu thầu cạnh tranh thông thường và qua mạng với giá trị hơn 1.856 tỷ đồng. Đã có 156/161 gói thầu được lựa chọn theo hình thức đầu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh qua mạng, đạt gần 97% số lượng gói thầu. Nhiều cơ quan, đơn vị tổ chức đấu thầu qua mạng 100% các gói thầu được giao làm chủ đầu tư.
Điển hình như, năm 2021, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bắc Ninh triển khai 30 gói thầu sửa chữa định kỳ, đột xuất các công trình giao thông từ nguồn vốn bảo trì đường bộ; trong đó có 19 gói thầu có giá trị hơn 1 tỷ đồng đủ điều kiện đấu thầu qua mạng. Đến nay, 100% gói thầu đấu thầu qua mạng, tỷ lệ tiết kiệm qua đấu thầu luôn đạt từ 2,5-3%, góp phần tăng cường minh bạch hóa công tác đấu thầu. Nhờ đó, chủ đầu tư lựa chọn được những nhà thầu năng lực tốt, bảo đảm chất lượng các công trình; sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách đầu tư của tỉnh.
Việc phân cấp trong đấu thầu được các sở, ngành, địa phương thực hiện theo Luật Đấu thầu và Nghị định 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ và được thanh tra, kiểm tra, giám sát thường xuyên. Qua rà soát cho thấy, công tác đấu thầu qua mạng triển khai đúng quy định, 100% hồ sơ đấu thầu được giải quyết trước, đúng thời hạn; chọn ra được các nhà thầu đủ năng lực, đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật, chất lượng, tiết kiệm ngân sách. Theo đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh, việc đấu thầu qua mạng chính thức được triển khai trên địa bàn tỉnh từ năm 2016; sau 5 năm thực hiện mang lại “lợi ích kép” cho Nhà nước và các đơn vị tham gia dự thầu, bảo đảm công khai, minh bạch, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, tránh được những tiêu cực phát sinh trong quá trình đấu thầu, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách Nhà nước.
Mặt khác, quá trình lựa chọn nhà thầu đều được thực hiện thông qua mạng internet, giúp tạo thuận lợi tối đa cho các đơn vị tham gia, tiết kiệm được thời gian và chi phí cho các bên liên quan.
Thực tế cho thấy, dù khung pháp luật về đấu thầu quy định khá chặt chẽ, nhưng quá trình thực thi vẫn tồn tại một số tiêu cực khi thông tin về hình thức đấu thầu qua mạng còn hạn chế. Cùng với đó là những khó khăn về trang bị kỹ thuật, hệ thống hạ tầng, nguồn nhân lực phục vụ công tác đấu thầu qua mạng khiến nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa không nắm được thông tin về việc đấu thầu qua mạng để tham gia...
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu thầu qua mạng, cùng với sự chủ động của các chủ đầu tư, tỉnh cũng tổ chức thanh tra chuyên ngành về việc chấp hành các quy định pháp luật về đấu thầu, quản lý sử dụng vốn đầu tư ngân sách nhà nước; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục thiếu sót trong đấu thầu; giúp các đơn vị hoàn thiện, đưa công tác đấu thầu thực hiện đúng quy định.
Tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn của các đơn vị chủ đầu tư, ban quản lý dự án, từ đó chọn ra những nhà thầu chất lượng, đủ năng lực, hoàn thành dự án theo cam kết. Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành sổ tay hướng dẫn thực hiện công tác đấu thầu theo phạm vi quản lý nhà nước, để các địa phương dễ dàng triển khai thực hiện, nhất là cấp huyện, cấp xã./.