Gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu từ việc tăng năng lực nội tại
Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đồ họa: Văn Chung |
Việt Nam đang trở thành trung tâm kết nối
Nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp (DN) nước ta đang ở giai đoạn giao thoa đặc biệt của nhiều xu hướng phát triển. Trong đó, nổi bật là xu hướng chuyển dịch của chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu. Nhiều tập đoàn, DN lớn đã và đang có các hành động cụ thể để thay đổi cơ cấu chuỗi cung ứng, đổi mới hoạt động sản xuất kinh doanh.
Theo đó, Việt Nam được nhiều quốc gia, tập đoàn, DN lớn trên toàn cầu đánh giá là điểm đến đầu tư chiến lược và nhiều tiềm năng. Đây chính là thời điểm lịch sử mang đến cơ hội lớn cho nền kinh tế và các DN Việt Nam trong việc tiếp nhận dòng vốn đầu tư, công nghệ để trở thành mắt xích trong những chuỗi cung ứng đang bị thiếu hụt trên toàn cầu.
Trong kết quả tích cực của nền kinh tế nước ta 6 tháng đầu năm 2024, ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ của hoạt động xuất khẩu với kim ngạch ước đạt gần 189 tỷ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2023. Đáng chú ý, ở một số mặt hàng trọng điểm ghi nhận kim ngạch xuất khẩu khởi sắc không chỉ xuất phát từ nhu cầu của thị trường mà có sự dịch chuyển nhất định đơn hàng từ các quốc gia khác sang Việt Nam.
Nhận định Việt Nam đang trở thành trung tâm kết nối, TS. Nguyễn Tú Anh - Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế (Ban Kinh tế Trung ương) cho rằng, nền kinh tế thế giới đang có xu hướng phân cực và dòng vốn đầu tư toàn cầu đang dịch chuyển mạnh mẽ. Tại Việt Nam, xu hướng này bắt đầu diễn ra mạnh mẽ từ năm 2022, trong đó, có các trung tâm của chuỗi cung ứng thế giới và Trung Quốc sang Việt Nam.
Dẫn chứng bằng các con số có thể thấy, vốn đầu tư mới từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng từ khoảng 2,3 tỷ USD năm 2019 lên 3,5 tỷ USD vào năm 2023. Về tỷ trọng, vốn đầu tư từ Trung Quốc chiếm 30,9% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam năm 2019 đã tăng lên 34% vào năm 2023.
Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ đang làm thay đổi hoạt động thương mại và đầu tư trên thế giới. Trước đây, theo mô hình truyền thống, khoảng cách địa lý quyết định thương mại đầu tư thì hiện nay, thương mại đầu tư không bị ảnh hưởng bởi yếu tố khoảng cách địa lý.
“Việt Nam đang có vị thế đặc biệt và cơ hội lớn kết nối với các xu thế phân cực cũng như kết nối được với các cực. Cùng với dòng vốn từ Trung Quốc đang tăng, dòng vốn từ các nước khác như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc vẫn tiếp tục tăng nhanh trong thời gian qua. Nhìn từ góc độ nền kinh tế Việt Nam, không có sự phân cực nào” - TS. Nguyễn Tú Anh nhấn mạnh.
Đổi mới cách tiếp cận về hỗ trợ
Tuy nhiên, những cơ hội lớn luôn đi cùng với thách thức tương ứng. Theo báo cáo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong khoảng 800.000 DN tư nhân trong nước đang hoạt động, số DN lớn chỉ chiếm chưa đến 2%, còn lại là DN nhỏ và siêu nhỏ. Theo ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI, vấn đề chính với các DN nhỏ và vừa là thiếu kỹ năng quản lý, ít đổi mới công nghệ, khả năng tiếp cận tài chính còn rất nhiều hạn chế. Trong khi đó, việc kết nối kinh doanh giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước còn hết sức mờ nhạt… đây là những hạn chế của DN khi tham gia vào chuỗi cung ứng của thế giới.
Còn theo TS. Nguyễn Tú Anh, thách thức lớn nhất là nguồn nhân lực. Việt Nam không thừa lao động mà đang thiếu lao động có kỹ năng tay nghề và cả lao động phổ thông. Sau đó là việc làm sao để đảm bảo tính ổn định, đảm bảo chất lượng hàng hóa và khả năng kiểm soát rủi ro đầu tư trong quá trình kết nối giữa các DN trong nước cũng như hợp tác với các DN có vốn đầu tư nước ngoài.
Thời gian qua, Chính phủ đã thực hiện nhiều cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển các chuỗi cung ứng mà Việt Nam có thế mạnh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo… Đặc biệt, những nỗ lực để Việt Nam đã ký kết 19 hiệp định thương mại tự do với các đối tác quan trọng hàng đầu trên thế giới; trong đó có 16 hiệp định thương mại tự do có hiệu lực thực thi tạo cơ hội lớn để phát triển chuỗi cung ứng.
Trên cơ sở đó, các DN sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam đã và đang tái cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, đưa hàng hóa Việt Nam thâm nhập vào nhiều thị trường đòi hỏi yêu cầu cao về chất lượng và các tiêu chuẩn phát triển bền vững. Việt Nam đã dần phát triển nhằm tự chủ một số công nghiệp nền tảng để giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nước ngoài.
Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, vẫn còn một số khó khăn trong quá trình thực thi, như nhận thức, tư duy, cách nghĩ, tầm nhìn của các nhà làm chính sách dẫn đến đôi chỗ thiếu minh bạch và bình đẳng, thiếu tính ổn định, còn chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu chặt chẽ.
Để hỗ trợ DN Việt Nam gia nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu cần có sự đổi mới trong cách tiếp cận về hỗ trợ DN theo hướng trọng tâm, trọng điểm hơn nhằm đạt được các mục tiêu cụ thể, ưu tiên về góc độ phát triển DN hiện nay.
Theo nhiều chuyên gia, điểm quan trọng nhất chính là xác lập vị thế trong các chuỗi cung ứng toàn cầu, và khi nền kinh tế bắt đầu hồi phục trở lại, cần trả lại không gian cho thị trường và cho các nguyên tắc của cơ chế thị trường. Các biện pháp mang tính chất bao cấp, hỗ trợ, miễn, giảm đã được thực hiện quá dài cũng phải được “thu lại” hoặc thu hẹp dần về quy mô hay cường độ, nhờ đó thị trường sẽ quay trở lại vận hành đúng như quy luật vốn có của nó…
Thu lại dần những biện pháp hỗ trợ không có nghĩa là Nhà nước không tiếp tục có những biện pháp kiến tạo cho DN phát triển. Thay vào đó tập trung nguồn lực từ ngân sách nhà nước để đầu tư, hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm cho các DN, các tổ chức đóng vai trò quan trọng trong việc định hình tương lai về kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế sáng tạo; hay các DN, các tổ chức trong các hệ sinh thái của những ngành công nghiệp mới trong tương lai như chất bán dẫn, chip, phương tiện vận tải điện, năng lượng sạch, kinh tế số, trí tuệ nhân tạo.
Các chính sách hỗ trợ theo hướng này sẽ giảm bớt hình thức trợ cấp, hỗ trợ, nâng cao tinh thần tự lực, tự cường của cộng đồng DN, hỗ trợ DN tiên phong, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám dấn thân vào các lĩnh vực mới mà nền kinh tế thực sự cần.
100 doanh nghiệp là nhà cung ứng cấp một cho các tập đoàn đa quốc gia Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, Việt Nam đang có khoảng 5.000 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đang cung cấp cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu sang các thị trường chính là Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Kỳ. Tuy nhiên, trong số khoảng 5.000 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ này, có khoảng 100 doanh nghiệp trong nước là nhà cung ứng cấp một cho các tập đoàn đa quốc gia; khoảng 700 doanh nghiệp là nhà cung ứng cấp hai, cấp ba… |