Bộ Tài chính luôn dẫn đầu trong xếp hạng về chuyển đổi số
Bộ Tài chính luôn dẫn đầu trong xếp hạng về chuyển đổi số. Ảnh: TL |
Bộ Tài chính đã triển khai 764 dịch vụ công
Công tác cải cách hành chính (CCHC) của Bộ Tài chính ngày càng được quan tâm, chất lượng và hiệu quả công việc ngày một rõ nét hơn, Lãnh đạo Bộ Tài chính đã quan tâm, chỉ đạo xuyên suốt, linh hoạt, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực tài chính - ngân sách, góp phần giữ vững ổn định, kiềm chế lạm phát, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Kết quả này đã thể hiện sự nỗ lực, cố gắng của Bộ Tài chính trong triển khai công tác CCHC 6 tháng đầu năm 2024.
Hiện nay, tổng số thủ tục hành chính (TTHC) còn hiệu lực thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính là 764 TTHC, giảm so với cùng kỳ tháng 6/2023 là 30 TTHC. Trong đó, lĩnh vực thuế là 235 TTHC; lĩnh vực hải quan là 225 TTHC; lĩnh vực kho bạc nhà nước là 11 TTHC; lĩnh vực dự trữ là 7 TTHC; lĩnh vực chứng khoán là 104 TTHC; lĩnh vực tài chính chung là 182 TTHC.
Đáng lưu ý, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 412/QĐ-TTg phê duyệt 42 phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính giai đoạn 2024 - 2025. Đến ngày 30/6/2024, Bộ Tài chính đã thực thi được 9/42 phương án đã được phê duyệt tại Quyết định số 412/QĐ-TTg.
Cùng với việc quyết liệt triển khai công tác CCHC, trọng tâm là công tác cải cách TTHC, Bộ Tài chính đã xây dựng và phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số một cách đồng bộ và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực tài chính. Việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước ngày càng được nâng lên và phát triển theo hướng hiện đại hóa, đáp ứng nhu cầu quản lý nhà nước của Bộ.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính tiếp tục vận hành đảm bảo hoạt động ổn định của hệ thống kết nối chia sẻ dữ liệu số ngành Tài chính, trục liên thông văn bản điện tử ngành Tài chính, đã ban hành kế hoạch thuê dịch vụ nền tảng chia sẻ, tích hợp dữ liệu dùng chung ngành Tài chính phục vụ tài chính điện tử hướng tới Tài chính số.
Hiện nay, Bộ Tài chính đã triển khai 764 dịch vụ công, trong đó: có 347 dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) toàn trình, 108 DVCTT một phần và 309 dịch vụ cung cấp thông tin cho tổ chức, cá nhân. Đồng thời, đã hoàn thành kết nối, tích hợp 284 DVCTT trên Cổng dịch vụ công Quốc gia.
Doanh nghiệp, người dân cũng thấy rõ lợi ích khi ngành Tài chính triển khai ứng dụng CNTT, chuyển đổi số. Các chương trình chuyển đổi số nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiết kiệm được nhiều chi phí. Các thủ tục đã được thực hiện nhanh chóng, giúp cho thời gian hao phí trước đây tính bằng giờ, bằng ngày thì nay tính bằng phút.
TS. Nguyễn Đức Hiển - Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã ghi nhận những kết quả đạt được trong chuyển đổi số ngành Tài chính. Theo TS. Nguyễn Đức Hiển, đến nay, việc triển khai chuyển đổi số, chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 của ngành Tài chính đã thu được nhiều kết quả nổi bật. Bộ Tài chính cũng là một trong những bộ ngành đầu tiên ban hành các văn bản định hướng nghiên cứu, thực hiện chuyển đổi số.
“Phủ sóng” tới mọi lĩnh vực
Thời gian qua, ngành Tài chính tiếp tục ghi dấu trong nỗ lực CCHC thông qua việc đạt được nhiều thành quả trong công tác hiện đại hóa lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc.
Theo ông Vũ Hải Sơn - Cục trưởng Cục CNTT, Kho bạc Nhà nước, 100% TTHC lĩnh vực kho bạc đã được cung cấp DVCTT toàn trình và tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các đơn vị liên quan đẩy mạnh thu phí, lệ phí và thu phạt trên Cổng dịch vụ công Quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng nộp ngân sách đối với nhà cung cấp nhằm tiết kiệm chi phí và thời gian tổ chức thu,...
Còn theo ông Lê Đức Thành - Cục trưởng Cục CNTT và Thống kê hải quan, Tổng cục Hải quan, triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, tính đến ngày 30/6/2024, đã có 250 TTHC của 13 bộ, ngành kết nối với 7,43 triệu bộ hồ sơ của hơn 72 nghìn doanh nghiệp. Về cơ chế một cửa ASEAN, Việt Nam tiếp tục trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với tất cả 9 nước ASEAN...
Về Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS và các hệ thống CNTT tập trung của ngành Hải quan, ngành Hải quan tiếp tục quản lý, giám sát và đảm bảo vận hành Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS và các hệ thống CNTT tập trung của ngành Hải quan ổn định 24/7, đảm bảo an ninh, an toàn, đường truyền thông suốt phục vụ đắc lực cho việc thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu.
Về phía Tổng cục Thuế, ông Phạm Quang Toàn - Cục trưởng Cục CNTT cho biết, ngành Thuế đã triển khai hệ thống hóa đơn điện tử tại 63 tỉnh, thành phố. Kết quả từ ngày 1/7/2022 đến ngày 30/6/2024, tổng số hóa đơn đã tiếp nhận và xử lý là gần 8,3 tỷ hóa đơn; Triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, tính đến ngày 30/6/2024, có 71.329 doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền thành công.
Về triển khai chính phủ điện tử, chính phủ số quốc gia, ngành Thuế đã triển khai thành công ứng dụng E-tax trên Mobile, số lượt tải, cài đặt, sử dụng ứng dụng eTax Mobile là 1.170.779 lượt, số giao dịch qua ngân hàng thương mại là 1.867.349 giao dịch với tổng số tiền đã nộp thành công 4.376 tỷ đồng. Đáng chú ý, cơ quan thuế đã triển khai Cổng Thông tin điện tử cho nhà cung cấp nước ngoài; tiếp nhận thông tin từ các sàn thương mại điện tử trong nước; Triển khai hệ thống tích hợp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư...
Trong thời gian tới, ngành Tài chính sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong CCHC để xây dựng bộ máy tinh gọn; đội ngũ công chức đủ phẩm chất, năng lực, ngang tầm nhiệm vụ và ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 để hiện đại hóa hoạt động nhằm hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao./.