Cần quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm thực hiện bình ổn giá của các bộ, ngành, địa phương
Đảm bảo minh bạch trong bình ổn giá
Về bình ổn giá, dự thảo nghị định đã cụ thể hóa các nội dung được giao tại luật. Theo đó, đã quy định về trình tự, thủ tục, các thành phần hồ sơ, tài liệu cần thiết để các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh thực hiện khi cần bổ sung vào hoặc đưa hàng hóa, dịch vụ ra khỏi Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá; qua đó, đảm bảo sự minh bạch, tạo thuận lợi cho khâu tổ chức thực hiện, nhất là trong các bối cảnh cần đảm bảo tính kịp thời khi thực hiện bình ổn giá.
Các bộ, ngành, địa phương phải triển khai, đánh giá khi có biến động bất thường về giá. |
Về tổ chức triển khai bình ổn giá, trên cơ sở các nội dung quy định tại luật, tại dự thảo nghị định đã quy định cụ thể hơn về các nội dung công việc cần các bộ, ngành, địa phương triển khai, đánh giá khi có hiện tượng biến động bất thường về giá. Trong đó, tập trung các nội dung đánh giá về biến động thị trường, nhận định sơ bộ về nguyên nhân tăng, giảm giá cũng như đánh giá các tác động đến thị trường.
Đây là những nội dung quan trọng để Bộ Tài chính có cơ sở tổng hợp, trình Chính phủ quyết định chủ trương bình ổn giá và phân công việc tổ chức thực hiện cho các bộ, ngành, địa phương
Ngoài ra, tại dự thảo nghị định cũng quy định các nội dung cụ thể về việc triển khai các bước tiếp theo của các bộ, ngành, địa phương, trong đó có việc ban hành quyết định bình ổn giá theo thẩm quyền.
Cụ thể các nội dung triển khai bình ổn giá trong các trường hợp cần triển khai ngay để đáp ứng các yêu cầu trong bối cảnh khẩn cấp theo quy định tại khoản 2 Điều 20 Luật Giá.
Theo dự thảo, thẩm quyền, trách nhiệm về bình ổn giá được quy định rất rõ. Cụ thể, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có trách nhiệm quy định đặc điểm kinh tế - kỹ thuật, đề xuất, tham mưu, hướng dẫn, tổ chức thực hiện bình ổn giá, theo phân công của Chính phủ và quyết định áp dụng một hoặc một số biện pháp bình ổn giá quy định tại khoản 1 Điều 19 Luật Giá theo thẩm quyền đối với các mặt hàng thóc tẻ, gạo tẻ; phân đạm, phân DAP, phân NPK; thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản; vắc- xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm; thuốc bảo vệ thực vật.
Bộ Công thương chủ trì, phối hợp tham mưu, hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện bình ổn giá, theo phân công của Chính phủ và quyết định áp dụng một hoặc một số biện pháp bình ổn giá theo thẩm quyền đối với các mặt hàng xăng, dầu thành phẩm; khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG); sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi.
Bộ Y tế quyết định áp dụng một hoặc một số biện pháp bình ổn giá đối với mặt hàng thuốc thuộc danh mục thuốc thiết yếu được sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành trong việc tham mưu Chính phủ và tổ chức thực hiện đối với các biện pháp bình ổn giá phù hợp với quy định của pháp luật để bình ổn giá.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với các bộ, ngành trong việc tham mưu cho Chính phủ và tổ chức thực hiện đối với biện pháp tiền tệ phù hợp với quy định của pháp luật để bình ổn giá.
UBND cấp tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn tổ chức triển khai thực hiện các biện pháp bình ổn giá do Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ quản lý ngành, lĩnh vực quyết định.
Quy định rõ nguyên tắc triển khai định giá hàng hóa, dịch vụ
Về định giá, tại dự thảo nghị định quy định về trình tự, thủ tục để các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh đề nghị điều chỉnh Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá. Trong đó, đã quy định rõ các nội dung công việc mà các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh cần triển khai khi có nhu cầu điều chỉnh Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.
Đặc biệt là việc tổ chức triển khai các hoạt động tổng kết, đánh giá thi hành, đánh giá tác động của việc thay đổi cơ chế quản lý đối với hàng hóa, dịch vụ cần được thực hiện ngay từ khâu đề nghị của các bộ, ngành, gắn với nội dung quản lý ngành, lĩnh vực.
Qua đó, tạo thuận lợi cho Bộ Tài chính trong việc là đầu mối chủ trì xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tại dự thảo nghị định đã quy định rõ các nguyên tắc trong việc triển khai các bước để định giá hàng hóa, dịch vụ, bao gồm: lập phương án giá, thẩm định phương án giá và ban hành văn bản định giá.
Theo Bộ Tài chính, trình tự, thủ tục định giá đã được đảm bảo quy định đầy đủ, theo đúng quy định của luật và khắc phục được những hạn chế hiện nay trong việc không thống nhất về quy trình định giá hàng hóa, dịch vụ. |
Theo đó, dự thảo đã quy định chi tiết về các thành phần hồ sơ, tài liệu, thời gian quy định để thực hiện từng bước đảm bảo minh bạch, thuận lợi cho khâu tổ chức thực hiện. Đồng thời, dự thảo đã quán triệt chủ trương tăng cường phân công, phân cấp theo quản lý ngành, lĩnh vực trong việc định giá hàng hóa, dịch vụ, đảm bảo thống nhất từ trung ương đến địa phương.
Việc lập phương án giá sẽ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thực hiện trên cơ sở yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Việc thẩm định phương án giá sẽ do cơ quan, đơn vị chuyên môn về ngành, lĩnh vực của hàng hóa, dịch vụ hoặc theo phân cấp ngân sách nhà nước thực hiện để đảm bảo đúng về chức năng, nhiệm vụ cũng như thể hiện rõ nguyên tắc phân công, phân cấp theo ngành, lĩnh vực.
Trên cơ sở đó tăng cường trách nhiệm của các cơ quan trực tiếp quản lý hàng hóa, dịch vụ hoặc được phân cấp quản lý ngân sách trong mua hàng dự trữ hoặc đặt hàng. Việc trình và ban hành văn bản định giá được quy định chi tiết, cụ thể, đảm bảo toàn diện các trường hợp hàng hóa, dịch vụ do 1 cơ quan có thẩm quyền định giá và hàng hóa, dịch vụ do nhiều cơ quan có thẩm quyền định giá (một cơ quan định khung giá hoặc giá tối đa hoặc giá tối thiểu để 1 hoặc nhiều cơ quan định giá cụ thể)./.