Cần có giải pháp phù hợp để ổn định giá sau khi tăng lương
Từ ngày 1/7/2024, mức lương cơ sở chính thức được điều chỉnh tăng thêm 30%, từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng; lương hưu cũng điều chỉnh tăng 15%; mức lương tối thiểu (theo tháng và theo giờ) tăng 6% so với năm 2023. Cũng như những lần tăng lương trước đây, bên cạnh tâm lý phấn khởi khi được tăng lương, đa phần người dân lo ngại giá cả hàng hóa tăng theo, thậm chí nhanh chân tăng trước như một số lần điều chỉnh lương trước đây.
Khó tránh tăng giá khi tăng lương
Dù chưa được tăng lương theo cơ chế mới nhưng giá cả hàng hóa đã tăng đón đầu, từ ổ bánh mì, dịch vụ cắt tóc hay rổ trứng gà. Theo một tiểu thương tại chợ dân sinh trên địa bàn quận Long Biên, giá của nhiều mặt hàng như rau xanh cũng rục rịch tăng. Tuy nhiên, giá rau tăng lại do thời tiết thay đổi liên tục làm hỏng rau, hay nhiều mặt hàng khác như ngô ngọt lại tăng giá do nguồn cung khan hiếm. Việc tăng giá cả hàng hoá không chỉ do tăng lương mà vì nhiều nguyên do khác.
Trước lo ngại về tăng lương sẽ kéo theo tăng giá gây lạm phát, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính), cho rằng việc điều chỉnh lương chủ yếu diễn ra trong khu vực công có quy mô không lớn trong nền kinh tế, chưa đến 8% số lao động, tương ứng gần 4 triệu lao động, chưa kể lương khu vực công thấp hơn nhiều so với lương khu vực tư nhân.
Việc tăng lương cho công chức, viên chức chỉ là số ít và cũng tác động không quá lớn đến mặt bằng giá cả và nền kinh tế. Ảnh: TL |
Theo tính toán của TS. Nguyễn Đức Độ, quỹ lương toàn nền kinh tế chỉ tăng tương ứng 2,4%, bởi vậy, các tác động từ việc tăng lương tới lạm phát thời gian tới sẽ không quá lớn.
Hơn nữa, trên thị trường có hàng chục nghìn mặt hàng, Nhà nước không thể kiểm soát mức tăng giá từng mặt hàng tại từng nơi và cũng không nên làm điều này. Nhà nước chỉ quan tâm danh mục CPI bao gồm 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ thiết yếu với 752 mặt hàng, hay kiểm soát những biến số tác động đến giá cả, lạm phát như: không để cung tiền tăng quá nhanh, lãi suất không nên quá thấp, kiểm soát tỷ giá làm sao ổn định...
"Chúng ta cần đánh giá dựa vào số liệu thống kê, chứ không phải dựa vào cảm tính", ông Độ nhấn mạnh.
Cùng chung quan điểm, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho biết dù nửa cuối năm tăng lương cơ sở tới 30%, cao nhất từ trước đến nay khiến nhiều người lo rằng lạm phát rất cao nhưng điều này không đúng. Bởi thực tế, việc tăng lương cho công chức, viên chức chỉ là số ít và cũng tác động không quá lớn đến mặt bằng giá cả và nền kinh tế.
“Tăng lương có tác động đến tăng giá nhưng không quá nhiều. Bởi giá cả luôn tăng, cũng không thể cấm tăng giá khi tăng lương, chỉ có điều mức tăng cao hay thấp, còn lạm phát hợp lý khoảng 4%/năm là chấp nhận được.
Chẳng hạn, giá mỗi lần cắt tóc nam có thể tăng từ 40 nghìn đồng lên 50 nghìn đồng nhưng không phải năm nào cũng tăng, có thể 5 năm tăng 1 lần, hay thường tăng cao dịp Tết sau đó lại giảm. Một người có thể cảm nhận giá chợ này tăng, song chợ khác chưa chắc đã tăng, ở Hà Nội tăng nhưng ở tỉnh khác chưa tăng" - TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính). |
“Việc tăng lương có thể có tác động tâm lý người dân, điều này khiến giá cả hàng hóa nhích tăng, đặc biệt do các tiểu thương hay tại các chợ dân sinh. Tuy nhiên, cơ quan quản lý nhà nước và Chính phủ đang triển khai rất mạnh mẽ nhiều biện pháp để giá cả ổn định trong thời gian tới”, ông Thịnh khẳng định.
Đánh giá về tác động của đợt tăng lương lần này, PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng, Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân), cho rằng việc điều chỉnh mức lương được thực hiện để cải thiện liên tục mức sống thực tế ít nhất tương đương với tỷ lệ lạm phát và tương xứng với tốc độ tăng trưởng. Điều này còn nhằm ổn định kinh tế vĩ mô và khẳng định năng lực thực hiện vai trò điều tiết của Chính phủ đối với thị trường lao động.
Việt Nam thực hiện đợt tăng lương 30% đối với khu vực công từ ngày 1/7/2024, đây là một quyết định được tính toán thận trọng, đầy đủ, toàn diện, có hệ thống, đánh giá tác động đầy đủ và tham khảo rộng rãi ý kiến của chuyên gia, các tầng lớp nhân dân. Việc tăng lương dẫn đến tình trạng tăng giá ở mức độ nhất định.
Tránh lạm phát tam lý
Để hạn chế tác động của việc “té nước theo mưa”, lạm phát tâm lý khi tăng lương, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) và Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cần tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động giá cả, thị trường, tránh tình trạng tăng giá theo tăng lương đối với nhóm hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, hàng hóa do Nhà nước quyết định, đặc biệt sau ngày 1/7/2024 khi việc tăng lương cơ sở được thực hiện.
Cần có giải pháp phù hợp để ổn định giá sau khi tăng lương để không dẫn đến tình trạng nền kinh tế thiết lập một mặt bằng giá mới. Ảnh: TL |
Bên cạnh đó, tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, tạo nền tảng cho phục hồi và phát triển bền vững của nền kinh tế. Tăng trưởng GDP quý 1/2024 đạt 5,66%, quý 2/2024 tăng 6,93% so với cùng kỳ năm trước, đây là tốc độ tăng tương đối cao trong nhiều năm. Tăng trưởng kinh tế sẽ là nhân tố hỗ trợ đắc lực cho việc giữ ổn định nền kinh tế, giúp ổn định tâm lý, tránh tình trạng lạm phát tâm lý. Ngoài ra, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về điều hành giá.
Cùng chung quan điểm, PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng cho rằng cần có giải pháp phù hợp để ổn định giá sau khi tăng lương để không dẫn đến tình trạng nền kinh tế thiết lập một mặt bằng giá mới, gây tình trạng giảm mức tiền lương thực tế, làm giảm phần nào hiệu lực của chính sách tăng lương.
Đối với Nhà nước, cần xây dựng nguồn dự trữ hàng hóa, nhất là hàng thiết yếu (như: lương thực, thực phẩm, xăng dầu, chi phí khám chữa bệnh, thuốc chữa bệnh, giá điện…) ổn định, quy mô lớn, chuỗi cung ứng bền vững.
Cũng theo ông Lạng, khi khu vực công tăng lương, để ổn định giá cả, doanh nghiệp cần tích cực, chủ động ủng hộ chính sách của Chính phủ thông qua các sáng kiến hoặc giải pháp tiết kiệm chi phí để giảm giá bán, tăng sức cạnh tranh về giá cùng với cải thiện chất lượng.
Ngoài sức ép từ tăng lương lên mặt bằng giá cả nửa cuối năm 2024, các cơ quan có thẩm quyền sẽ điều chỉnh giá một số mặt hàng Nhà nước quản lý theo lộ trình đã định trước (như: có thể sẽ tăng giá điện 2 lần (vào cuối tháng 7/2024 và cuối năm 2024), tăng học phí đại học, giá dịch vụ y tế...) cũng gây tác động lan truyền, làm tăng CPI ở Việt Nam qua nhiều vòng.../.